Năm 2012 là năm Việt Nam và Lào tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962 – 5-9-2012) và 35 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác (18-7-1977 – 18-7-2012).
Năm 2012 là năm Việt Nam và Lào tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962 – 5-9-2012) và 35 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị hợp tác (18-7-1977 – 18-7-2012). Nhân dịp này, Báo Khánh Hòa xin giới thiệu cùng bạn đọc một số nét về mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
Trong lịch sử quan hệ quốc tế từ xưa tới nay, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là một điển hình về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng và đầy hiệu quả giữa hai dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiến bộ xã hội.
. Liên minh chung một chiến hào
Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam phát triển từ quan hệ truyền thống, do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính Người cùng đồng chí Kayxỏn Phômvihản, đồng chí Xuphanuvông và các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Trải qua nhiều thử thách, hy sinh, gian khổ vì độc lập, tự do, hạnh phúc của hai dân tộc và nhân dân hai nước, quan hệ Việt Nam - Lào đã trở thành sức mạnh kỳ diệu đưa tới nhiều thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và Lào trong đấu tranh giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ đất nước, cùng phát triển theo định hướng XHCN.
Những năm 1930 - 1939, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã đoàn kết đấu tranh chống chế độ thuộc địa. Các cuộc đấu tranh của nhân dân hai nước đã ảnh hưởng lẫn nhau, góp phần thúc đẩy sự phát triển phong trào cách mạng mỗi nước. Giai đoạn 1939 - 1945, hai nước đoàn kết đấu tranh giành chính quyền thắng lợi. Từ năm 1945 - 1975, liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào được hình thành và phát triển đã đưa đến thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Sau năm 1975, quan hệ Việt Nam - Lào bước sang trang mới: Từ liên minh chiến đấu chung một chiến hào chuyển sang hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia có độc lập, chủ quyền. Tuy nhiên, do cả hai nước đều gánh chịu hậu quả nặng nề sau chiến tranh, nền kinh tế còn lạc hậu, tư duy lãnh đạo kinh tế còn mang nặng tập trung bao cấp, lại thêm các thế lực thù địch bên trong và bên ngoài câu kết liên tục tìm cách chống phá, chia rẽ, gây khó khăn, trở ngại không nhỏ cho quan hệ hai nước. Mặc dù vậy, với quyết tâm của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, Việt Nam và Lào đã vượt qua tất cả. Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Lào được ký kết ngày 18-7-1977 là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ hai nước.
. Hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia
Từ năm 1977 đến nay, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực: chính trị và đối ngoại; quốc phòng, an ninh; kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật…
Trên lĩnh vực ngoại giao, trung bình mỗi năm, hai Đảng cử trên 30 đoàn từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh sang trao đổi những kinh nghiệm về giữ vững định hướng XHCN, về công tác tư tưởng, lý luận, dân vận. Hoạt động ngoại giao nhân dân cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Hàng năm, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, nhất là các tỉnh biên giới kết nghĩa đều có những trao đổi hợp tác và mối quan hệ đó ngày càng đi vào chiều sâu với nội dung thiết thực, hiệu quả.
Trên lĩnh vực quốc phòng an ninh, từ cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, giữa hai Chính phủ, hai Bộ chức năng là Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng hai nước đã ký những hiệp định, nghị định về hợp tác, hỗ trợ nhau trong công tác bảo vệ an ninh và củng cố quốc phòng. Phía Việt Nam luôn chủ động và đảm nhiệm gánh vác các công việc khó khăn nhất với phương châm “giúp bạn là mình tự giúp mình”, “an ninh của bạn cũng chính là an ninh của mình”. Điểm nổi bật về hợp tác an ninh giai đoạn 1996 - 2007 là hiệu quả cao trong công tác phòng thủ an ninh có chiều sâu của các lực lượng an ninh và quân đội hai nước chống lại các lực lượng phản động lưu vong đang tìm cách chống phá cách mạng Lào và Việt Nam. Điển hình là vụ đánh cửa khẩu Văng Tàu (7-2000), vụ gây rối trật tự an ninh ở Viêng Chăn (7-2000), vụ bạo loạn vũ trang ở Hủa Phăn (2003), vụ gây rối ở Bò Kẹo (7-2007)…
Trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, sự hợp tác giữa hai nước đã đạt được kết quả khá toàn diện. Việt Nam đã đào tạo cho Lào rất nhiều cử nhân, lưu học sinh trung học chuyên nghiệp, thạc sĩ, tiến sĩ; cử cán bộ giúp xây dựng chương trình giảng dạy, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp… Hai bên đã cùng tìm nguồn đầu tư nâng cấp hệ thống đường thông thương nối liền hai nước, tạo điều kiện cho Lào thông thương qua lãnh thổ và cảng biển Việt Nam ra các nước. Hai bên đã đầu tư xây dựng Quốc lộ 43, 6B, 42, cửa khẩu Chiềng Khương, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 9A, cửa khẩu Lao Bảo, Quốc lộ 8, 7, 217, 6A, 12A, Cảng Đà Nẵng, Cảng Xuân Hải và hoàn thành bến 1 Cảng Vũng Áng…
Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, tính đến năm 2007, Việt Nam đã có 87 dự án được cấp phép đầu tư vào Lào với số vốn đăng ký 1,02 tỷ USD, xếp thứ 3 trong tổng số 30 nước và khu vực đầu tư vào Lào. Việc hợp tác chuyên gia giữa hai nước cũng không ngừng được củng cố, đổi mới và hoàn thiện cả về cơ chế lẫn hình thức hợp tác. Việt Nam đã cử 475 lượt chuyên gia sang Lào trao đổi và giúp xử lý các vấn đề quản lý vĩ mô, đổi mới doanh nghiệp, tiếp nhận viện trợ…
Có thể nói, với những thành tựu đạt được, quan hệ hợp tác đặc biệt Việt Nam - Lào đã trở thành nguồn sức mạnh vô tận của cách mạng hai nước; là di sản văn hóa của hai dân tộc. Quan hệ Việt Nam - Lào là nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh vô địch của hai dân tộc, là tấm gương mẫu mực, thủy chung, trong sáng, vững bền, chưa từng có trong quan hệ giữa các dân tộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình và tiến bộ xã hội.
NGỌC KHÁNH (Tổng hợp)