Đầu tháng 4-1938, chính phủ cánh hữu do Đalađiê làm Thủ tướng lên cầm quyền ở Pháp, thỏa hiệp với Hitle về vấn đề Tiệp Khắc, nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tranh thế giới đến gần.
Đầu tháng 4-1938, chính phủ cánh hữu do Đalađiê làm Thủ tướng lên cầm quyền ở Pháp, thỏa hiệp với Hitle về vấn đề Tiệp Khắc, nguy cơ bùng nổ cuộc chiến tranh thế giới đến gần. Nhận thấy tình hình quốc tế đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng Việt Nam và Đông Dương, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã sớm đặt ra vấn đề chuyển hướng chiến lược của Đảng. Ông đã viết một loạt bài đăng lên báo Dân chúng, như: “Chung quanh vấn đề Nhật chiếm Hải Nam”, “Cùng ông Nguyễn Văn Sâm chủ nhiệm báo Tự do”… Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới, khu vực và trong nước, ông đã chỉ rõ nguy cơ chiến tranh phát xít ở châu Á và Đông Dương, đồng thời kêu gọi nhân dân đẩy mạnh đấu tranh chống chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa phát xít. Để chuẩn bị cho Đảng rút vào hoạt động bí mật, đối phó với tình hình mới, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, ông đã chỉ đạo cho phát hành cuốn “Công tác bí mật của Đảng” kịp thời gửi tới đảng bộ các cấp. Đầu tháng 9-1939, ông Nguyễn Văn Cừ trực tiếp triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Bắc kỳ, phổ biến tình hình quốc tế, trong nước và quyết định phải rút ngay số cán bộ Xứ ủy và Thành ủy Hà Nội đi xây dựng căn cứ ở các địa bàn chiến lược, chuẩn bị cơ sở cho cuộc đấu tranh vũ trang khi có điều kiện. Những chủ trương đúng đắn và nhạy bén của Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trước những diễn biến mau lẹ của tình thế cách mạng năm 1939 đã giảm bớt tổn thất cho Đảng, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta tiến lên.
Ngày 6-11-1939, chỉ 2 tháng sau khi đại chiến thế giới lần thứ II bùng nổ, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định). Dưới sự chủ trì của ông, hội nghị đã phân tích sâu sắc tính chất của chiến tranh thế giới lần thứ II, vị trí của Đông Dương trong cuộc chiến tranh, những chính sách của đế quốc Pháp, thái độ các giai cấp xã hội và vạch ra đường lối chính trị của cách mạng Việt Nam trước tình hình mới. Hội nghị đã khẳng định: Chiến tranh sẽ gieo rắc đau thương cho nhân loại, nhưng cuối cùng sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Hội nghị đã thống nhất nhận định: Lúc này ở Việt Nam và Đông Dương, sự thống trị của đế quốc Pháp đã trở thành một chế độ phát xít thuộc địa. Đế quốc Pháp đã thỏa hiệp đầu hàng phát xít Nhật. Do đó, giải phóng dân tộc khỏi ách đế quốc, dù là Pháp hay là Nhật, trở thành nhiệm vụ cấp bách nhất và là mục tiêu chiến lược trước mắt của cách mạng Việt Nam.
Trên cơ sở thống nhất những nhận định và xác định nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn cách mạng mới, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (11-1939) đã chủ trương: Để tập trung mọi lực lượng của dân tộc vào chống đế quốc và ách thống trị của phát xít thuộc địa, Đảng sẽ tiến hành thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ không còn thích hợp. Khẩu hiệu cách mạng ruộng đất lúc này tạm gác lại; chỉ thực hiện chính sách tịch thu ruộng của đế quốc và những địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc. Khẩu hiệu thành lập chính quyền xô viết công, nông, binh được thay thế bằng khẩu hiệu thành lập chính quyền dân chủ cộng hòa. Để phù hợp với tính chất cuộc đấu tranh cách mạng trong giai đoạn mới, phương pháp cách mạng cũng chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai, từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và không hợp pháp, chuẩn bị điều kiện để tiến tới khởi nghĩa vũ trang.
Ngày nay, khi nhìn lại những diễn biến lịch sử, chúng ta càng khâm phục quyết định chuyển hướng chiến lược và thay đổi phương pháp cách mạng trong tình hình mới của Đảng ta tại Hội nghị Trung ương 6 (11-1939) là hết sức sáng suốt, thể hiện tư duy chính trị nhạy bén, năng lực sáng tạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Tính kịp thời và đúng đắn về chủ trương chuyển hướng chiến lược của Hội nghị Trung ương 6 đã được Ban Thường vụ Trung ương khẳng định và đánh giá cao tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (11-1940) và Hội nghị Trung ương 8 (5-1941). Nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng mới, lực lượng cách mạng cũng tránh được tổn thất lớn khi kẻ địch trở mặt đàn áp. Giữa lúc phong trào vận động giải phóng dân tộc mới bắt đầu tiến triển thì đầu năm 1940, ông Nguyễn Văn Cừ và một số vị lãnh đạo cao cấp khác của Đảng bị bắt. Tuy nhiên, những nhận định và quyết định sáng suốt, kịp thời, những chủ trương nhạy bén và sáng tạo do Hội nghị Trung ương 5, 6 vạch ra dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ vẫn được Đảng và nhân dân ta thực hiện một cách sáng tạo, góp phần đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử.
NGỌC KHÁNH
(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)
Ông Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912 trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống khoa bảng ở xã Phú Khê, huyện Từ Sơn (nay là thị xã Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Năm 1927, khi mới 15 tuổi học ở trường Bưởi, ông đã hăng hái tham gia các hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ông Nguyễn Văn Cừ từng bị giặc Pháp bắt và đày ra Côn Đảo. Tại Hội nghị Trung ương 5 (3-1938), ông được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Ngày 18-1-1940, ông bị địch bắt và bị bọn chúng xử bắn ngày 28-8-1941.