10:07, 21/07/2012

Cần quyết liệt hơn

San hô có vai trò rất quan trọng đối với môi trường biển, bảo vệ rạn san hô cũng chính là bảo vệ những nguồn lợi vô giá từ biển.

San hô có vai trò rất quan trọng đối với môi trường biển, bảo vệ rạn san hô cũng chính là bảo vệ những nguồn lợi vô giá từ biển. Tuy nhiên, hiện nay, do lợi nhuận hấp dẫn, nên tình trạng khai thác san hô (KTSH) trên địa bàn Khánh Hòa đang gia tăng.

. Đua nhau khai thác

Trong các địa phương có biển, Khánh Hòa là nơi khá phong phú về số lượng và trữ lượng các loài san hô. San hô tập trung ở 3 vịnh lớn: Cam Ranh, Nha Trang, Vân Phong. Trước kia, nạn KTSH nổi cộm ở TP. Cam Ranh. Tại đây, có xã “nướng” hàng chục ngàn tấn san hô vào các lò vôi, hay các thú chơi san hô cảnh. Những năm gần đây, do lợi nhuận cao nên nạn KTSH không chỉ có ở Cam Ranh mà “nóng” ở cả huyện Vạn Ninh. Thôn Xuân Đông (Vạn Hưng, Vạn Ninh) được xem là tâm điểm của nạn KTSH, do ở đây có những rạn san hô dày đặc, nằm sát bờ biển, lại thuận tiện về giao thông, bãi chứa… Hiện có ít nhất 2 bãi đất trống rộng hơn 2ha thường xuyên dùng làm điểm tập kết san hô đã khai thác, sau đó được sơ chế trước khi xuất bán.

1
San hô khai thác trái phép nằm ngổn ngang.

Hôm chúng tôi cùng Đội liên ngành của tỉnh đến vùng này, có hàng chục khối san hô sống còn nguyên màu trắng toát bị xẻ 5, xẻ 7 để tạo dáng và đang bị phơi nắng. Theo con đường mòn thôn Xuân Đông ra sát mép biển, chúng tôi thấy những hố sâu 5 - 10m nằm san sát nhau, đó là dấu tích của những tảng san hô lớn đã được đào bới và vận chuyển đi, chỉ còn lại các mảnh vụn san hô. Cũng tại mép biển này, việc KTSH theo kiểu “móc ruột” đã làm chân đê chắn sóng không còn, khiến biển xâm thực nghiêm trọng và cuốn đi mấy ngôi nhà nằm sát bờ. Nhìn bằng mắt thường dọc bờ biển thôn Xuân Đông có thể thấy hàng chục ngôi nhà đã bị sập, số còn lại cũng chông chênh bên bờ vực.

Theo UBND xã Vạn Hưng, nạn KTSH tại địa phương xuất hiện từ năm 2006, nhưng mạnh nhất là năm 2008 khi Vạn Ninh sôi sục thú chơi non bộ. Có thời điểm, toàn xã có gần trăm hộ tập trung khai thác san hô, làm đục ngầu vùng biển. Đáng nói nhất là những rạn san hô đang sống cũng bị móc đi từng mảng. Thực tế, nạn KTSH tại thôn Xuân Đông đã hủy diệt hơn 20ha diện tích bãi bồi trải dài trên 3km.

1

Những rạn san hô sát mép biển bị khai thác dẫn đến hổng chân, khiến biển xâm thực gây sụt đổ nhà.

. Chưa có “thuốc đặc trị”

Trước tình trạng KTSH tràn lan trên địa bàn Vạn Ninh, vừa qua, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1216/QĐ-UBND thành lập đoàn kiểm tra cấp tỉnh để kiểm tra, xử lý việc khai thác, buôn bán, tàng trữ và vận chuyển san hô trái phép trên địa bàn huyện Vạn Ninh. Các đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương, Biên phòng tỉnh và Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh để ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này. Ông Bùi Lân - Đội trưởng Đội Thanh tra số 4 thuộc Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - lực lượng chủ chốt tham gia chiến dịch này cho biết: Lực lượng chức năng đã mật phục nhiều ngày liền tại các điểm nóng nhưng việc phát hiện rất khó khăn do người KTSH chủ yếu là dân trong vùng. Khi biết lực lượng chức năng triển khai, họ nhanh chóng thông báo cho nhau và tẩu tán. Vì thế, sau gần 1 tuần mật phục, đêm 7-7 vừa qua, lực lượng liên ngành mới bắt quả tang xe tải biển số 79C-00528 do tài xế Lê Đình Du (trú xã Vạn Hưng) điều khiển, chở hơn 6 tấn san hô chết trên đường đến xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa) để tiêu thụ. Vụ việc đang được cơ quan chức năng xử lý.

1
 

Theo ông Lân, tình hình KTSH trên địa bàn Vạn Ninh khá phức tạp, diễn ra trên diện rộng, đối tượng tham gia đông và rất ngoan cố. Từ năm 2007, Đội Thanh tra số 4 được thành lập nhưng ban đầu chưa ổn định, công tác phối hợp với địa phương còn gặp khó khăn nên việc truy quét nạn KTSH trái phép chỉ được tiến hành mạnh mẽ từ năm 2011. Riêng năm 2012, Đội đã bắt quả tang 11 vụ khai thác, vận chuyển trái phép san hô, xử phạt hành chính gần 100 triệu đồng… Nhưng nạn KTSH trái phép vẫn chưa được giải quyết triệt để do tình hình chỉ lắng xuống khi có mặt lực lượng chuyên trách, sau đó tái diễn…

. Còn khó khăn

Theo tính toán, một khối san hô chết hiện cũng có giá 700 - 800 ngàn đồng, san hô sống có giá 2,2 - 3 triệu đồng/khối. Đã vậy, lại có thể dễ dàng KTSH với số lượng lớn; điều đó đã khiến nhiều người bất chấp hậu quả, đua nhau đi tàn phá san hô.

2
Xe chở san hô bị bắt

Bà Trần Thị Thu - Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết: 3 năm qua, địa phương đã phát hiện 32 vụ vi phạm KTSH, tuy nhiên mới dừng ở xử phạt hành chính. Hàng năm, xã đều tổ chức nhiều đợt tuyên truyền đến từng hộ gia đình, thậm chí vận động bà con ký cam kết không KTSH, tuy nhiên, họ vẫn tái phạm. Đã vậy, khi lực lượng xã tổ chức tuần tra, kiểm soát còn gặp sự chống cự quyết liệt của người KTSH. Không ít lần cán bộ thôn, xã bị ném đá trúng đầu, hỏng xe máy. Vì thế, việc điều động nhân lực trong xã để trấn áp nạn KTSH gặp khó khăn.

Bà Thu cho biết thêm, hiện nay chưa có kinh phí hỗ trợ xã ngăn chặn nạn KTSH trái phép. Mấy năm qua, xã đã ứng trước tiền dự trữ để tổ chức tuyên truyền, tuần tra, bình quân mỗi năm khoảng 10 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa cân đối xong. Bên cạnh đó, hàng chục khối san hô bị thu giữ đến nay vẫn phơi nắng mà không thanh lý nên không có kinh phí. Về vấn đề này, ông Lê Minh Dũng - Phó Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trước mắt, Thanh tra Sở đã giao cho Đội Thanh tra số 4 liên hệ với một số công ty trong tỉnh để thương lượng bán số san hô đã thu giữ, lấy đó làm kinh phí hoạt động; nhưng việc bán cho ai cũng cần cân nhắc: phải bán cho những người sử dụng đúng mục đích. Do đó, tất cả vẫn phải chờ.

T.NGA