Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được cụ thể hóa qua Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Qua 2 năm triển khai tại Khánh Hòa, Đề án đã có những kết quả bước đầu.
Đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được cụ thể hóa qua Đề án “ĐTN cho LĐNT đến năm 2020”. Qua 2 năm triển khai tại Khánh Hòa, Đề án đã có những kết quả bước đầu.
Hơn 29.900 lao động nông thôn được đào tạo
Đặc thù là tỉnh có số lượng lao động tập trung chủ yếu ở nông thôn (chiếm 60,19%), thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “ĐTN cho LĐNT đến năm 2020”, hướng đến nâng cao tay nghề, kỹ thuật và tạo việc làm cho LĐNT. Nhờ có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và ngành chức năng, sau hơn 2 năm thực hiện Đề án, toàn tỉnh đã có hơn 29.900 LĐNT được đào tạo với kinh phí hỗ trợ gần 10 tỷ đồng. Các ngành nghề chính được đào tạo như: nuôi gà thả vườn, trồng nấm bào ngư trên rơm, nuôi cá, may công nghiệp, mộc, hàn, nấu ăn, trồng hoa, chăm sóc cây cảnh... Đặc biệt, sau khi được ĐTN, hơn 80% LĐNT có việc làm ổn định với mức thu nhập từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá: “So với một số chương trình về dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trước đây, Đề án “ĐTN cho LĐNT đến năm 2020” thực sự có nhiều nét mới, quy mô rộng, kịp thời đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của LĐNT. Đề án đã huy động được sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện. Thành công của Đề án ĐTN cho LĐNT sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết lao động dư thừa, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Đồng thời góp phần chuẩn hóa trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức xã về mặt chuyên môn nghiệp vụ phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Hiệu quả của Đề án sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ cho LĐNT, góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân”.
Dạy nghề nấu ăn cho lao động nông thôn tại Trường Trung cấp nghề Ninh Hòa. |
Tuy nhiên, trong triển khai đề án vẫn còn không ít tồn tại, khó khăn như: Tỷ lệ chưa qua đào tạo trong LĐNT còn cao, tập trung vào người nghèo, vùng núi cao, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven biển. Không phải tất cả các lớp mở ra đều thật sự hiệu quả, bởi nhiều người học xong lại không có điều kiện áp dụng vào thực tế.
Phải có định hướng trong đào tạo nghề
Có thể nói, Đề án “ĐTN cho LĐNT đến năm 2020” thực sự đã phát huy được hiệu quả, nâng cao nhận thức và tạo sức bật cho LĐNT trong việc học nghề, lập nghiệp. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung tuyên truyền, vận động, liên kết với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động để ký cam kết nhận LĐNT đã qua ĐTN vào làm việc với mức lương ổn định. Đồng thời phải có định hướng trong ĐTN cho LĐNT theo nhu cầu của các doanh nghiệp, thị trường lao động. Mặt khác, người học cần phải nắm vững phương châm “3 biết” (biết về nhu cầu thị trường, biết cơ chế chính sách đối với quyền lợi và trách nhiệm của người đi học, biết cơ hội việc làm của mình tại địa phương). Có như vậy, người lao động mới chọn được việc làm có thu nhập, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
VĂN GIANG
Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án “ĐTN cho LĐNT đến năm 2020”, ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần nhanh chóng thống kê và đề xuất kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên dạy nghề ở các cơ sở dạy nghề. Đồng thời thống kê, kiểm tra, đánh giá số lao động có việc làm sau ĐTN. Các cơ sở dạy nghề cần có kế hoạch từng bước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho phù hợp. Đối với các ngành, địa phương, cần căn cứ vào nhu cầu xã hội và tùy giai đoạn, hoàn cảnh để có định hướng ĐTN phù hợp cho LĐNT.