07:07, 03/07/2012

Còn nhiều bất cập

Cho đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa ban hành văn bản nào về phân cấp quản lý nghĩa trang. Do đó, các địa phương không có cơ sở để triển khai thực hiện công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng nghĩa trang theo quy định…

 

Cho đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa ban hành văn bản nào về phân cấp quản lý nghĩa trang (NT). Do đó, các địa phương không có cơ sở để triển khai thực hiện công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng NT theo quy định…

. Nhiều điểm chôn cất tự phát

Theo ông Lưu Quốc Thanh - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, hầu hết các NT trên địa bàn tỉnh đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều NT đang được mở rộng một cách tự phát nên việc xác định đất sử dụng làm NT chỉ mang tính tương đối. Mặt khác, do quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đến năm 2020 chưa được phê duyệt nên không có cơ sở để đánh giá và xác định diện tích phù hợp với quy hoạch làm NT lâu dài. Điển hình, TP. Nha Trang có 16 xã, phường có đất đang sử dụng làm NT, với 64 điểm chôn cất, hơn 119,74ha, nhưng hiện nay có tới 41 điểm nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong các khu dân cư cần phải di dời hoặc đóng cửa. Đa số các điểm chôn cất này đều được thành lập tự phát và không được quản lý chặt chẽ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ở huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh còn khá nhiều ô mộ người dân chiếm dụng đất rừng, đất nông nghiệp làm nơi chôn cất. Ngoài ra, nhiều địa phương có điểm chôn cất người quá cố thuộc diện cần phải di dời như: thị xã Ninh Hòa có 6 điểm, Diên Khánh 10 điểm, TP. Cam Ranh 17 điểm...

Cho đến nay, UBND tỉnh vẫn chưa ban hành văn bản nào về phân cấp quản lý nghĩa trang (NT). Do đó, các địa phương không có cơ sở để triển khai thực hiện công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng NT theo quy định…
Hiện nay, vẫn còn nhiều nghĩa trang tự phát mọc lên trong khu dân cư làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân

Hiện nay, việc chôn cất người quá cố trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chủ yếu theo hình thức mai táng cố định (chỉ có NT phía Bắc TP. Nha Trang thực hiện theo 2 hình thức mai táng và hỏa táng). Điều này dẫn đến tình trạng quá tải ở các NT. Do đó, có nhiều điểm chôn cất tự phát mọc lên và ngày càng được mở rộng.

. Buông lỏng trong công tác quản lý

Phần lớn các NT trên địa bàn tỉnh tồn tại từ trước năm 1975. Mỗi xã, phường thường có 1 đến 3 NT, nhiều điểm nằm ngay trong các chùa, khu đất của hộ gia đình, cá nhân. Đặc biệt, trên địa bàn TP. Nha Trang, nhiều phường có đến 7 - 8 NT của các họ tộc nằm xen trong khu dân cư. Riêng đối với khu vực miền núi thuộc huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn, đến nay vẫn chưa có NT chung cho xã, cụm xã. Phần lớn người dân chôn cất người quá cố tự phát trong rừng, rẫy theo nhu cầu, tập quán. Bên cạnh đó, do việc phân cấp quản lý NT ở các huyện, thị xã, thành phố không rõ ràng nên đã xảy ra nhiều bất cập.

Sự buông lỏng quản lý dẫn đến việc có nhiều cá nhân tự đứng ra quy hoạch, sau đó bán đất lại cho người dân khi có nhu cầu. Tuy nhiều địa phương đã tuyên truyền, vận động người dân không nên chôn cất người chết tại các khu NT này; đồng thời cấm các chủ NT tư nhân tự ý mở rộng nhưng vẫn không hiệu quả. Các NT tự phát vẫn không ngừng được mở rộng, lấn chiếm sang phần đất ở; vì vậy, nhiều gia đình phải chấp nhận “sống chung với người chết”. Ông Đinh Quang Thành - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hải cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần xử phạt vi phạm hành chính về việc tư nhân tự ý ủi đất làm NT, thế nhưng vẫn không hiệu quả. Các NT tự phát vẫn được mọc lên và không ngừng mở rộng để phục vụ nhu cầu của người dân”.

Ông Lưu Quốc Thanh cho biết: “Phần lớn các NT trên địa bàn tỉnh đều có quy định, quy chế quản lý. Tuy nhiên, việc xây dựng quy chế quản lý NT chủ yếu dựa vào tập quán địa phương, mang tính chủ quan của người xây dựng. Các quy chế quản lý đều chưa trình cấp thẩm quyền phê duyệt hay thỏa thuận theo quy định nên có nhiều nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật như: không cho người không có hộ khẩu tại địa phương được chôn cất người quá cố ở nơi đang sinh sống; người không có hộ khẩu tại địa phương phải đóng phí gấp nhiều lần so với người có hộ khẩu tại địa phương…”.

Bên cạnh đó, hiện nay, hầu hết các địa phương không xây dựng mức giá dịch vụ mà do Ban quản lý NT tự thống nhất với các tổ chức như: Hội Người cao tuổi, UBMTTQ Việt Nam xã. Do đó, giá cả dịch vụ NT và giá huyệt mộ rất chênh lệch (có nơi thu 200.000 đồng/mộ, có nơi thu đến 5 triệu đồng/mộ)…

. Cần sớm có hướng giải quyết

Mỗi năm, Khánh Hòa có khoảng 6.000 người chết, phần lớn đều sử dụng hình thức mai táng. Do đó, nhu cầu về đất chôn cất người chết tối thiểu khoảng 3ha/năm. Những ảnh hưởng về môi trường, giá dịch vụ NT đang là vấn đề bức xúc; trong khi đó, việc quản lý nhà nước về vấn đề này chưa được UBND tỉnh, các ngành, địa phương quan tâm thỏa đáng. Để công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng NT trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương cần sớm có hướng giải quyết thỏa đáng, hợp với nguyện vọng của nhân dân. Trước mắt, tỉnh cần tính toán xây dựng, quy hoạch các NT và có quy chế quản lý đúng quy định. Việc bố trí quy hoạch phải phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn và khả năng khai thác quỹ đất; phù hợp với tổ chức phân bố dân cư; đảm bảo phân khu chức năng, phân lô, kích thước, kiểu dáng xây dựng, khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, sử dụng đất hiệu quả, tạo mỹ quan, thói quen an táng văn minh, hiện đại. Đồng thời, tỉnh cần xây dựng đề án có tính chiến lược lâu dài trong quy hoạch xây dựng, quản lý NT.

VĂN GIANG