06:07, 27/07/2012

Chính quyền địa phương cần xem xét lại

Gần đây, nhiều tiểu thương ở chợ Suối Tân (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) tỏ ra bức xúc trước quyết định tăng giá cho thuê mặt bằng của chính quyền địa phương. Nhiều người đã gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng, một số khác treo bảng sang nhượng mặt bằng…

Gần đây, nhiều tiểu thương ở chợ Suối Tân (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) tỏ ra bức xúc trước quyết định tăng giá cho thuê mặt bằng của chính quyền địa phương. Nhiều người đã gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng, một số khác treo bảng sang nhượng mặt bằng… Thêm nữa, vấn đề an ninh trật tự ở chợ cũng khiến họ bất bình.

Tiểu thương bỏ chợ

9 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại chợ Suối Tân nhưng quang cảnh chợ thật ảm đạm, vắng vẻ. Nhiều gian hàng đóng cửa. Không ít sạp hàng treo bảng sang nhượng mặt bằng. Theo quan sát của chúng tôi, trong số 21 gian hàng ở khu vực nhà lồng (chuyên bán quần áo, giày dép, mỹ phẩm…), có đến 8 gian đóng cửa. Tại các gian hàng mở cửa, hầu hết tiểu thương đều “ngồi chơi xơi nước” do không có khách. Không chỉ khu vực nhà lồng vắng khách, khu nhà chợ cá, chợ thịt, hàng rau, hàng ăn uống, trái cây… cũng yên ắng không kém.

Lý giải về điều này, nhiều tiểu thương cho biết, vừa qua, do UBND xã nâng giá cho thuê mặt bằng lên cao, trong khi việc kinh doanh ở chợ ngày càng ế ẩm nên nhiều tiểu thương không kham nổi, đành đóng cửa sạp. Một số người khác cố bám chợ với hy vọng còn nước còn tát. Bà Phan Thị Kim Liên - chủ gian hàng tạp hóa tại chợ Suối Tân cho biết: “Trước đây, theo giá cũ, tôi đóng tiền thuê mặt bằng ở chợ 15,5 triệu đồng trong 5 năm, trừ các khoản chi phí, mỗi ngày tôi kiếm được vài chục nghìn đồng lo cho 4 miệng ăn. Còn nay theo giá mới, tôi phải đóng 33 triệu đồng trong 5 năm. Trong khi buôn bán ngày càng ế ẩm, việc UBND xã đưa ra giá thuê mặt bằng mới cao hơn 50% so với giá cũ là bất hợp lý”. Cùng tâm trạng bức xúc, chị Nguyễn Thị Bích Tuyền - tiểu thương bán quần áo ở chợ cho biết: “5 năm trước, tôi thuê mặt bằng với giá 14 triệu đồng/lô; còn theo giá mới, tôi phải đóng 27 triệu đồng/lô. Trước đây, việc buôn bán có phần thuận lợi, trừ chi phí, mỗi ngày tôi kiếm được chút đỉnh. Còn hiện nay, chợ ế, doanh thu ngày càng sụt giảm. Có khi một tháng, tôi phải đóng cửa sạp hết nửa tháng. Nếu chấp nhận giá thuê mặt bằng mới thì lấy gì để sống? Còn nếu không tiếp tục ký hợp đồng thì buôn bán ở đâu, làm gì? Chúng tôi chỉ mong chính quyền địa phương xem xét giảm giá cho thuê mặt bằng hoặc với giá đó nhưng gia hạn thời gian cho thuê mặt bằng. Có như vậy, tiểu thương mới yên tâm mua bán”.


Buôn bán ế ẩm, tiểu thương dọn dẹp hàng hóa.
Buôn bán ế ẩm, tiểu thương dọn dẹp hàng hóa. 

 

Những khúc mắc cần được giải quyết

Không chỉ phản đối việc tăng giá cho thuê mặt bằng, nhiều tiểu thương ở chợ Suối Tân còn bất bình trước vấn đề trật tự ở chợ. Theo các tiểu thương, thời gian qua, do thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng, nhiều hộ kinh doanh ngang nhiên lấn chiếm lề đường, lối vào chợ, hình thành các điểm buôn bán tự phát. Điều này không chỉ làm mất mỹ quan chợ mà còn gây khó khăn cho các tiểu thương có thuê lô, sạp. Mặt khác, tuy đi vào hoạt động đã hơn 5 năm, nhưng đến nay chợ Suối Tân vẫn không có lực lượng bảo vệ, thường xuyên xảy ra mất cắp. Bà Hồ Thị Kim Thoa - tiểu thương bán giày dép nói: “Do chợ không có bảo vệ, nhiều lúc xảy ra trộm cắp, chúng tôi chẳng biết kêu ai. Có lần, tôi bị trộm cạy cửa sạp lấy hàng hóa trị giá 8 triệu đồng nhưng đành chịu. Nhiều sạp hàng khác cũng rơi vào cảnh tương tự”.

Về những phản ánh của tiểu thương chợ Suối Tân, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chợ Suối Tân được đưa vào sử dụng tháng 4-2007. Đến tháng 4-2012, sau khi hết thời hạn hợp đồng cho thuê mặt bằng, UBND xã đã mời tiểu thương đến ký thanh lý hợp đồng và thông báo giá đấu thầu mới. Song đến nay, tất cả tiểu thương vẫn không chịu ký thanh lý hợp đồng. Căn cứ các quy định của Nhà nước và dựa vào tình hình thực tế của địa phương, xã đã điều chỉnh giá cho thuê mặt bằng và trình UBND huyện phê duyệt. Theo đó, giá thuê mặt bằng tăng từ 20 - 35% so với giá cũ chứ không phải 50% như bà con phản ánh”. Ông Hải cho biết thêm: “Vừa qua, chúng tôi nhận được một số đơn khiếu nại của tiểu thương về vấn đề này. Tuy nhiên do bận nhiều việc, chúng tôi chưa giải quyết…”. Ông Hải cũng thừa nhận thiếu sót của địa phương về việc đã không tổ chức họp dân để lấy ý kiến trước khi trình cấp trên phê duyệt giá gói thầu mới. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức họp dân để giải thích, phân tích cho bà con hiểu. Sau đó, tổ chức họp nội bộ UBND xã để bàn phương án và gửi văn bản lên cấp trên xin ý kiến chỉ đạo” - ông Hải nói.

Đề cập đến tình trạng tiểu thương lấn chiếm lề đường, lối vào chợ để buôn bán, ông Hải cho rằng: “Do Ban quản lý chợ hoạt động không hiệu quả nên để xảy ra tình trạng này. Sắp tới, sau khi hoàn tất việc đấu thầu, địa phương sẽ chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp với Ban quản lý chợ sắp xếp tiểu thương vào lô sạp. Nếu hộ kinh doanh nào không chấp hành, chúng tôi sẽ thu hồi lô, sạp cho người khác đấu thầu”. Còn về tình trạng mất cắp ở chợ, thời gian qua, xã không nhận được bất kỳ đơn phản ánh nào của tiểu thương. Tuy vậy, xã vẫn bố trí lực lượng chuyên trách tuần tra bảo vệ…

Có thể thấy, những bức xúc của tiểu thương chợ Suối Tân là có nguyên do và tình trạng buôn bán ế ẩm ở chợ là có thật. Tuy việc điều chỉnh giá thuê mặt bằng ở chợ Suối Tân trong tình hình hiện nay là cần thiết nhưng điều chỉnh thế nào cho hợp tình, hợp lý là vấn đề mà chính quyền địa phương cần xem xét lại.

KIM THAO