Là thương binh nặng (hạng 1/4) nhưng ông Trương Thanh Hương (Tân Phú, Cam Thành Bắc, Cam Lâm) không cam chịu cuộc sống phụ thuộc vào người khác.
Là thương binh nặng (hạng 1/4) nhưng ông Trương Thanh Hương (Tân Phú, Cam Thành Bắc, Cam Lâm) không cam chịu cuộc sống phụ thuộc vào người khác. Vượt qua khó khăn của ngày đầu định cư trên vùng đất mới và vết thương cũ hoành hành, ông đã hăng say lao động, giúp cho bản thân và gia đình có cuộc sống ngày càng no ấm.
Mới đây đến thăm ông, tôi vẫn thấy ông trèo lên cây ổi hái trái cho vợ bán. Nhìn cơ ngơi khang trang của gia đình ông, tôi không khỏi thán phục: chuồng dông tinh tươm; đàn gà béo tròn… Ông kể: Nhập ngũ năm 1966, trở thành lính biệt động thành Nha Trang, đây cũng là thời kỳ ông phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, gian khổ. Ông phải giả làm thầy tu để qua mắt địch, sống trong chùa, dựa vào “tai mắt” của bà con nội thành. Ông đã thành công trong nhiều vụ diệt ác ôn, lấy được nhiều tài liệu mật. Cũng từ đây, nhiều kế hoạch của địch bị ta phá hỏng, nhiều cán bộ, dân quân ta thoát khỏi sự truy bắt gắt gao của chúng, tìm đường lên căn cứ… Năm 1970, cơ sở bị lộ, cấp trên đưa ông ra Quân khu 5, làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 50 Bình Định. Chiến trường ác liệt, ông Hương bị thương đến 6 lần và lần cuối cùng, khi chỉ còn 3 ngày nữa là giải phóng Quy Nhơn, ông đã bị thương gãy cánh tay.
Sau ngày đất nước giải phóng, ông định cư tại Cam Thành Bắc. Tuy là thương binh nặng, song ông không cam chịu cảnh phụ thuộc người khác mà vẫn cố gắng lao động, quyết thực hiện lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”. Những ngày đầu lao động rất vất vả do vết thương của ông lâu lâu lại nhói đau. Mặc dù vậy, ông vẫn làm đủ việc, từ buôn bán xe cũ đến hốt thuốc gia truyền… Những nỗ lực của ông rồi cũng được đền đáp, ông dần có cuộc sống ổn định, nuôi các con ăn học thành tài.
Những năm gần đây, kinh tế gia đình ông khá hẳn bởi ông đã tìm được hướng đi cho gia đình mình, với 2 nguồn lợi lớn tạo ra từ nuôi dông và gà thả vườn. Được biết, ông là một trong những người đầu tiên ở Cam Thành Bắc dựng chuồng nuôi dông. Lứa đầu tiên ông thả hơn 3 tạ giống (giá 120 - 150 ngàn đồng/kg); chưa đầy 2 năm sau, ông đã lấy lại vốn và có lãi. Ông Hương cho biết, chi phí chuồng trại và giống 76 triệu đồng nhưng lứa dông đầu tiên ông đã thu lãi 120 triệu đồng. Đến nay, nghề nuôi dông đã đi vào ổn định với thu nhập khá, hàng năm ông lãi 40 - 50 triệu đồng. Nhìn chuồng dông của ông ai cũng mê: ngăn nắp, bên trong trồng nhiều cây xanh tạo sinh cảnh cho dông phát triển. Với gà, ông Hương có cách nuôi khá độc đáo, luôn duy trì trong trại 200 - 250 con/năm. Theo ông, gà ta dễ nuôi, thức ăn dễ kiếm, được thị trường ưa chuộng. Nuôi gà thả vườn chỉ cần 3,5 tháng là xuất bán, giá hiện nay 85 - 90 ngàn đồng/kg. Ông khoe trong tháng 7 ông đã xuất bán hơn 3,6 tạ gà, thu lãi hơn 15 triệu đồng. Ông tính toán, gà tự nuôi đẻ trứng đem gửi máy ấp, giá chỉ 4.500 đồng/con (3.500 đồng/trứng; tiền ấp 1.000 đồng/con), trong khi nếu mua gà giống phải mất 11.000 đồng/con. Khi cần bán, chỉ cần điện thoại là tư thương tới tận nơi vì biết gà được nuôi theo quy trình sạch.
Tuy có kinh tế ổn định nhưng ông Hương vẫn đam mê nghề thuốc gia truyền, ngày ngày ông vẫn đi bốc thuốc, chữa bệnh cho bà con. Ông là hội viên Hội Đông y Cam Lâm, có nhiều bài thuốc hay chữa các bệnh trĩ, dạ dày, đường ruột…
Vượt qua hoàn cảnh, ông Trương Thanh Hương đã tạo dựng cho mình một cuộc sống no đủ từ bàn tay và khối óc không khuất phục số phận.
P.D