Tính đến hết tháng 6-2012, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 3.000 người đăng ký thất nghiệp. Bên cạnh những lao động thật sự thất nghiệp, hiện nay đã xuất hiện tình trạng người lao động và người sử dụng lao động lợi dụng kẽ hở của chính sách để trục lợi...
Tính đến hết tháng 6-2012, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 3.000 người đăng ký thất nghiệp (TN). Bên cạnh những lao động thật sự TN, hiện nay đã xuất hiện tình trạng người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động lợi dụng kẽ hở của chính sách để trục lợi, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý và triển khai thực hiện trợ cấp.
. Thất nghiệp tăng đột biến
Những ngày cuối tháng 6-2012, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh thường xuyên tiếp nhận NLĐ đến làm thủ tục xin hưởng trợ cấp TN. Cầm trên tay quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, chị Phan Thị Thu Dung - nhân viên kế toán Công ty Cổ phần Du lịch Hồng Hải cho biết: “Tuy tôi đã làm việc tại Công ty này hơn 2 năm nhưng thu nhập không cải thiện đáng kể. Vì vậy, tôi chủ động xin nghỉ để tìm một công việc khác”. Khác với chị Dung, anh Nguyễn Huỳnh Tiến Đạo - công nhân xây lắp điện của một công ty cơ khí ở Nha Trang cho biết: “Cứ nghĩ xin được vào làm ở bộ phận xây lắp điện thì công việc sẽ ổn định, đâu ngờ mới làm được 2 năm, Công ty đã cho tôi nghỉ việc. Ngày nhận quyết định, tôi hết sức bất ngờ, không hiểu vì sao Công ty cho tôi nghỉ việc; bởi trong quá trình làm việc, tôi luôn cố gắng, chăm chỉ. Không biết khi nào tôi mới xin được việc làm mới".
Người lao động đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Khánh Hòa. |
Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng TN tăng là tình hình kinh tế còn khó khăn, số lượng doanh nghiệp (DN) giải thể tăng; thị trường bị bó hẹp, đơn hàng giảm buộc DN phải thu hẹp sản xuất, giảm nhân lực”. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác đến từ phía NLĐ, đó là sau 1 năm làm việc, họ mong muốn có việc làm với thu nhập cao hơn, phù hợp hơn nên chủ động xin thôi việc. Từ đó khiến lượng người đăng ký TN tại Khánh Hòa tăng liên tục thời gian qua. Ông Hồ Viết Tiến Sơn - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận hơn 3.000 lao động đến đăng ký TN. Đồng thời, Trung tâm đã làm thủ tục chuyển đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định cho hơn 2.500 lao động được hưởng trợ cấp TN. Số lao động đến đăng ký TN đều được chúng tôi tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm mới”.
. Lợi dụng kẽ hở của chính sách
Hiện nay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã bộc lộ một số kẽ hở nên đã xảy ra tình trạng TN ảo trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh thừa nhận: “Hiện nay, Khánh Hòa có tình trạng TN ảo. Điển hình như: NLĐ chấm dứt việc làm một thời gian, sau đó quay trở lại chính DN đó làm việc hoặc ký hợp đồng với DN khác nhưng vẫn đi đăng ký TN để hưởng trợ cấp; NLĐ xin nghỉ việc để ra hội đồng y khoa giám định giải quyết chế độ hưu trí nhưng vẫn được hưởng trợ cấp TN… Đây là một trong những hành vi lạm dụng quỹ BHTN của NLĐ và người sử dụng lao động”.
Ông Mai Xuân Trí cho biết: “Hiện nay, một số DN đã lợi dụng kẽ hở của chính sách BHTN bằng cách cho NLĐ nghỉ việc một thời gian rồi làm thủ tục cho họ đi đăng ký hưởng trợ cấp TN, DN khỏi phải trả 70% lương trong thời gian NLĐ nghỉ chờ việc”. Bên cạnh đó, có trường hợp NLĐ nghỉ làm việc ở đơn vị này liền chuyển sang làm việc ở đơn vị khác. Khi có quyết định nghỉ việc ở đơn vị cũ, họ vẫn làm thủ tục để hưởng trợ cấp TN. Trong trường hợp này, các cơ quan chức năng không thể xác định được NLĐ đã có việc làm mới ở đơn vị khác nên vẫn ra quyết định cho họ hưởng trợ cấp TN. Thế nên mới có chuyện “khi chúng tôi xác nhận hưởng trợ cấp TN trên chương trình quản lý thu bảo hiểm xã hội thì phát hiện NLĐ vẫn làm việc bình thường, đang tham gia đóng BHTN nhưng cũng đang được hưởng BHTN” - ông Lê Hùng Chính cho biết.
Có thể nói, BHTN là “phao cứu sinh” đối với NLĐ không may bị mất việc làm. Tuy nhiên, để chính sách này triển khai đúng đối tượng, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cần kiểm tra chặt chẽ các thủ tục trước khi ra quyết định trợ cấp; đồng thời phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách này.
PHÚ VINH
Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 10.000 người đăng ký TN. Cơ quan chức năng đã ra quyết định hưởng trợ cấp TN cho hơn 9.000 người, với số tiền chi hơn 27 tỷ đồng. Trong khi đó, qua 3 năm, chính sách hỗ trợ học nghề cho những người đăng ký TN chỉ hơn 10 người.