07:07, 04/07/2012

Cùng lùi một bước vì lợi ích lâu dài

Được kỳ vọng là mô hình đột phá trong việc thu mua hải sản trên biển, mô hình tàu mẹ - tàu con đã ra đời. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình buộc phải tạm dừng do nhiều nguyên nhân mà chính những người trong cuộc cũng chưa lường hết được…

Được kỳ vọng là mô hình đột phá trong việc thu mua hải sản trên biển, mô hình tàu mẹ - tàu con đã ra đời. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình buộc phải tạm dừng do nhiều nguyên nhân mà chính những người trong cuộc cũng chưa lường hết được…

. Mô hình hay nhưng nhanh chóng đổ vỡ

Tháng 2-2012, mô hình tàu mẹ - tàu con ra đời trong bối cảnh ngành khai thác thủy sản đang gặp nhiều khó khăn. Đây là sáng kiến giữa Công ty Cổ phần Thủy sản Hải Vương (Thanh Hóa) và Hội Nghề cá Khánh Hòa. Tàu Hải Vương 68, đại diện Công ty Cổ phần Thủy sản Hải Vương ký hợp đồng thu mua cá ngừ trên biển với 6 ngư đội khai thác cá ngừ đại dương của Khánh Hòa. Mô hình được cho là sáng kiến hay, vì lần đầu tiên các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương được bán sản phẩm của mình ngay trên biển, không phải mất thời gian, chi phí cho tàu vào bờ. Bên cạnh đó, tàu mẹ còn cung cấp nhiên liệu, đá bảo quản và thực phẩm thiết yếu phục vụ cho chuyến biển dài ngày của các tàu con.

Ông Mai Thành Phúc - một chủ tàu đánh bắt cá ngừ đại dương đánh giá, mô hình này rất có lợi cho ngư dân, giúp ngư dân có thể bám biển dài ngày, không lo thiếu nguyên, nhiên liệu để khai thác, thu lợi nhuận cao. Tuy nhiên, ông Phúc cũng ngán ngẩm bởi cách thu mua của tàu Hải Vương 68. Ông Phúc cho biết, triển khai mô hình được 5 ngày, đã có một số tàu bán cá cho tàu Hải Vương 68. Tuy nhiên, khi tàu ông Phúc chạy đến tàu Hải Vương 68 định bán cá thì biết rằng, giá thu mua chỉ còn 150.000 đồng/kg trong khi giá trên bờ là 180.000 đồng/kg. Vì vậy, ông quyết định vào bờ bán với giá cao hơn. Ông Phúc phàn nàn: “Tàu Hải Vương 68 hàng ngày chỉ thu mua được 4 tấn, trong khi 6 ngư đội (30 tàu) ít nhất cũng đánh bắt hơn 20 tấn. Các tàu không thể “chầu chực” chờ đợi tàu Hải Vương 68 để bán”. Cũng theo ông Phúc, trong vòng 5 ngày, tàu Hải Vương 68 thu mua khoảng 20 tấn. Tuy nhiên sau đó, do có sự bất đồng về giá với ngư dân, cộng với những khó khăn về đầu ra và năng lực hầm chứa, tàu Hải Vương 68 đã rút lui, mang theo số nợ của ngư dân 66 triệu đồng tiền “làm tin” không biết bao giờ trả lại (22 tấn cá, 3.000 đồng/kg).

. Đâu là nguyên nhân?


 Hy vọng của các đội tàu đánh bắt cá ngừ đại dương bỗng chốc tiêu tan do mô hình bị đổ vỡ.
Hy vọng của các đội tàu đánh bắt cá ngừ đại dương bỗng chốc tiêu tan do mô hình bị đổ vỡ.

 

Sự kiện tàu Hải Vương 68 đánh bài chuồn là tín hiệu đáng buồn trong hoạt động thu mua sản phẩm trên biển. Nhiều người nuối tiếc mô hình hay nhưng sớm đổ vỡ. Trong thời gian thu mua ngắn ngủi, tàu Hải Vương 68 đã làm lợi cho nhiều tàu câu cá ngừ đại dương tại Khánh Hòa. Theo ông Võ Thiên Lăng - Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa, Công ty Hải Vương lỗ tới 2 tỷ đồng. Mua bán thông qua hợp đồng kinh tế, hai bên đều có lợi, nhưng với kiểu thu mua mà ngư dân không muốn “nhường một bước” thì rất khó. Doanh nghiệp cũng không mặn mà để tiếp tục duy trì việc thu mua. Theo ông Lăng, muốn doanh nghiệp mua có lãi thì giá cá trên biển phải thấp hơn giá trên bờ 35 - 40 ngàn đồng/kg. Thế nhưng, Hải Vương buộc phải mua cá của ngư dân với giá 175.000 đồng/kg, đành chịu lỗ bởi đã lỡ nhập cá vào hầm. Ngoài ra, việc thu mua cá trên biển cũng gặp nhiều khó khăn do năng lực của tàu, sức chứa thấp, hầm lạnh liên tục gặp trục trặc, tàu con phải chờ đợi nhiều ngày mới bán được sản phẩm.

Một nguyên nhân quan trọng nữa, Công ty Cổ phần Thủy sản Hải Vương lâu nay ký với đối tác là sản phẩm cá phi-lê xuất khẩu, nhưng nay mua sản phẩm ăn tươi trực tiếp nên giá cả khó chấp nhận; cũng chính điều này làm cho sức chứa của tàu không đáp ứng đủ. Về phía ngư dân, lâu nay, ngư dân và chủ tàu đã có sự ăn chia, vay vốn, ứng vốn của các đầu nậu nên rất khó chấp nhận giá bán thấp, mặc dù biết rằng chi phí vào bờ mất tới 70% chi phí chuyến biển. Cũng theo ông Lăng, thực tế, các sản phẩm cá ngừ đại dương đánh bắt bằng đèn cao áp có chất lượng kém hơn cá ngừ đánh bắt theo kiểu truyền thống do sức nóng tỏa ra từ hàng chục bóng cao áp làm hủy thịt cá, thế nhưng người dân vẫn không chấp nhận giá bán thấp hơn.

. Cần tìm tiếng nói chung

Việc đổ vỡ mô hình tàu mẹ - tàu con cho thấy các bên cần phải có cái nhìn thấu đáo. Những người trong cuộc cần có thái độ bình tĩnh khi thấy giá cả không hợp theo ý mình. Ngư dân cần biết rằng, đây là cách làm mới, tất nhiên không thể hoàn thiện trong một sớm, một chiều. Muốn làm ăn lớn phải thực sự cầu thị, không tính toán chi li, điều gì cần thiết có thể nhượng bộ để đem lại lợi ích hài hòa cho đôi bên. Nếu quá khe khắt có thể phá vỡ hợp đồng, dẫn đến những tiếc nuối không đáng có. Ở đây, chuyện thương lượng tìm tiếng nói chung là rất quan trọng, mỗi bên chịu thiệt một phần sẽ có được cái lợi lớn hơn, đem lại lợi ích lâu dài. Về phía các đơn vị chức năng cũng cần nghiên cứu sâu hơn, đòi hỏi nhà đầu tư có đủ năng lực để thực hiện. Có như vậy, mô hình mới bền vững lâu dài.

PHƯƠNG DI