11:08, 06/08/2012

Cơ hội phát triển ngành Công nghiệp đóng tàu

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tháng 2-2012, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp phép cho Công ty TNHH Oshima Shipbuilding của Nhật Bản đầu tư xây dựng Nhà máy Đóng tàu Oshima tại xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh).

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tháng 2-2012, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cấp phép cho Công ty TNHH Oshima Shipbuilding của Nhật Bản đầu tư xây dựng Nhà máy Đóng tàu (NMĐT) Oshima tại xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh). Đây là dự án trọng điểm của Khánh Hòa nói chung và Cam Ranh nói riêng trong chương trình phát triển kinh tế biển, phấn đấu đưa Cam Ranh trở thành trung tâm công nghiệp, đô thị động lực phía Nam tỉnh.

TP. Cam Ranh là đô thị ven biển Nam Trung bộ. Vịnh Cam Ranh được công nhận là 1 trong 3 cảng nước sâu, đẹp và tốt nhất thế giới; có đầu mối với cảng hàng không quốc tế, Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam. Những lợi thế này đã tạo nên một Cam Ranh tương đối hoàn chỉnh về lĩnh vực giao thông. Do vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên, Cam Ranh được xác định là một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, là đô thị công nghiệp, dịch vụ - du lịch, có vai trò quan trọng trong việc tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phía Nam của tỉnh, đặc biệt là ngành Công nghiệp đóng tàu và dịch vụ hàng hải.

. Sẽ xây dựng Nhà máy Đóng tàu Oshima

Tương lai không xa, ngành đóng tàu sẽ có vai trò chủ lực trong ngành Công nghiệp ở Cam Ranh (Trong ảnh: Hạ thủy tàu siêu trọng tại NMĐT Cam Ranh).

Tương lai không xa, ngành đóng tàu sẽ có vai trò chủ lực trong ngành Công nghiệp ở Cam Ranh (Trong ảnh: Hạ thủy tàu siêu trọng tại NMĐT Cam Ranh).

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tháng 2-2012, UBND tỉnh đã cấp phép cho Công ty TNHH Oshima Shipbuilding của Nhật Bản đầu tư xây dựng NMĐT Oshima tại xã Cam Thịnh Đông. Công ty này là liên doanh giữa Tập đoàn Sumitomo, Công nghiệp nặng Sumitomo và Tổng Công ty Daizo. Công ty TNHH Oshima Shipbuilding là doanh nghiệp đóng tàu duy nhất trên thế giới chuyên chế tạo tàu chở hàng rời, vận chuyển hàng khô. Đến nay, Công ty đã đóng hơn 400 tàu chở hàng rời, hàng năm cung cấp khoảng 25 tàu mới cho khách hàng trên toàn thế giới, chủ yếu là tàu Handymax có công suất an toàn từ 35.000 đến 56.000 DWT, tàu Panamax có công suất an toàn từ 60.000 đến 80.000 DWT.

Theo thỏa thuận, quy mô của nhà máy có tổng diện tích 304ha, trong đó 144ha mặt đất và 160ha mặt nước; tổng vốn đầu tư khoảng 3.780 tỷ đồng, tương đương 180 triệu USD. Đây là dự án 100% vốn nước ngoài, thời gian thực hiện dự án 50 năm. Trong đó, giai đoạn 2012 - 2013 sẽ hoàn tất giải phóng mặt bằng, giai đoạn 2013 - 2015 hoàn thiện cơ sở hạ tầng và xây dựng nhà xưởng, đào tạo nhân lực. Dự kiến, nhà máy sẽ chính thức hoạt động vào năm 2016.

. Đòn bẩy quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế

Theo cam kết, nếu xây dựng NMĐT tại Cam Ranh, Công ty sẽ kêu gọi các doanh nghiệp của Nhật Bản tham gia đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành đóng tàu tại đây. Bên cạnh đáp ứng các công nghệ hiện đại về xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, Công ty TNHH Oshima Shipbuilding còn cam kết chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao và hiện đại cho các NMĐT tại Việt Nam; giải pháp tiên tiến trong quản lý khoa học và thực tiễn; máy móc thiết bị mới và tạo động lực thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp vào Cam Ranh. Nếu hoạt động ổn định, đến năm 2020, NMĐT Oshima sẽ xuất xưởng khoảng 30 tàu chở hàng siêu trọng, trong đó có 12 tàu trọng tải 56.000 DWT, còn lại là tàu 38.000 DWT. Nhà máy sẽ tạo việc làm ổn định cho 1.500 lao động giai đoạn đầu, 3.000 lao động giai đoạn tiếp theo. Dự kiến mỗi năm, nhà máy sẽ đóng góp cho ngân sách Nhà nước gần 1 triệu USD từ tiền thuê đất và mặt nước; 2,4 triệu USD từ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Mặt khác, Nhà máy sẽ tạo điều kiện cho người dân địa phương và các xã, phường trên địa bàn thành phố đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ cho nhu cầu sản xuất của nhà máy, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; làm đòn bẩy quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế của TP. Cam Ranh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển gồm: Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin, NMĐT Nha Trang và NMĐT Cam Ranh. Mỗi năm, 3 nhà máy này đóng mới hàng chục tàu biển các loại, doanh thu khoảng 350 triệu USD, đóng góp ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Nếu NMĐT Oshima đi vào hoạt động, trong tương lai, Khánh Hòa có thể trở thành trung tâm công nghiệp tàu thủy lớn nhất Việt Nam.

ANH TUẤN