09:07, 10/07/2012

Cần thay đổi để thích ứng

Kinh tế hợp tác xã hay kinh tế tập thể được Đảng và Nhà nước khẳng định là thành phần kinh tế chủ đạo của nền kinh tế quốc dân. Cách đây nhiều năm, cũng như cả nước, ở Khánh Hòa, hợp tác xã ăn nên làm ra, xuất hiện nhiều đơn vị Anh hùng Lao động. 

Kinh tế hợp tác xã (HTX) hay kinh tế tập thể (KTTT) được Đảng và Nhà nước khẳng định là thành phần kinh tế chủ đạo của nền kinh tế quốc dân. Cách đây nhiều năm, cũng như cả nước, ở Khánh Hòa, HTX ăn nên làm ra, xuất hiện nhiều đơn vị Anh hùng Lao động. Tuy nhiên đến nay, kinh tế HTX gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng… mặc dù đã được Nhà nước quan tâm tháo gỡ.

.  Thời vàng son

Sau giải phóng, đất nước chỉ có 2 thành phần: kinh tế Nhà nước và KTTT. Tại khu vực nông thôn và nhiều vùng thành thị, KTTT hay kinh tế HTX giữ vị trí chủ đạo. Được Nhà nước bảo hộ, bấy giờ, kinh tế HTX phát triển mạnh. Mọi nguồn lực, tài sản, tiền vốn, con người, đất đai đều do HTX quản lý. Đây cũng là thời kỳ HTX đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng như: sân phơi, nhà kho, điện, thủy lợi… hỗ trợ tốt đời sống xã viên. Trong bối cảnh đó, HTX nào biết phát huy sức mạnh nội lực, có lãnh đạo giỏi, dám nghĩ, dám làm sẽ thành công.

Những năm đầu sau giải phóng, HTX Diên An (Diên Khánh) là đơn vị năng động, sáng tạo. HTX đã xây dựng các đội chuyên như: nông giang, cày đất, xây dựng, khai hoang, ngành nghề… Ngoài ra, HTX còn xây dựng trại heo giống, phát triển thủy lợi, tổ chức giãn dân xây dựng vùng kinh tế mới… HTX Diên An trở thành lá cờ đầu của các HTX nông nghiệp tại Khánh Hòa thời bấy giờ và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.


1
Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương

Được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới nhưng HTX Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu (TCMNXK) Vĩnh Phước (thị xã Ninh Hòa) cũng đi lên từ thời kinh tế bao cấp. Ông Nguyễn Thành Sơn - Phó Chủ nhiệm HTX TCMNXK Vĩnh Phước cho rằng, thành quả lao động của HTX như hôm nay chính là nhờ quá trình tích lũy, đoàn kết, năng động, sáng tạo của cán bộ HTX và xã viên trong suốt hơn 30 năm. Từ một tổ hợp tác của xã Ninh Đa, sau hàng chục năm phấn đấu, HTX TCMNXK Vĩnh Phước đã có cơ ngơi như hôm nay. Không phủ nhận được chính sách bao cấp, nhưng quan trọng hơn, chính là nhờ sự nỗ lực vươn lên của các thế hệ cán bộ, xã viên HTX. Hiện nay, HTX Vĩnh Phước đã hình thành 3 cơ sở sản xuất lớn (tại phường Ninh Hiệp và xã Ninh Quang), đó là chưa kể các cơ sở vệ tinh ở nhiều nơi làm đại lý gia công hàng xuất khẩu cho đơn vị, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, hàng hóa được xuất khẩu sang thị trường EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ.

. Lúng túng khi phải “tự bơi”

Lý giải vì sao trước đây, HTX phát triển mạnh và xuất hiện nhiều đơn vị anh hùng, ông Nguyễn Văn Ái - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Khánh Hòa cho rằng, trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), Nhà nước chỉ thừa nhận 2 thành phần kinh tế: kinh tế Nhà nước và KTTT. Vì thế, KTTT hay kinh tế HTX có điều kiện bảo hộ để phát triển. Sang thời kỳ đổi mới, Nhà nước xóa bỏ bao cấp, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển. Lúc này, kinh tế HTX phải tự thân vận động.

Ông Ái thừa nhận, hiện nay, HTX không thể vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất và cạnh tranh. Bởi lẽ, hầu hết đất của HTX do Nhà nước cấp nên không thể thế chấp vay vốn ngân hàng. HTX khó phát triển, lương cán bộ thấp nên việc thu hút lao động trẻ, có trình độ vào làm việc ở HTX càng khó khăn. Cán bộ HTX ngày càng già cỗi, kém năng động, tất yếu dẫn đến phát triển ì ạch… Tuy HTX đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người nghèo, tạo việc làm cho lao động địa phương, cần được Nhà nước tập trung tháo gỡ khó khăn, ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích để phát triển; nhưng cho đến nay, hầu hết các chính sách đều khó khả thi. Bởi phần lớn đều vướng các văn bản luật khác. Ông Lương Công Vân - Chủ nhiệm HTX Ninh Quang I (Ninh Hòa) nhìn nhận: Bây giờ, HTX gặp khó khăn tứ phía. Cán bộ bị “lão hóa” do không tuyển dụng được người trẻ, năng động; vốn HTX có hạn, không thể đầu tư phát triển, nhất là giải quyết đầu ra cho sản phẩm của xã viên, khó khuyến khích xã viên thực hiện nông nghiệp an toàn, chất lượng (VietGAP) vì phải chịu thuế giá trị gia tăng. HTX cũng không thể vay vốn ngân hàng vì không có tài sản thế chấp. Cuối cùng, HTX chỉ quanh quẩn với những dịch vụ truyền thống như: cày đất, thủy lợi, cung cấp vật tư trả chậm… Được biết, để vay được tiền từ ngân hàng để đầu tư phát triển HTX, ông Vân phải dùng tài sản cá nhân thế chấp.

. Liên kết để phát triển

Ông Ái cho biết, Trung ương đang chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển KTTT. Đây sẽ là cơ hội cho các HTX. Theo ông Ái, trước đây, Nghị quyết Trung ương 5 đã đề cập đến việc hỗ trợ kinh phí cho HTX nhưng lại vướng các luật, nhất là Luật Thuế. Nếu những dịch vụ phục vụ lợi ích xã viên mà không phải chịu thuế thì các HTX mới có cơ may thoát khỏi khó khăn.

Còn ông Trương Hữu Lan - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho rằng, hiện nay, HTX cũng thừa hưởng nhiều cơ sở vật chất còn lại từ trước như: thủy nông, sân phơi, nhà kho… Vì vậy, nơi nào cán bộ năng động, có thể sản xuất được giống, tìm được đầu ra, cung cấp vật tư, phân bón nông nghiệp, phát triển ngành nghề… thì có thể đứng vững, bảo toàn được vốn; nếu không sẽ rất khó khăn, thậm chí đi đến giải thể.

Không thể phủ nhận vai trò của HTX trong việc ổn định đời sống tại các địa bàn nông thôn, tạo việc làm cho nhiều lao động nghèo. Mô hình HTX vẫn cần tiếp tục duy trì nhưng phải được tháo gỡ để phát triển. Hiện nay, toàn tỉnh có 126 HTX và 873 tổ hợp tác với nhiều ngành nghề, lĩnh vực, thu hút hàng chục ngàn lao động. Nếu những HTX này hoạt động theo hướng hình thành những tổ hợp tác, chuyên sâu các lĩnh vực, đa dạng ngành nghề, dịch vụ, từng bước chuyên môn hóa, hiện đại hóa, liên kết để hình thành liên hiệp HTX thì không chỉ mang lại hiệu quả mà còn là mô hình hay cho công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Q.V