Đã tròn 1 năm kể từ ngày có hiệu lực (ngày 1-7-2011), nhưng đến thời điểm hiện tại, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn chưa phát huy hết tác dụng, người tiêu dùng vẫn còn khá lúng túng khi quyền lợi bị xâm hại.
Đã tròn 1 năm kể từ ngày có hiệu lực (ngày 1-7-2011), nhưng đến thời điểm hiện tại, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) vẫn chưa phát huy hết tác dụng, NTD vẫn còn khá lúng túng khi quyền lợi bị xâm hại.
Thời gian vừa qua, thị trường bán lẻ phát triển khá mạnh. Song, có một thực tế trái ngược với sự phát triển ấy chính là quyền lợi của NTD vẫn chưa được bảo đảm. Hàng ngày, NTD bị xâm hại ở nhiều mức độ khác nhau. Các hình thức xâm hại thường gặp như bán hàng không rõ xuất xứ; nhập nhằng về chất lượng; thiếu thông tin về giá cả, quy cách sử dụng, đặc điểm kỹ thuật; thiếu thông tin về bảo hành… Nhiều trường hợp khách hàng khi mua phải hàng hóa không đúng yêu cầu, nhưng vẫn đành chịu thiệt vì chế tài xử phạt đối với bên vi phạm còn thiếu, quy định lỏng lẻo, không đủ sức răn đe nên chưa thể giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, NTD luôn ở vị thế yếu trong quan hệ với nhà sản xuất, kinh doanh, vì họ luôn thiếu thông tin, kiến thức liên quan đến sản phẩm hầu như không có… Thậm chí khi bị xâm hại, họ cũng không biết làm thế nào để đòi lại quyền lợi.
Một người tiêu dùng mua phải hàng hải sản quá hạn sử dụng |
Trường hợp sau đây là một một ví dụ. Cách đây không lâu, bà Nguyễn Thị Thúy (trú 118/2, đường 23-10, TP. Nha Trang) mua phải 2kg cá hồi đông lạnh đã quá hạn sử dụng của một cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng (Nha Trang). Phát hiện sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, bà đem đến cửa hàng để trả nhưng nhân viên của cửa hàng chỉ giải thích lòng vòng mà không chịu nhận lại sản phẩm. Chẳng biết kêu ai, cuối cùng bà Thúy đành bỏ 2kg cá hồi quá đát. Khi chúng tôi hỏi bà tại sao không đến Hội Bảo vệ NTD để được trợ giúp thì bà nói không biết có hội này. Bản thân một số người biết về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD cũng vẫn còn lúng túng trong khâu áp dụng vào thực tế. Chị Hoàng Thị Minh Lý (trú 115/7 Trần Quý Cáp, Nha Trang) cho biết: “Luật Bảo vệ quyền lợi NTD mới dừng lại ở góc độ tuyên truyền, chưa sâu sát, chưa chỉ cho người dân biết được mỗi khi bị ảnh hưởng quyền lợi, cần được bảo vệ thì sẽ khiếu nại đến ai và thủ tục như thế nào? Việc tiếp cận Luật Bảo vệ quyền lợi NTD là rất dễ dàng, bởi chỉ cần vài thao tác nhấn chuột trên Google là xong, nhưng vướng mắc ở chỗ, sau khi quyền lợi bị xâm hại, chúng tôi vẫn chưa rõ thủ tục khiếu kiện như thế nào và phải gửi đến đâu để giải quyết kịp thời”.
Ở thành thị đã vậy, những người dân sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, trình độ hiểu biết còn hạn chế, dẫn đến mối lo ngại lớn trong việc tuyên truyền Luật này. Có thể khẳng định, số người dân vùng nông thôn và miền núi đến nay hiểu biết Luật Bảo vệ NTD là không nhiều.
Nhà chức trách vẫn thường khuyến cáo NTD trước tiên phải tự bảo vệ mình; hãy xem hạn sử dụng, thành phần, nhà sản xuất, phân phối trước khi mua sản phẩm… Tuy nhiên, với những hàng hóa được làm giả tinh vi, không thể phát hiện bằng mắt thường thì NTD khó mà phân biệt. Hiện trên thị trường mặt hàng kính mắt giả tràn lan nhưng mấy ai phân biệt được kính giả, kính thật? Hay các mặt hàng điện tử, điện máy xuất xứ từ Trung Quốc nhưng dán nhãn giả xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc và người mua vẫn phải chịu cái giá hàng nhập khẩu xịn…
Có một thực tế đáng buồn, đó là khi quyền lợi bị xâm hại, không phải NTD nào cũng ý thức được quyền lợi của mình; hoặc có ý thức thì cũng không phải ai cũng sẵn sàng đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng đó. Qua thực tế chúng tôi nhận thấy, đa số NTD không biết mình có những quyền, trách nhiệm gì khi bị xâm hại. Phần lớn NTD khi bị xâm hại quyền lợi thường không muốn đòi quyền lợi của mình do ngại việc khiếu kiện, thấy rằng giá trị hàng hóa không đáng là bao trong khi thủ tục khiếu kiện rườm rà, rắc rối, hay mang tâm lý phải dài cổ đợi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý…
Để Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đi vào cuộc sống một cách hiệu quả hơn, trước hết NTD cần chủ động tiếp nhận, tìm hiểu nội dung Luật một cách cụ thể. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nhằm chỉ rõ cho NTD biết cách tới đâu, gặp ai và thủ tục khiếu kiện ra sao để bảo vệ quyền lợi cho mình khi bị xâm hại. Có như vậy, lợi ích của NTD mới được đảm bảo.
LAM ĐIỀN