Bộ Tài chính ngày 5-7 cho biết tại kỳ họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ đã thông qua nội dung dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 10 năm nay. Nội dung quan trọng của bản dự thảo được Chính phủ thông qua đó là điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế TNCN.
Hướng dẫn kê khai thuế thu nhập cá nhân tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. |
Bộ Tài chính ngày 5-7 cho biết tại kỳ họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ đã thông qua nội dung dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 10 năm nay. Nội dung quan trọng của bản dự thảo được Chính phủ thông qua đó là điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế TNCN.
Được điều chỉnh khi lạm phát tăng 20%
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế (hay còn được hiểu là mức khởi điểm chịu thuế) theo nội dung dự án Luật TNCN sửa đổi được Chính phủ thông qua đã được nâng lên 9 triệu đồng/tháng. Đây là mức tăng khá ấn tượng so với mức khởi điểm chịu thuế theo quy định hiện hành là 4 triệu đồng/tháng. Trong bản dự thảo đầu tiên, Bộ Tài chính chỉ đề nghị nâng mức khởi điểm chịu thuế lên 6 triệu đồng/tháng.
Đối với những người phụ thuộc, Bộ Tài chính đề nghị mức giảm trừ bằng 40% giá trị giảm trừ cho bản thân người nộp thuế, tương đương với 3,6 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ gia cảnh theo Luật Thuế TNCN hiện hành là 1,6 triệu đồng/người/tháng và theo đề xuất trước đây, Bộ Tài chính chỉ tính toán nâng lên 2,4 triệu đồng/người/tháng.
Đáng lưu ý là Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm quy định “cứng” một con số cụ thể cho mức giảm trừ gia cảnh là 9 triệu đồng đối với bản thân người nộp thuế và 3,6 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc.
Tuy nhiên, điểm mới của dự thảo lần này là trong luật có quy định rõ khi giá cả biến động đến 20% kể từ ngày luật có hiệu lực thì cơ quan soạn thảo có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Như vậy, Luật Thuế TNCN đã tính đến yếu tố trượt giá để không lạc hậu với thực tế của đời sống kinh tế - xã hội.
Về biểu thuế, dự thảo vẫn giữ nguyên như Luật Thuế TNCN hiện hành gồm 7 bậc với mức thuế suất từ 5% - 35%.
Miễn thuế theo hướng có lợi cho dân
Một nội dung đáng lưu ý khác liên quan đến thuế TNCN là thực hiện miễn thuế 6 tháng cuối năm 2012 cho người có thu nhập từ tiền lương, tiền công đến mức phải chịu thuế TNCN bậc 1 (thu nhập đến 9 triệu đồng/tháng, không có người phụ thuộc). Theo đó, sẽ có khoảng 400.000 người được miễn thuế với tổng số tiền ước tính khoảng 3.000 tỉ đồng trong 6 tháng cuối năm nay.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn phân tích về mặt nguyên tắc lẽ ra phải quyết toán thuế theo năm. Nghĩa là khi quyết toán thuế, cơ quan thuế sẽ lấy tổng thu nhập cả năm chia cho 12 tháng ra thu nhập trung bình 1 tháng. Nếu mức thu nhập trung bình hằng tháng của cá nhân từ 9 triệu đồng trở xuống (trường hợp không có người phụ thuộc) thì mới được miễn thuế 6 tháng cuối năm.
Vào năm 2011, Quốc hội cũng có nghị quyết miến thuế TNCN bậc 1 từ tháng 8 đến tháng 12 và được Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện theo nguyên tắc này đã vấp phải sự phản ứng của dư luận vì cho rằng quyết toán như vậy là thiệt cho người nộp thuế. Vì đa số người lao động có thu nhập 6 tháng đầu năm cao hơn cuối năm do có các khoản tiền thưởng, khi cộng vào chia trung bình 12 tháng thì thu nhập 6 tháng cuối năm bị đội lên so với thu nhập thực tế nên bị loại khỏi danh sách được miễn thuế.
Tiếp thu ý kiến này, Bộ Tài chính đang soạn thảo thông tư hướng dẫn thực hiện miễn thuế TNCN 6 tháng cuối năm 2012 theo nghị quyết của Quốc hội với hướng quyết toán riêng theo thu nhập 6 tháng cuối năm. Theo đó, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công sau khi giảm trừ gia cảnh (trừ tiền BHXH, giảm trừ cho bản thân và người phụ thuộc) mà có thu nhập đến 5 triệu đồng thì toàn bộ 5 triệu đồng bị tính thuế thu nhập bậc 1 (5%) sẽ được miễn thuế.
Riêng các trường hợp “giáp ranh” buộc phải chịu thiệt vì không thuộc diện được miễn thuế. Ví dụ như sau khi giảm trừ gia cảnh, cá nhân có thu nhập 5,1 triệu đồng thì không được miễn mà bị đánh thuế cả 5,1 triệu đồng ở cả bậc 1 ( thuế suất 5% đối với 5 triệu đồng) và bậc 2 (thuế suất 10% đối với 100.000 đồng thu nhập còn lại).
Theo nội dung dự án Luật Thuế TNCN sửa đổi được Chính phủ thông qua, thời điểm có hiệu lực của Luật Thuế TNCN sửa đổi được đề xuất là ngày 1-7-2013, thay vì ngày 1-4-2014 như dự thảo ban đầu. |
Theo NLĐ