Đã nhiều năm nay, người dân ở các xã Diên Sơn, Diên Điền, Diên Đồng, Suối Tiên, Diên An… của huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) phải sống trong cảnh thiếu nước sạch. Tình trạng này khiến cuộc sống của bà con khó khăn bội phần.
Đã nhiều năm nay, người dân ở các xã Diên Sơn, Diên Điền, Diên Đồng, Suối Tiên, Diên An… của huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) phải sống trong cảnh thiếu nước sạch. Tình trạng này khiến cuộc sống của bà con khó khăn bội phần.
. Khổ vì nước!
Khu dân cư (KDC) Kinh tế mới Trài dân 9 Khúc thuộc thôn An Ninh, xã Diên An nằm cách thị trấn Diên Khánh khoảng 4km. Trong tương lai, theo quy hoạch Tây Nha Trang, KDC này sẽ trở thành khu vực đô thị. Còn hiện nay, vị trí đứng chân của KDC này là đồi núi bán sơn địa nên đất đai khô cằn, nước sinh hoạt không chỉ thiếu trầm trọng mà còn bị nhiễm phèn nặng. Dưới cái nắng chói chang, ông Nguyễn Văn Tuyển, thôn phó thôn An Ninh dẫn chúng tôi đến cái giếng mà gia đình ông mới đầu tư hơn 20 triệu đồng. Ông cho biết: “Giếng đào sâu 17m mà cũng không có đủ nước để dùng. Mùa mưa thì nước được nửa giếng nhưng đục ngầu, còn mùa này đang là mùa khô cạn nên mới bơm được 1 gàu nước đã… trơ đáy”.
KDC Kinh tế mới Trài dân 9 Khúc hiện có 82 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu. Từ khi mới thành lập (năm 1992), tỉnh và huyện đã 2 lần đầu tư hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, bao gồm hệ thống trạm máy, 1 giếng bơm, 2 giếng đào. Nhưng hiện nay, đặc biệt vào mùa khô, hệ thống giếng đào đã cạn nước. Mọi sinh hoạt của KDC chỉ trông chờ vào nguồn nước từ hệ thống giếng bơm. Bà Phan Thị Em, tổ 43 thôn An Ninh than: “Không chỉ khan hiếm nước mà nguồn nước ở đây có hàm lượng phèn rất cao. Vì không có tiền để xây dựng bể lọc, nên gia đình tôi phải tự chế bằng cách lấy chậu hoa chứa nước rồi dùng cát sạn sàng lọc cho đỡ phèn để sử dụng. Sàng lọc kiểu này chỉ giảm được một ít độ phèn của nước, sau khoảng mươi phút nước vàng trở lại. Nước này gia đình tôi chỉ dùng để tắm giặt chứ không dám sử dụng cho việc nấu ăn, uống hàng ngày. Đã hơn 1 năm nay, gia đình tôi phải mua nước lọc về dùng, giá khoảng 12 ngàn đồng một bình 20 lít. Cứ 2 ngày lại mua 1 bình, rất tốn kém!”.
Các hộ dân phải “đánh” phèn trước khi sử dụng nước để phục vụ sinh hoạt. |
Còn tại xã Diên Đồng, tình trạng khan hiếm nước sạch, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm phèn đã lan rộng ra tất cả các thôn trên địa bàn xã. Hiện xã Diên Đồng có 950 hộ dân với 3.800 nhân khẩu, được phân bổ ở 5 thôn. Mấy năm gần đây, tình trạng khan hiếm nước sạch, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm phèn đã làm cuộc sống của người dân nơi đây vốn đã khó khăn, càng trở nên chật vật hơn. Ông Lê Xuân Thu (ở thôn 4) cho biết, do hệ thống máy bơm nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên một số hộ phải đào giếng. Do địa hình của thôn cao, lại nằm trên triền đồi đá nên việc khoan giếng gần như rất khó thực hiện, giếng nào sâu nhất cũng chỉ được 12m nhưng mùa nắng thì cạn, nước lại bị nhiễm phèn. Chi phí đào giếng rất tốn kém nên không phải nhà nào cũng có giếng. Để có nước sinh hoạt trong mùa khô, vợ chồng ông Thu phải thay phiên nhau đến những nhà có giếng trong thôn hoặc các thôn khác để xin nước về dùng. Xin được nước rồi phải “đánh” phèn mới dùng được nên rất nhiêu khê! “Gia đình tôi có 5 người lớn nên phải dùng hết sức tiết kiệm cho tắm giặt, ăn uống. Tuy biết nước đang dùng có thể gây hại cho sức khỏe nhưng không biết làm sao. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nay nên sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân trong thôn, nhất là với trẻ nhỏ và người già”, ông Thu than.
. Đến năm 2015 sẽ có 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch?
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Kỳ Vũ - Chủ tịch UBND xã Diên Đồng cho biết, xã Diên Đồng có 5 thôn. Trong đó, thôn 2, thôn 3, thôn 4 với khoảng 570 hộ dân đang ở trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Cả 3 thôn hiện đang được cung cấp nước sinh hoạt từ 6 hệ thống máy bơm nước mini được Nhà nước đầu tư từ năm 2000. Theo thiết kế ban đầu, mỗi hệ thống bơm nước có thể phục vụ từ 20 - 30 hộ dân. Nhưng mấy năm gần đây, các hệ thống này chỉ có thể đảm bảo nhu cầu cho khoảng 10 hộ dân. Còn thôn 1, thôn 5 được cung cấp nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước tập trung do Nhà nước đầu tư từ năm 1992. Hiện nay, hệ thống này xuống cấp trầm trọng, hệ thống lắng lọc bị hư, đường ống dẫn nước bị bể nên chỉ đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho khoảng 1/3 hộ dân của 2 thôn. “Do thiếu nước sinh hoạt, nguồn nước lại bị nhiễm phèn nên trước đây người dân trong xã hay lấy nước ở sông Thác Ngựa về dùng, nhưng hiện nay việc thi công công trình đập thủy điện Giang Ly đang làm ô nhiễm con sông này nên người dân chỉ dùng để rửa tay”, ông Vũ cho biết thêm.
Còn tình hình thiếu nước sinh hoạt ở KDC Kinh tế mới Trài dân 9 Khúc thuộc thôn An Ninh, xã Diên An, ông Nguyễn Văn Tuyển cho biết nguyên nhân là do thời gian sử dụng đã lâu, đến nay hệ thống giếng bơm đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn chức năng sử dụng, mặc dù địa phương đã tích cực nhiều lần duy tu và sửa chữa. Ông Nguyễn Tấn Khâm, Phó Chủ tịch UBND xã Diên An cho biết: “Hệ thống máy bơm nước do xã đầu tư đã hơn 15 năm, do sử dụng nhiều nên hư liên tục. Mỗi lần sửa chữa phải mang vào TP. Hồ Chí Minh tốn gần 3 - 4 triệu đồng/lần. Những ngày mang máy bơm đi sửa, các hộ dân ở KDC Kinh tế mới Trài dân 9 Khúc rất khổ sở vì không có máy để bơm nước. Trước tình hình này, lãnh đạo xã đã đề nghị huyện, tỉnh quan tâm đầu tư hệ thống cấp nước cho KDC Kinh tế mới Trài dân 9 Khúc, nhằm tạo sự ổn định và phát triển bền vững”. Được biết, hệ thống cấp nước KDC Kinh tế mới Trài dân 9 Khúc cách hệ thống cấp nước hiện hữu thôn An Ninh, xã Diên An chỉ 1km.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Diên Khánh khẳng định, hiện nay người dân một số xã trên địa bàn huyện rất bức xúc trước tình trạng thiếu nước vào mùa khô, nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm phèn. Đối với trường hợp KDC Kinh tế mới Trài dân 9 Khúc, UBND huyện đã gửi công văn đến Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Khánh Hòa xem xét, đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến 1,5 tỷ đồng. Nhưng đến nay Công ty vẫn chưa có văn bản trả lời. Còn theo Quyết định 2178/QĐ-UBND ngày 16-8-2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS-VSMTNT) giai đoạn 2011 - 2015 thì huyện Diên Khánh được đầu tư hệ thống cấp nước ở các xã: Diên Sơn - Diên Điền, Diên Xuân - Diên Lâm, Suối Tiên, Diên Lộc, Diên Hòa, Diên Tân và Diên Đồng với tổng vốn đầu tư 36 tỷ đồng. Nhưng trong dự thảo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về NS-VSMTNT giai đoạn 2012 - 2015 của tỉnh thì danh mục đầu tư trên địa bàn huyện chỉ còn Diên Sơn - Diên Điền và Diên Xuân - Diên Lâm. Chính vì vậy, ngày 13-7, UBND huyện Diên Khánh đã gửi công văn góp ý dự thảo đề nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư bổ sung kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia NS-VSMTNT, giai đoạn 2012 - 2015 của huyện Diên Khánh theo thứ tự ưu tiên: Hệ thống cấp nước xã Diên Sơn - Diên Điền, Diên Đồng, Suối Tiên, Diên Xuân - Diên Lâm, Diên Tân, Diên Lộc và Diên Hòa. Nếu Chương trình mục tiêu quốc gia NS-VSMTNT, giai đoạn 2012 - 2015 thực hiện đúng kế hoạch thì đến năm 2015 huyện Diên Khánh có 95% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, đáp ứng mục tiêu mà Đề án Xây dựng nông thôn mới huyện Diên Khánh giai đoạn 2011 - 2015 đã đề ra.
THU HIỀN