09:07, 27/07/2012

Bất ngờ ngoài dự đoán

Khi điểm chuẩn vào lớp 10 năm học 2012-2013 được công bố, hầu hết phụ huynh học sinh và cả giáo viên đều bất ngờ. Bởi lẽ, lần đầu tiên trong nhiều năm nay, điểm chuẩn của các trường trung học phổ thông thuộc hàng “top ten” của tỉnh rơi xuống dưới mức 30 điểm.

Khi điểm chuẩn vào lớp 10 năm học 2012-2013 được công bố, hầu hết phụ huynh học sinh (HS) và cả giáo viên đều bất ngờ. Bởi lẽ, lần đầu tiên trong nhiều năm nay, điểm chuẩn của các trường trung học phổ thông (THPT) thuộc hàng “top ten” của tỉnh rơi xuống dưới mức 30 điểm.

Là một trong 4 trường THPT tổ chức tuyển sinh lớp 10 theo hình thức thi tuyển, điểm chuẩn của Trường THPT Lý Tự Trọng lần đầu tiên trong nhiều năm nay rơi xuống dưới mức 30 điểm (28 điểm). Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi lại xuống mức thấp hơn nữa với 25,1 điểm. Điều đó có nghĩa là điểm chuẩn đầu vào của 2 trường THPT thuộc hàng đầu của tỉnh chỉ đạt từ 5-5,5 điểm/môn thi trong bối cảnh đề thi vào lớp 10 năm nay được đánh giá là khá nhẹ nhàng. Điểm chuẩn của 2 trường THPT còn lại ở Nha Trang là Hoàng Văn Thụ và Hà Huy Tập thấp hơn khá nhiều, chỉ từ 17,4 đến 18 điểm. Lý giải cho điều này, ông Trần Thức - Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho rằng đó là do tăng thêm 6 lớp 10 nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa Nha Trang và các địa phương khác trong phân bổ chỉ tiêu vào lớp 10 công lập năm 2012. Cũng chính nhờ thế mà năm nay, tỷ lệ HS Nha Trang trúng tuyển lớp 10 đã nâng lên đáng kể, đạt 70,18% (2.896/4.126 HS đăng ký dự thi).

Khi điểm chuẩn vào lớp 10 năm học 2012-2013 được công bố, hầu hết phụ huynh học sinh (HS) và cả giáo viên đều bất ngờ. Bởi lẽ, lần đầu tiên trong nhiều năm nay, điểm chuẩn của các trường trung học phổ thông (THPT) thuộc hàng “top ten” của tỉnh rơi xuống dưới mức 30 điểm.
Các thí sinh sau giờ thi môn tiếng Anh tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi

Tuy vậy, điều bất ngờ lớn nhất chính là sự “đổi ngôi” về điểm chuẩn của các trường THPT thuộc các huyện, thị, thành phố khác trong tỉnh thực hiện tuyển sinh lớp 10 theo phương thức xét tuyển. Nhiều cán bộ quản lý giáo dục và các thầy cô giáo không khỏi ngạc nhiên khi biết điểm chuẩn đầu vào của Trường THPT Khánh Sơn thuộc địa bàn miền núi còn lắm khó khăn, bất cập về mọi mặt lại cao hơn nhiều trường ở khu vực đồng bằng như các trường THPT Nguyễn Huệ, Đoàn Thị Điểm (Cam Lâm), Nguyễn Thái Học (Diên Khánh), Trần Quý Cáp, Tôn Đức Thắng (Ninh Hòa), Lê Hồng Phong, Tô Văn Ơn (Vạn Ninh) và đặc biệt là đứng trên cả Trường THPT Trần Bình Trọng (Cam Lâm) vốn lâu nay thuộc hàng “top ten” của tỉnh. Ở trên địa bàn từng huyện, thị, thành phố, điểm chuẩn vào lớp 10 của các trường cũng đã có sự hoán vị khá bất ngờ. Nhiều trường THPT bán công mới chuyển sang công lập, nếu như năm trước thí sinh đăng ký dự thi ít hơn chỉ tiêu được giao, điểm chuẩn nằm vào hàng cuối bảng thì năm nay lại qua mặt các trường trọng điểm của địa phương. Chẳng hạn, tại thị xã Ninh Hòa, Trường THPT Trần Cao Vân năm nay có điểm chuẩn là 33,5 điểm trong khi Trường THPT Nguyễn Trãi là 30,5 điểm. Hoặc tại huyện Vạn Ninh, điểm chuẩn của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai là 30 điểm trong khi trường THPT hàng đầu của huyện là Huỳnh Thúc Kháng chỉ ở mức 28,5 điểm và Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng còn phải lấy thêm 16 thí sinh đăng ký dự tuyển từ các trường THPT khác mới đủ chỉ tiêu! Giải thích về hiện tượng trên, ông Trần Thức nói: “Sở dĩ có hiện tượng này là do HS lớp 9 có tâm lý né các trường tốp trên, chọn các trường mấy năm trước điểm chuẩn khá dễ thở và vô tình rơi vào “bẫy” biến động của điểm chuẩn. Còn việc điểm chuẩn ở miền núi cao hơn đồng bằng là do việc đánh giá, xếp loại các mặt giáo dục của HS còn khập khiễng, trong đó có phần do căn bệnh thành tích vẫn còn nặng nề trong ngành nói chung và ở các trường trung học cơ sở nói riêng”.

Với tỷ lệ 70,18% HS đăng ký dự thi đã được trúng tuyển vào các trường THPT công lập, nhiều nhà giáo dục cho rằng không cần phải tổ chức thi tuyển nữa. Xét tuyển là hình thức tuyển sinh phù hợp nhất vì tiết kiệm thời gian, tiền của, giảm bớt sự căng thẳng không cần thiết đối với xã hội mà vẫn tuyển đúng đối tượng. Vấn đề đặt ra là ngành Giáo dục cần phải tăng cường quản lý các trường trung học cơ sở, nhất là việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại HS để có thể đảm bảo một cách tương đối mặt bằng chất lượng giáo dục ở mỗi địa phương. Nếu được như thế thì việc tuyển sinh vào lớp 10 trong những năm tới sẽ ổn định và đáng tin cậy hơn.

ĐỖ QUYÊN