Năm 1979, ông Nguyễn Tiến Cường (thôn 3, xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đi nghĩa vụ quân sự tại Sư đoàn 315, Quân khu 5, rồi được điều động đi Campuchia giúp nước bạn.
Trong chiến tranh, họ là những chiến sĩ.
Về với cuộc sống đời thường khi một phần xương máu
đã nằm lại nơi chiến trường, những chiến sĩ năm xưa
vẫn quyết tâm chống lại thương tật, vượt lên
hoàn cảnh riêng để lao động sản xuất, làm giàu cho
bản thân, gia đình và giúp đỡ xã hội.
Họ xứng đáng với lời căn dặn của Hồ Chủ tịch:
“Thương binh tàn nhưng không phế”.
Vượt qua khó khăn để làm giàu chính đáng…
Năm 1979, ông Nguyễn Tiến Cường (thôn 3, xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đi nghĩa vụ quân sự tại Sư đoàn 315, Quân khu 5, rồi được điều động đi Campuchia giúp nước bạn. Trong một trận đột kích tại ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, ông bị thương ở cánh tay phải… Năm 1983, ông xuất ngũ. Trở về cuộc sống đời thường với vết thương chiến tranh trên mình, ông Cường gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, ông đã chọn vùng kinh tế mới Ninh Thượng để lập nghiệp. Hai vợ chồng ông đã ngày đêm khai khẩn đất hoang, đến nay có hơn 50ha đất sản xuất. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban đầu, gia đình ông trồng cây ngắn ngày như: thuốc lá, đậu, dưa… Năm 1996, thấy cây mía có nhiều triển vọng, ông mạnh dạn chuyển sang trồng mía đường. Cũng từ đây, kinh tế của gia đình ông phát triển vững chắc. Hàng năm, gia đình ông thu nhập từ cây mía bình quân hơn 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động địa phương với mức thu nhập từ 100.000 - 150.000 đồng/người/ngày. Ông còn đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất để giảm chi phí nhân công, tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất cây trồng.
Có điều kiện, ông Nguyễn Tiến Cường đầu tư máy móc phục vụ sản xuất. |
Trở về cuộc sống đời thường, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Văn Dũng (tổ 14, Đường Đệ, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) lại chọn con đường kinh doanh. Năm 1987, ông nhập ngũ và công tác tại Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, tham gia chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa. Cuối năm 1989, ông bị thương nặng và được đưa vào bờ điều trị. Từ đây, ông bắt đầu bước vào cuộc chiến đấu với thương tật. Trái với lo ngại của mọi người về khả năng ông có thể bị liệt, với nghị lực và quyết tâm của chiến sĩ Trường Sa cùng sự tận tâm của các y bác sĩ, ông đã dần chiến thắng bệnh tật. Năm 1993, khi vết thương đã ổn định, ông ra quân với tỷ lệ mất sức lao động 61%… Về địa phương, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông Dũng quyết định mở một quán ăn nhỏ trên đường Phạm Văn Đồng. Thời điểm đó, đường Phạm Văn Đồng còn ít người qua lại nên thu nhập của ông chỉ tạm đủ sống. Nhưng từ khi con đường này được mở rộng, lượng du khách đến với Nha Trang ngày càng nhiều, nhu cầu thưởng thức hải sản tươi sống và các dịch vụ thể thao du lịch biển tăng nhanh. Ông Dũng quyết định đầu tư 1,5 tỷ đồng nâng cấp quán thành nhà hàng chuyên kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát; bán hàng lưu niệm; dịch vụ thể thao giải trí trên biển… Lữ quán Thiên Phước ra đời từ đó. Doanh thu của ông cũng tăng lên, lợi nhuận bình quân đạt 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động chính và 30 lao động thời vụ với mức lương hơn 2,2 triệu đồng/tháng. Năm 2009, ông Dũng tiếp tục đầu tư 5 tỷ đồng mua sắm các trang thiết bị, nâng cấp nhà hàng phục vụ khách du lịch.
Ông Trần Công Khanh bên chiếc máy nổ tạo dòng chảy cho đìa tôm. |
Chúng tôi đến thăm thương binh 4/4 Trần Công Khanh (thôn Lạc Ninh, xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa) khi ông đang loay hoay bên chiếc máy nổ tạo dòng chảy cho đìa tôm. Ông kể, năm 1969, ông được kết nạp vào đội du kích hợp pháp của xã Ninh Thọ. Đầu năm 1970, trong lúc làm nhiệm vụ bí mật, ông bị địch bắt, tra trấn dã man nhưng ông cương quyết không khai. Địch đã đày ông qua nhiều nhà lao như: Nha Trang, Côn Đảo, Chí Hòa, Đà Lạt… Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước, ông và nhiều đồng đội trở về với gia đình. Năm 1977, ông lập gia đình và được chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ nên đã khai hoang được 6,5ha đất để nuôi tôm, trồng cây ăn quả. Khu đất đầy cát sỏi hoang hóa ngày nào, hiện mang về cho gia đình ông thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm từ nuôi tôm, chăn nuôi, trồng lúa và cây ăn quả. Nhờ đó, ông Khanh đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương và 8 lao động thời vụ với thu nhập hơn 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Văn Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan trong một lần ra thăm Hà Nội. |
… và để sẻ chia
Kinh doanh ổn định, ông Nguyễn Văn Dũng có điều kiện ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, gia đình chính sách, xây dựng nhà tình nghĩa, quỹ Đền ơn đáp nghĩa, quỹ Khuyến học của địa phương, tài trợ các giải thi đấu thể thao của các tổ chức Hội. Tính đến nay, ông đã ủng hộ với số tiền gần 1 tỷ đồng. Hầu hết nhân viên làm việc tại nhà hàng của ông cũng đều là sinh viên, người khuyết tật. Ông Dũng tâm sự: “Các anh em khuyết tật đang trong tuổi lao động nhưng do thân thể không được lành lặn nên đi xin việc gặp nhiều khó khăn. Những sinh viên làm việc tại đây là con nhà nghèo nên điều kiện ăn học gặp nhiều khó khăn. Tôi nhận vào làm việc là mong phần nào giúp các em có tiền trang trải cuộc sống và biết quý trọng đồng tiền do mình làm ra…”. Những suy nghĩ, việc làm đó đã khiến ông Dũng luôn được mọi người quý mến. Ông cũng là một trong những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi tiêu biểu của tỉnh, được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen và là một trong số ít người được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi.
Ông Trần Công Khanh (bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Giáo sư Dương Trung Quốc trong một lần tham gia hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu tại Hà Nội. |
Cuộc sống gia đình khấm khá hơn cũng là lúc ông Nguyễn Tiến Cường và ông Trần Công Khanh có điều kiện giúp đỡ đồng đội, bà con lối xóm về vốn, kỹ thuật phát triển sản xuất. Ông Cường cho biết: “Kiến thức từ những lớp tập huấn kỹ thuật do công ty, chính quyền địa phương tổ chức, tôi đều đưa vào áp dụng; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm với mọi người trong thôn. Những lao động làm việc cho gia đình đều được tôi hỗ trợ nguồn vốn ban đầu và kỹ thuật để đầu tư sản xuất. Nhờ đó, nhiều người đã thoát được nghèo, làm ăn khấm khá”. Bên cạnh đó, hàng năm, ông Cường và ông Khanh còn tham gia hỗ trợ người nghèo, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Khuyến học, khuyến tài…
Ông Dũng thường cùng vợ lật lại những trang ký ức của thời quân ngũ. |
Chia tay những thương binh làm kinh tế giỏi, chúng tôi thầm cảm phục: Sau những năm tháng chiến đấu vì đất nước, trở về với đời thường cùng vết thương trong mình nhưng các thương binh ấy vẫn tiếp tục tỏa sáng, chứng tỏ mình “tàn nhưng không phế”.
HƯƠNG GIANG
Ông Trần Xuân Dương - Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện nay, 100% gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú; hàng trăm thương - bệnh binh đang là chủ nhân của những mô hình kinh tế mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, góp phần phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Họ thực sự là những tấm gương thương binh mẫu mực.