03:07, 19/07/2012

Phập phồng chờ năm học mới!

Kết thúc năm học 2011 - 2012, cũng là năm học đầu tiên của mình, Trường Phổ thông quốc tế Hoàn Cầu phát thông báo “tạm dừng hoạt động trong 1 năm” vì các lý do khách quan, song nhiều người hiểu là do trường có quá ít học sinh nên không thể duy trì hoạt động.

Kết thúc năm học 2011 - 2012, cũng là năm học đầu tiên của mình, Trường Phổ thông quốc tế Hoàn Cầu phát thông báo “tạm dừng hoạt động trong 1 năm” vì các lý do khách quan, song nhiều người hiểu là do trường có quá ít học sinh nên không thể duy trì hoạt động. Một trường phổ thông quốc tế khác là APC Diamond Bay với “thâm niên” 2 năm hoạt động trên đất Nha Trang, nay cũng chỉ vỏn vẹn 38 em/12 lớp; lớp có sĩ số cao nhất là 6 học sinh, còn lớp có sĩ số thấp nhất chỉ 1 học sinh!

. Thiếu học sinh

Rất có thể các trường phổ thông quốc tế tư thục ở Khánh Hòa khó tồn tại và phát triển được trong giai đoạn hiện nay là do học phí cao, chưa phù hợp với mặt bằng đời sống xã hội; trong khi phần lớn các gia đình khá giả đã cho con em mình sang Singapore, Úc, Mỹ… du học, nên nguồn tuyển sinh tại chỗ eo hẹp, dẫn tới nguồn thu từ học sinh không bù đắp nổi chi phí của nhà trường.

Song một số trường phổ thông ngoài công lập “nội địa” khác, học phí cũng ở mức vừa phải nhưng vẫn teo tóp dần. Đơn cử như Trường THPT Lê Thánh Tôn, sau hơn 10 năm hoạt động, nay cũng chỉ có tổng cộng 7 lớp với 238 học sinh. 5 năm trở lại đây, chưa có năm nào nhà trường tuyển đủ chỉ tiêu lớp 10 được giao - dù rất khiêm tốn, dưới 150 học sinh/năm. Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật ở ngay khu vực trung tâm thành phố, cơ sở vật chất được xây dựng khang trang, đầy đủ nhưng đầu năm học 2011 - 2012, tuy lãnh đạo nhà trường đã tăng cường tuyên truyền nhưng cũng chỉ đạt 62,7% chỉ tiêu tuyển sinh theo kế hoạch.

Mùa tuyển sinh lớp 10 năm nay, nhiều phụ huynh ở Nha Trang như ngồi trên đống lửa vì tỷ lệ “chọi” khá căng, sợ không có chỗ học cho con em mình, nhất là không vào được các trường công lập với tổng cộng 2.400 chỉ tiêu cho 4 trường THPT là Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ, Hà Huy Tập (riêng trường Lê Quý Đôn tuyển sinh chung cho học sinh trên phạm vi toàn tỉnh). Còn lãnh đạo một số trường THPT ngoài công lập cũng rất nóng lòng với việc chiêu sinh lớp 10. Theo kinh nghiệm của những năm trước và tính toán sơ bộ ban đầu, e rằng các trường này cũng khó tuyển đủ chỉ tiêu được giao (tổng cộng 1.360 học sinh). Về lý thuyết thì nguồn học sinh cho các trường ngoài công lập rất lớn (gấp đôi chỉ tiêu trên), nhưng thực tế, các gia đình đã tự phân luồng: Năm nay, Nha Trang đã có gần 1.000 học sinh không đăng ký dự thi lớp 10, nhiều em đã chọn học nghề hoặc ra đời sớm để sau này tiếp tục vừa làm vừa học. Vì vậy, không chỉ Trường THPT Đại Việt mới thành lập đang hồi hộp chờ “quân”, mà nhiều trường khác trong “làng” phổ thông dân lập, tư thục cũng phập phồng với nỗi lo thiếu học sinh đến tận ngày khai trường.

. Nhiều cạnh tranh

Con đường trước mặt của các trường THPT ngoài công lập xem ra còn gập ghềnh hơn khi thông tin chính thức từ Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết đang triển khai kế hoạch xây mới 3 trường THPT trên địa bàn Nha Trang để đạt được chỉ tiêu huy động 75% học sinh lớp 9 vào học lớp 10 công lập theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh; trong đó, dự án xây dựng Trường THPT Nam Nha Trang, đặt tại khu vực Bình Tân, theo kế hoạch, phải hoàn thành vào tháng 4-2013 và đưa vào hoạt động từ đầu năm học 2013 - 2014. Tiếp theo là các trường: THPT Bắc Nha Trang, Tây Nha Trang.

Thị phần 25% học sinh lớp 9 còn lại sẽ phải chia cho nhiều địa chỉ khác nhau ngoài con đường giáo dục phổ thông như đào tạo nghề (định hướng là 25%), các lớp bổ túc văn hóa và một bộ phận không nhỏ học sinh chọn ra đời sớm. Trong bối cảnh ấy, một số trường THPT ngoài công lập sẽ khó tránh khỏi cảnh sống lay lắt, thậm chí phải đóng cửa trường như tình trạng khá phổ biến ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

LÊ VĂN