07:07, 04/07/2012

Bước tiến mới về kỹ thuật

Sau thành công trong điều trị đục thủy tinh thể bằng phương pháp phẫu thuật phaco (đặt thủy tinh thể nhân tạo đa tiêu cự và thủy tinh thể nhân tạo điều chỉnh loạn thị), mới đây, Khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa đưa vào sử dụng máy phẫu thuật phaco Infiniti. Đây là bước tiến mới về kỹ thuật của Khoa Mắt nhằm nâng cao chất lượng điều trị.

Sau thành công trong điều trị đục thủy tinh thể (ĐTTT) bằng phương pháp phẫu thuật phaco (đặt thủy tinh thể nhân tạo đa tiêu cự và thủy tinh thể nhân tạo điều chỉnh loạn thị), mới đây, Khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa vừa đưa vào sử dụng máy phẫu thuật phaco Infiniti. Đây là bước tiến mới về kỹ thuật của Khoa Mắt nhằm nâng cao chất lượng điều trị.

Vào ngày đầu tuần, tại Khoa Mắt BVĐK tỉnh có khá nhiều bệnh nhân (BN) đang chờ đến lượt được phẫu thuật. Bước ra khỏi phòng mổ, bác Mang Chiến (60 tuổi, dân tộc Raglai, xã Cam Thịnh Tây, Cam Ranh) cho biết: “Tôi bị mù 2 mắt gần 1 năm nay. Lúc đầu, mắt nhìn hơi mờ, rồi dần dần yếu đi, sau đó không còn thấy gì nữa. Đến bệnh viện khám, tôi được chẩn đoán bị ĐTTT. Bác sĩ (BS) nói phải mổ mới sáng mắt được. Lúc đưa vào phòng mổ, tôi cũng sợ; nhưng vừa mổ, BS vừa trò chuyện, khoảng 20 phút đã xong. Qua ngày hôm sau, tháo băng ra đã thấy rõ. Tôi rất mừng. Chính vì thế, hôm nay, tôi quyết định mổ thêm con mắt còn lại để được nhìn rõ hơn, còn đi làm nương, rẫy”. Ông Vũ Văn Dân (54 tuổi, phường Phương Sơn, Nha Trang) bị bệnh ĐTTT đã hơn 6 tháng, làm cho 2 mắt bị mù. BS đã tiến hành phẫu thuật cho ông bằng máy phaco thế hệ mới Infiniti. Ông cho biết: “Qua ngày sau, tháo băng ra, tôi đã nhìn rõ như lúc chưa bị mù. Vì vậy, tôi đã đăng ký mổ thêm con mắt còn lại”.


Sau thành công trong điều trị đục thủy tinh thể (ĐTTT) bằng phương pháp phẫu thuật phaco (đặt thủy tinh thể nhân tạo đa tiêu cự và thủy tinh thể nhân tạo điều chỉnh loạn thị), mới đây, Khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh vừa đưa vào sử dụng máy phẫu thuật phaco Infiniti.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng máy phaco Infiniti tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

 

Đây là hai trong nhiều BN được phẫu thuật điều trị bệnh ĐTTT bằng máy phẫu thuật phaco Infiniti mà Khoa Mắt BVĐK tỉnh vừa đưa vào sử dụng tháng 4-2012. Đây là máy phẫu thuật được đánh giá tiên tiến nhất trong điều trị bệnh ĐTTT. BS Lê Phú - Trưởng khoa Mắt BVĐK tỉnh cho biết, trước phẫu thuật, BN sẽ được tra thuốc giãn đồng tử và các thuốc kháng sinh chống viêm. Do vô cảm bằng cách gây tê tại chỗ nên BN hoàn toàn tỉnh táo, không đau khi phẫu thuật. Khi mổ, BS sẽ dùng các dụng cụ vi phẫu, đưa vào mắt qua vết mổ, xé bao thủy tinh thể thành hình tròn, tán nhuyễn và hút ra ngoài chất nhân thể thủy tinh bị đục, sau đó thay vào một thủy tinh thể nhân tạo trong suốt có công suất thích hợp với từng BN. Hệ thống máy Infiniti được điều khiển cảm ứng bằng màn hình tinh thể lỏng cho phép BS lập trình các thông số phẫu thuật phù hợp với từng BN, nên toàn bộ quá trình phẫu thuật chỉ diễn ra 10 - 15 phút.

Việc điều trị bệnh ĐTTT bằng phương pháp mổ phaco được Khoa áp dụng từ năm 2002 và đã phẫu thuật, phục hồi thị lực cho hàng ngàn BN. Tuy nhiên, so với các thế hệ máy phaco đời trước, máy phaco Infiniti có nhiều ưu điểm như: Sử dụng công nghệ mới OZil, đầu kim phaco chuyển động theo chiều ngang với tần số 32.000 lần/giây nên hiệu quả ăn nhân tốt hơn, hiện tượng tỏa nhiệt giảm nhiều, hạn chế làm bỏng vết mổ. Ngoài ra, máy được trang bị hệ thống dây dẫn công nghệ mới giúp phẫu thuật an toàn hơn, giảm thiểu các biến chứng trong phẫu thuật phaco. BS Phú cho biết: “Nhờ những công nghệ tiên tiến này, chúng tôi có thể sử dụng những đường mổ nhỏ chỉ khoảng 2,2 - 3mm. Đường mổ nhỏ như thế sẽ an toàn cho mắt hơn, ít bị loạn thị và việc phục hồi thị lực sau mổ cũng tốt hơn”.

Bệnh ĐTTT (còn gọi là bệnh cườm khô) là hiện tượng đục mờ thủy tinh thể, ngăn không cho tia sáng lọt qua, kết quả là võng mạc không thu được hình ảnh, thị lực BN suy giảm dẫn đến mù lòa. Nguyên nhân của bệnh này, phần lớn liên quan đến tuổi già, ngoài ra còn có thể gặp ở các bệnh lý: tiểu đường, cận thị, chấn thương... Hơn 80% người mắc bệnh ĐTTT có độ tuổi trên 50. Tại Việt Nam, ĐTTT là căn bệnh phổ biến và là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. Hiện nay, cả nước có khoảng 250.000 người mù cả hai mắt do ĐTTT; mỗi năm có thêm 170.000 trường hợp cần được điều trị căn bệnh này. Điều trị căn bệnh này tốt nhất là phẫu thuật bằng phương pháp phaco. Phương pháp này được Khoa Mắt BVĐK tỉnh áp dụng hơn 10 năm nay. Bình quân mỗi năm, Khoa đã mổ và phục hồi thị lực cho khoảng 1.500 ca.

Việc Khoa Mắt BVĐK tỉnh triển khai thành công kỹ thuật phaco và đầu tư mới trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng điều trị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân nói chung và phòng, chống mù lòa trong tỉnh nói riêng.

THẢO LY