Đến cuối tháng 7, Khánh Hòa là tỉnh có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cao nhất khu vực miền Trung và xếp thứ 3 về số ca mắc bệnh tay chân miệng.
Đến cuối tháng 7, Khánh Hòa là tỉnh có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) cao nhất khu vực miền Trung và xếp thứ 3 về số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM). Tuy nhiên, nhờ triển khai kịp thời công tác phòng, chống (PC) dịch, đến nay dịch TCM và SXH của tỉnh vẫn trong tầm kiểm soát và không có ca tử vong.
. Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Tính đến tuần 29 (22-7), toàn tỉnh có 1.349 ca mắc bệnh TCM; 122/137 xã, phường của 8 huyện, thị, thành phố có người mắc bệnh, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2011 có 221 ca), không có ca tử vong. Trong đó, Nha Trang là đơn vị có số ca mắc bệnh nhiều nhất với 440 ca, kế đến là Ninh Hòa: 391 ca, Cam Ranh: 217 ca, Diên Khánh: 123 ca, Cam Lâm: 116 ca. Độ tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất là trẻ dưới 3 tuổi, chiếm tới 85,8% (1.158 ca).
Về SXH, đến tuần 29, toàn tỉnh ghi nhận có 1.483 ca mắc bệnh này, tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2011 có 374 ca), không có ca tử vong; phát hiện 105 ổ dịch. So với cùng kỳ năm ngoái, tất cả các tuần trong năm 2012 đều có số ca mắc cao hơn, riêng các tuần 27, 28, 29 số ca mắc tăng gấp 16 lần. Tất cả các huyện, thị, thành phố đều có số ca mắc cao như Vạn Ninh tăng 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái, Diên Khánh tăng 6,7 lần, Ninh Hòa tăng 4,8 lần, Nha Trang tăng 1,7 lần.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Diêm (Ninh Hòa) đang khám cho bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng. |
Trong đợt giám sát về dịch bệnh TCM và SXH ở Vạn Ninh mới đây, Tiến sĩ Viên Quang Mai - Viện phó Viện Pasteur Nha Trang nhận định, tình hình dịch bệnh TCM và SXH ở Khánh Hòa diễn biến khá phức tạp với những biểu hiện: số ca mắc 2 dịch bệnh này của tỉnh khá cao so với các tỉnh, thành khu vực miền Trung và tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái; rải đều ở các xã, phường; tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh TCM độ 1 chiếm tới 94,3%; trong số 60/80 mẫu xét nghiệm TCM dương tính, số mẫu dương tính với vi rút EV71 (chủng vi rút có thể gây biến chứng dễ dẫn đến tử vong) chiếm tới 59,7%. Về SXH, từ đầu năm đến tháng 5 khá yên ắng; qua tháng 6, 7, số ca mắc toàn tỉnh tăng vọt, gấp đôi so với tháng trước, có huyện, thị, thành phố có số ca mắc tăng gấp 3, 4 lần. “Khánh Hòa sắp bước vào mùa mưa nên có khả năng từ đây đến cuối năm dịch bệnh sẽ tiếp tục phát triển với số ca mắc tăng cao” - Tiến sĩ Viên Quang Mai cho biết.
. Người dân còn chủ quan với dịch bệnh
Trong một đợt kiểm tra do Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng tỉnh thực hiện tại thôn 4, xã Ninh Sơn, Ninh Hòa - địa phương có số ca mắc SXH khá cao, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều gia đình xây bể chứa nước nhưng hầu hết các bể chứa nước đều có cặn bẩn, không được súc rửa thường xuyên, có nhiều lăng quăng, xác bọ gậy. Khi được hỏi có biết việc để các bể chứa nước lâu ngày mà không súc rửa dễ sinh ra muỗi gây bệnh SXH, bà Bùi Thị Hồng - người dân trong thôn, gia đình có 3 người mắc bệnh SXH - nói: “Tôi có biết, nghe trên loa đài của xã tuyên truyền nhưng nước máy ở đây lúc có, lúc không nên không dám súc rửa thường xuyên vì sợ không có nước để sử dụng. Với lại, giá nước hiện nay cũng cao, nếu súc rửa thường xuyên thì lấy tiền đâu ra trả tiền nước”. Hoặc cũng có người dân đến khi trong nhà có người thân mắc bệnh mới quan tâm đến việc PC. Trường hợp chị Phạm Thị Tú Huyên ở Ba Ngòi, Cam Ranh là một ví dụ. Hôm chúng tôi tới, chị đang lau nhà bằng nước Chloramin B. Hỏi chuyện, chị cho biết con chị mắc bệnh TCM, vừa mới xuất viện. “Theo hướng dẫn của bác sĩ, gia đình phải lau nhà thường xuyên bằng nước này, rửa và phơi nắng đồ chơi của cháu, mỗi khi ẵm bồng cháu phải rửa tay sạch sẽ. Những biện pháp này vợ chồng tôi cũng nghe loa đài ở địa phương phát thường xuyên nhưng không chú ý lắm vì bận đi làm cả ngày. Khi cháu bệnh thì tôi mới làm theo hướng dẫn” - chị Tú Huyên nói.
Chị Huỳnh Thị Minh Tạo - cán bộ y tế xã Ninh Sơn cho biết, hầu như ý thức PC dịch của người dân ở đây rất thấp. Bên cạnh việc tuyên truyền thường xuyên trên loa đài cách diệt lăng quăng, bọ gậy để PC bệnh SXH, xã còn cử cán bộ y tế tới tận nhà dân cầm tay chỉ việc, thay nước các bình hoa, súc rửa các bể nước, chỗ nào có nước tù đọng thì dọn bỏ… nhưng khi cán bộ y tế đi khỏi thì đâu lại vào đấy. Nhiều hộ gia đình khi thấy cán bộ y tế xã tới còn đuổi khéo hoặc đóng cửa không tiếp.
. Tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch
Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh TCM, SXH và từ những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình PC dịch bệnh tại địa phương, ngay từ đầu năm 2012, Sở Y tế đã kịp thời chỉ đạo các hoạt động PC dịch TCM, SXH trong toàn tỉnh. Theo đó, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể giám sát phát hiện sớm, triển khai các biện pháp PC dịch tại các cơ sở điều trị cũng như trong cộng đồng. Về mặt chuyên môn, Sở đã chỉ đạo TTYT dự phòng tỉnh, các đơn vị điều trị, các TTYT huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác giám sát, xử lý ổ dịch kịp thời, chẩn đoán, điều trị bệnh TCM, SXH theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Song song với công tác trên, ngay từ đầu tháng 3, Sở Y tế đã cử đoàn giám sát đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh để kiểm tra công tác PC dịch TCM kết hợp với dịch SXH nhằm hỗ trợ và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động PC dịch tại các địa phương. Mặt khác, chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh chủ động phối hợp với ngành Giáo dục để ngăn chặn dịch bệnh TCM xảy ra tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ; phát hiện sớm các trường hợp mắc TCM tại cộng đồng để có các biện pháp cách ly, điều trị kịp thời và chống lây lan. Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế tại tất cả các tuyến về giám sát, PC bệnh, chẩn đoán và điều trị bệnh TCM, SXH; phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương trong công tác giám sát, tuyên truyền PC bệnh TCM, SXH… Nhờ chủ động trong công tác PC, chẩn đoán và điều trị, đến nay toàn tỉnh chưa có trường hợp nào tử vong.
Bên cạnh những mặt thuận lợi như được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể, hiện nay công tác này gặp không ít khó khăn. Đó là nhân lực các Đội y tế dự phòng ít, lại gánh nhiều chương trình hoạt động; người dân còn chủ quan, chưa chủ động áp dụng các biện pháp PC dịch tại gia đình; một số ban ngành, đoàn thể ở địa phương, nhất là cấp xã, phường chưa phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong công tác PC dịch; định mức chi cho các hoạt động của dự án PC SXH chưa chụ thể và thấp, không phù hợp với thực tế nên gây khó khăn cho các hoạt động PC và xử lý dịch. Mong rằng, thời gian tới, các cấp, ngành tiếp tục quan tâm tháo gỡ những vấn đề này nhằm đạt được hiệu quả cao trong công tác PC dịch bệnh.
THẢO LY