07:07, 31/07/2012

Nhếch nhác cảng cá, bến cá

Những năm gần đây, cùng với nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản, Khánh Hòa đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển các khu hậu cần nghề cá, cảng cá; trong đó có 5 cảng cá gồm: Hòn Rớ, Vĩnh Lương, Vĩnh Trường (Nha Trang), Đá Bạc (Cam Ranh), Đại Lãnh (Vạn Ninh).

Những năm gần đây, cùng với nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản, Khánh Hòa đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển các khu hậu cần nghề cá, cảng cá; trong đó có 5 cảng cá gồm: Hòn Rớ, Vĩnh Lương, Vĩnh Trường (Nha Trang), Đá Bạc (Cam Ranh), Đại Lãnh (Vạn Ninh). Tuy nhiên, do đầu tư dàn trải, không đồng đều, các cảng cá đang bị quá tải, nhiều hạng mục xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa vào mùa cao điểm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

. Quá tải…

Hiện nay, toàn tỉnh ngoài 5 cảng cá lớn còn có hàng chục bến cá nằm ở các địa phương: ven biển. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khánh Hòa là trung tâm thương mại nghề cá có tầm cỡ ở khu vực Nam Trung bộ; là căn cứ hậu cần của các tàu đánh bắt trong tỉnh và các vùng lân cận; nơi tiếp nhận, phân phối nguyên liệu thủy sản số lượng lớn cho các nhà máy chế biến và tiêu thụ nội địa; cung ứng đầy đủ các dịch vụ hậu cần nghề cá đảm bảo chất lượng, uy tín cho tàu thuyền và hoạt động của ngư dân trong vùng. Đặc biệt, chợ thủy sản Nam Trung bộ đã và đang thu hút một lượng thủy sản không nhỏ về Khánh Hòa. Tuy nhiên, do đầu tư dàn trải, không đồng đều, nhiều cảng có cầu tàu ngắn, hẹp nên vào mùa vụ, các cảng cá luôn trong tình trạng quá tải.

Do không có nhà phân loại, mọi hoạt động buôn bán thủy sản ở Cảng cá Vĩnh Lương đều diễn ra ngay tại khu vực cầu tàu.
Do không có nhà phân loại, mọi hoạt động buôn bán thủy sản ở Cảng cá Vĩnh Lương đều diễn ra ngay tại khu vực cầu tàu.

Vào mùa khai thác cao điểm, mỗi ngày, Cảng cá Hòn Rớ đón hơn 100 lượt tàu, thuyền cập bến, 200 lượt phương tiện vận chuyển với hàng trăm tấn hải sản các loại. Tuy nhiên, sức chứa tối đa của cầu cảng chỉ khoảng 20 chiếc/lượt. Vì thế, đã thường xuyên diễn ra tình trạng hàng chục tàu phải đợi 4 - 5 giờ liền mới được cập bến. Điều này gây ra cảnh lộn xộn, bát nháo mỗi khi tàu, thuyền cập cảng. Dưới nước, các tàu, thuyền tranh giành chỗ neo đậu; trên bờ, các tay buôn xô đẩy, chửi bới nhau..., làm cho cầu tàu cảng Hòn Rớ đã chật chội lại lộn xộn, nhếch nhác. Ông Trần Thượng - chủ tàu cá Bình Định BĐ - 90299 TS cho biết: “Do đánh bắt ở ngư trường quần đảo Trường Sa nên tàu cá của tôi thường chọn Cảng cá Hòn Rớ để bán cá, lấy nhiên liệu, thực phẩm cho chuyến biển kế tiếp. Nhiều lần, tàu tôi vào cảng từ 6 giờ sáng, nhưng phải chờ đến 12 giờ trưa mới cập được cảng để lấy đá và nhiên liệu. Thông thường, tàu cá nào cập cảng sau thì thu nhập sẽ bị giảm 20 - 30% do bị tư thương ép giá. 1kg cá nục vào buổi sáng có thể bán được từ 6 - 8 ngàn đồng, nhưng sang buổi chiều giá chỉ còn 4 - 5 ngàn đồng. Vì thế, ngư dân nào cũng mong muốn tàu mình cập cảng nhanh chóng để tăng doanh thu”.

Ông Lê Thế Hải - Trưởng Ban Quản lý Cảng cá Vĩnh Lương cho biết: “Đã hơn 1 tháng nay, ngày nào Cảng cá Vĩnh Lương cũng quá tải bởi số lượng tàu cập cảng tăng đột biến. Ngày cao điểm, cảng đón 36 lượt tàu, sản lượng khai thác gần 160 tấn thủy sản các loại. Tuy nhiên, cầu tàu chỉ có tổng chiều dài 100m, bề rộng 9m nên mỗi lượt, cảng chỉ có thể cho phép chừng 10 - 15 tàu cập bến. Chính vì thế, vào vụ cao điểm, việc tàu cá phải chờ từ 3 - 4 giờ để xuống hàng là điều khó tránh khỏi”. Theo ông Hải, có nhiều lúc, 4 - 5 chiếc tàu/thuyền cùng về một lúc, không ai chịu nhường ai nên xảy ra xô xát. Cũng vì chen lấn, các tàu, thuyền va đập vào nhau nên đã dẫn đến trầy xước, hư hỏng các bộ phận ở hai bên, phía trước và sau tàu/thuyền. Do không đáp ứng được nhu cầu cập cảng, Ban Quản lý thường ưu tiên việc bán hải sản trước, lấy nhiên liệu sau.

.. và nhếch nhác

2

 Các vựa cá này đều xả nước thải trực tiếp xuống biển.

Ở Cảng cá Vĩnh Lương, điều dễ nhận thấy là mọi hoạt động mua bán hải sản diễn ra khá nhếch nhác. Do không có nhà phân loại nên mọi hoạt động buôn bán, phân loại cá, lấy nguyên liệu đều diễn ra ngay tại khu vực cầu tàu chật hẹp. Bên cạnh đó, do không có hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý nước thải nên nguồn nước thải hàng ngày từ hàng trăm tấn hải sản đều chảy thẳng xuống biển. Được biết, Cảng cá Vĩnh Lương đã được TP. Nha Trang đầu tư xây dựng giai đoạn 1 vào năm 2006 với tổng vốn hơn 8 tỷ đồng; đến năm 2009 mới bàn giao cho ngành Nông nghiệp quản lý. Đến thời điểm này, mọi hoạt động từ ăn uống, sinh hoạt, đến điều hành... của nhân viên Ban Quản lý Cảng đều phải thực hiện ở chốt bảo vệ ngay đầu cổng với căn nhà tạm lợp tôn.

Ông Thân Văn Quy - Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa cho biết: “Hiện nay, ngoài Cảng cá Hòn Rớ đạt tiêu chuẩn cảng cá loại 1, các cảng còn lại đều thuộc loại 2, 3. Ngoài Cảng cá Vĩnh Trường nằm trong diện quy hoạch không thể đầu tư, Cảng cá Vĩnh Lương, Đá Bạc, Đại Lãnh chưa đạt tiêu chuẩn của ngành. Trong đó, hầu như các cảng chưa được đầu tư xây dựng kho lạnh, nhà điều hành, nhà phân loại cá, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải... Do thiếu vốn nên các công trình cảng cá thường được đầu tư chắp nối từng giai đoạn. Ngoài các cảng cá được Trung tâm quản lý, còn có rất nhiều bến cá, bãi ngang do người dân mở tự phát ở các cửa sông, rạch. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Bên cạnh việc mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường ở khu vực, còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. Ngoài ra, ý thức của người dân sử dụng cảng cá còn kém. Cảng cá dùng làm nơi đổ rác nên độ sâu vùng nước khu vực cảng bị bồi lấp, làm cho tàu thuyền ra vào cảng rất khó khăn”. Thực tế, mỗi năm, tổng sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt từ 75 - 80 ngàn tấn. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của các cảng cá, tổng sản lượng thủy sản qua cảng chỉ đạt hơn 30 ngàn tấn. Điều này cho thấy, còn một lượng thủy sản rất lớn đang nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Bên cạnh thất thoát về thuế, phí, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự thường xuyên xảy ra.

Trong kế hoạch phát triển, năm 2013, Khánh Hòa tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp một số cảng cá (như: Vĩnh Lương, Hòn Rớ, Đại Lãnh) với tổng vốn đầu tư hơn 2 triệu USD, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của các cảng cá, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dịch vụ thủy sản thông qua việc quản lý tàu thuyền, cung ứng nhiên liệu, giải phóng tàu nhanh, giảm thời gian nằm bờ, tăng thời gian khai thác trên biển... Ngoài ra, còn tạo điều kiện cho cư dân sống quanh khu vực cảng tổ chức các hoạt động dịch vụ nghề cá, tạo việc làm theo hướng tích cực. Về lâu dài, ngành Nông nghiệp đang đề xuất tỉnh mở rộng mạng lưới cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá ra khu vực phía Bắc của tỉnh (thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa). Hy vọng trong tương lai không xa, Khánh Hòa xứng đáng là trung tâm hậu cần nghề cá hiện đại của khu vực miền Trung.

ANH TUẤN