12:07, 22/07/2012

“Của đầy non không bằng cho con ba chữ”

Nhắc đến tên đôi vợ chồng Lợi - Mậu, những người dân sống trong con hẻm 32 Thái Nguyên (Nha Trang) đều biết đó là hộ gia đình nghèo khó nhất nhì con hẻm, và còn biết rõ sự hy sinh của đôi vợ chồng này.

Nhắc đến tên đôi vợ chồng Lợi - Mậu, những người dân sống trong con hẻm 32 Thái Nguyên (Nha Trang) đều biết đó là hộ gia đình nghèo khó nhất nhì con hẻm, và còn biết rõ sự hy sinh của đôi vợ chồng này. Họ sẵn sàng oằn vai gánh những gánh nặng mưu sinh, cốt sao để 3 con ăn học đến nơi đến chốn.

Chúng tôi tìm đến nhà ông bà vào một buổi trưa oi bức. Trong căn nhà từ đường do bố mẹ để lại, ngoài gia đình ông Lợi, còn có 3 chị em ruột của ông. Chốn riêng tư của gia đình ông Lợi chỉ vỏn vẹn 6m2 cũ nát và ẩm mốc. Tài sản của họ chỉ có một chiếc giường cũ kỹ, chiếc tivi trắng đen 14inch cũ mèm và chiếc xe đạp cọc cạch. Có lẽ, nơi sáng sủa và có giá trị nhất trong nhà là bức tường trơ gạch có dán những tờ giấy khen thành tích học tập của các con, danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Gia đình hiếu học” do UBND phường Phương Sài trao tặng.

. Nặng gánh mưu sinh

Đưa đôi mắt buồn nặng trĩu nhìn về nơi cư ngụ của gia đình mình, ông Lợi mở đầu chuyện quá khứ bằng một câu kể: “Trước kia, chỗ gia đình tôi ở là một cái chuồng heo”. Năm 1989, vì hoàn cảnh quê nhà khó khăn, từ Phú Yên, vợ chồng ông Lợi dắt theo con trai đầu là Đỗ Lai mới được mấy tháng tuổi theo bố mẹ vào Nha Trang sinh sống, lập nghiệp. Mua được căn nhà nhỏ trong hẻm 32 Thái Nguyên, bố mẹ ông Lợi đưa tất cả các con về đây sinh sống và chia cho mỗi người con một góc nhỏ trong ngôi nhà. Vợ chồng ông Lợi được cho ở sát chuồng heo.

Hơn 10 năm nay, bà Mậu phụ bán phở để kiếm tiền cho con ăn học.

Hơn 10 năm nay, bà Mậu phụ bán phở để kiếm tiền cho con ăn học.

Bỏ xứ vào đây, ít học lại không nghề không nghiệp, không người quen biết nên vợ chồng ông Lợi rất khó khăn. Để có tiền nuôi con và phụ giúp bố mẹ già, vợ chồng ông Lợi làm thuê làm mướn đủ thứ. Ông Lợi vì bị bệnh teo cơ bẩm sinh nên đôi chân không khỏe mạnh, không có sức làm được những công việc nặng nhọc. Mọi gánh nặng đổ dồn lên đôi vai bà Mậu. Bà làm đủ nghề, từ rửa chén bát cho nhà hàng, giặt đồ mướn đến làm thợ hồ, osin… để gắng sức nuôi dạy đàn con 2 trai 1 gái lần lượt ra đời.

Gánh nặng áo cơm càng nặng hơn khi các con ngày một lớn, đến tuổi tới trường. Để có tiền cho con ăn học, bà Mậu phải nhận việc nhiều hơn. Từ sáng sớm, bà đi bộ 5 - 6km đến công trình xây dựng để làm phụ hồ. Chiều về, bà lại tất tả đến quán ăn phụ bưng bê, dọn dẹp, đến 2 - 3 giờ sáng mới về. Còn ông Lợi, tuy không khỏe mạnh nhưng cũng ráng gượng làm thợ sơn nước. Người con Đỗ Lai, bấy giờ mới hơn 10 tuổi, cũng đi bán báo, phụ bưng bê ở quán cà phê… phụ giúp gia đình.

… để con được đến trường

Theo chân bà Mậu ra quán phở ngay đầu hẻm 32 Thái Nguyên, quán phở mà hơn 10 năm nay bà Mậu đã gắn bó với công việc rửa chén bát và bưng bê, nhìn dáng đi lắm lúc nghiêng ngả, chông chênh, chúng tôi đoán bà không được khỏe. Bà cho biết mình bị cảm đã hơn tuần nay nhưng vẫn gắng gượng đi làm vì đã nhận tiền công trước rồi. Bà Mậu bộc bạch: “Làm thêm ở quán phở từ 9 giờ đêm đến 5 giờ sáng, nhiều lúc tôi cũng mệt mỏi đến kiệt sức nhưng vì các con, vợ chồng tôi động viên nhau phải cố gắng lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Bà chủ quán phở tốt bụng lắm, biết vợ chồng tôi nghèo nên những lúc ốm đau hay cần tiền đóng học phí cho con, bà đều cho mượn mà không lấy lãi. Tôi làm công ở đây hầu như tháng nào cũng “ăn trước, trả sau”. Thằng Lai thấy mẹ khổ cực quá, nhiều lần xin nghỉ học nhưng tôi không cho. Dù có phải làm thuê cho người ta cả đời, chúng tôi vẫn muốn các con đi học. Tôi thường động viên các con rằng, muốn hết nghèo, các con phải học chữ và chịu khó học giỏi”.

Thấu hiểu tấm lòng cha mẹ, các con của ông bà luôn là những học sinh chăm ngoan, học giỏi. Đỗ Lai (sinh năm 1989) vừa tốt nghiệp hệ trung cấp chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ - điện tử của Trường Đại học Nha Trang, hiện đang làm ở bộ phận bảo trì sửa chữa máy móc của Công ty Dệt Nha Trang. Đỗ Thị Cẩm Lệ (sinh năm 1993) đang là sinh viên năm nhất chuyên ngành Kế toán hệ trung cấp của Trường Đại học Nha Trang. Đỗ Lanh (sinh năm 1998) là học sinh lớp 9 Trường THCS Võ Văn Ký (Nha Trang). Bà Mậu tự hào khoe: “Nhà nghèo nên không có tiền mua sách. Bộ sách học cũ kỹ vì phải truyền từ đứa lớn sang đứa bé nhưng bù lại, các con chăm ngoan, học giỏi”. Chị Bé, chủ quán phở nơi bà Mậu phụ việc nói: “Trong con hẻm này, ai cũng biết ông bà Mậu nghèo khó nhưng hiền lành, chịu khó, siêng năng nên thương và hay giúp đỡ. Gia đình bà ấy nghèo nhưng bù lại con cái ngoan ngoãn, học giỏi; đó là cái phước mà không phải gia đình cũng có được”.

Giờ đây, con cái đã lớn khôn, gánh nặng đã vơi bớt, nhưng cái nghèo vẫn chưa rời ông bà. Ông Lợi cho biết, từ ngày ba ông mất, gia đình ông được chuyển lên gác xép của ông nội để ngủ cho rộng rãi. Nhưng căn nhà do quá lâu năm nên đã xuống cấp. Giờ đây, vợ chồng ông muốn sửa lại nhà để con cái đỡ ngượng với bạn bè. Chúng tôi nhìn lên mái căn gác xép và nhận thấy phía trên lợp bằng những tấm tôn đã rỉ sét, vô vàn tia nắng đang chiếu xuống nền nhà. Để chống dột, ông bà dùng những tấm ni-lông cũ vá chằng, vá đụp làm thành tấm “la phông” tạm bợ. Đỗ Lai tâm sự: “Em muốn đi học lên cao nữa để dễ kiếm việc làm hơn. Nếu đi học, em có thể tự lo được cho mình. Nhưng nghĩ đến ba mẹ, các em, em quyết định tạm dừng giấc mơ giảng đường để đi làm kiếm tiền, sửa lại cho ba mẹ cái mái nhà”. Hiện nay, ban ngày Lai đi làm ở Công ty Dệt Nha Trang, buổi tối tham gia Ban Bảo vệ dân phố của phường Phương Sài. Những lúc rảnh rỗi, Lai lại lôi sách vở ra ôn, quyết nuôi ước mơ vào giảng đường đại học. Bà Mậu chia sẻ: “Dù khó khăn vất vả đến đâu, còn sức, tôi còn cố gắng làm. Dù có phải làm thuê cả đời, tôi vẫn chấp nhận để các con được tiếp tục đi học. “Của đầy non không bằng cho con ba chữ”. Không của cải nào có thể đánh đổi niềm hạnh phúc thấy con ham học, cầu tiến”.

THU HIỀN