10:07, 24/07/2012

Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm có hiệu lực 3 năm

Đó là quy định được nêu trong dự thảo thông tư quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đó là quy định được nêu trong dự thảo thông tư quy định về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

Theo đó, để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp 1 bộ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận, trong đó phải có Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh ATTP; đồng thời phải có Bản sao Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất đối với cơ sở dưới 30 người hoặc danh sách chi tiết nếu cơ sở có từ 30 người trở lên...

Trên cơ sở bộ hồ sơ đó, cơ quan chức năng thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và thẩm xét tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ phải có công văn yêu cầu cơ sở bổ sung trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận.

Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 12 ngày làm việc cơ quan thẩm định phải thẩm định hồ sơ và kiểm tra thực địa. Kết quả thẩm định phải ghi rõ vào biên bản là “Đạt” hoặc “Không đạt”.

Trường hợp kết quả thẩm định không đạt, trong biên bản thẩm định phải ghi rõ thời hạn thẩm định lại (tối đa là 3 tháng), nếu kết quả thẩm định lại vẫn không đạt thì đoàn thẩm định lập biên bản và đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động của cơ sở…

Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ khi có kết quả thẩm định đạt yêu cầu, các cơ quan chức năng phải cấp Giấy chứng nhận cho cơ sở. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 3 năm. Trước 6 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh.

Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận

Về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, Bộ Công Thương giao Vụ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất các sản phẩm thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, đối với các cơ sở sản xuất:

1. Rượu: công suất thiết kế từ 3.000.000 lít sản phẩm/năm trở lên;

2. Bia: công suất thiết kế từ 50.000.000 lít sản phẩm/năm trở lên;

3. Nước giải khát: công suất thiết kế từ 20.000.000 lít sản phẩm/năm trở lên;

4. Sữa chế biến: công suất thiết kế 20.000.000 lít sản phẩm/năm trở lên;

5. Dầu thực vật: công suất thiết kế từ 50.000.000 tấn sản phẩm/năm trở lên;

6. Bánh kẹo: công suất thiết kế từ 20.000.000 tấn sản phẩm/năm trở lên;

7. Bột và tinh bột: công suất thiết kế từ 100.000 tấn sản phẩm/năm trở lên;

8. Bao bì chứa đựng các sản phẩm trên.

Đối với các cơ sở sản xuất các sản phẩm thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương trong phạm vi địa bàn tỉnh/thành phố phụ trách có công suất thiết kế thấp hơn các mức nêu trên thì sẽ do Sở Công Thương cấp Giấy chứng nhận.

Đồng thời, Sở Công Thương cũng cấp giấy chứng nhận đối với các cơ sở kinh doanh các sản phẩm thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương trong phạm vi địa bàn tỉnh/thành phố phụ trách.

Thông tư này vừa được Bộ Công Thương công bố lấy ý kiến nhân dân.

Theo CP