09:07, 22/07/2012

Chuyện tình người lính đảo

Đảo Trường Sa Đông những ngày cuối tháng 6 đông vui hơn bởi có người thân của các cán bộ, chiến sĩ từ đất liền ra thăm đảo. Sau những ngày ở thăm đảo, họ đã ra về với biết bao kỷ niệm, niềm tin về người chiến sĩ.

Đảo Trường Sa Đông những ngày cuối tháng 6 đông vui hơn bởi có người thân của các cán bộ, chiến sĩ từ đất liền ra thăm đảo. Sau những ngày ở thăm đảo, họ đã ra về với biết bao kỷ niệm, niềm tin về người chiến sĩ. Cũng nhờ chuyến thăm này, chúng tôi được biết chuyện tình cảm động của đảo trưởng Đỗ Ngọc Dũng. Đã 12 năm nên nghĩa vợ chồng nhưng tình yêu của họ vẫn luôn tươi mới, nồng nàn…

. Tuần trăng mật trên đảo

"Anh kể chuyện tình về biển em nghe"

Có lẽ những chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông không quên được chuyện anh Đỗ Ngọc Dũng - Đảo trưởng, chuẩn bị đón vợ (chị Lê Thị Vân - phường Ba Ngòi, Cam Ranh) ra đảo thăm chồng như thế nào. Phút gặp mặt đầy xúc động với nụ hôn ngọt ngào. Những con sóng bạc đầu vỗ vào ghềnh đá tạo nên khúc nhạc du dương không lời… Khúc nhạc của tình yêu! Tiếng vỗ tay ào ào vang lên cùng với những lời trêu chọc của các cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Không chờ anh Dũng nhờ, mấy chiến sĩ đã xung phong dẫn chị Vân về phòng “tân hôn” mà anh Dũng đã bỏ ra mấy ngày liền để trang trí, bày biện. Chị Vân chia sẻ: “Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi khi bước vào phòng là chậu nước và chiếc khăn mặt được anh xếp rất ngay ngắn”. Căn phòng tuy chẳng có hoa hồng hay đồ dùng đắt tiền, chỉ đơn giản một lọ hoa khô, ít hoa muống biển và vài bức ảnh của chị cùng các con nhưng trông rất ấm cúng. Sau khi sắp xếp ổn thỏa cho người thân của các chiến sĩ, anh Dũng mới về phòng, nhẹ nhàng rút từ trong ngăn kéo ra một món quà tặng chị. Đó là tấm giấy khen của Quân chủng Hải quân dành cho anh do có thành tích xuất sắc nhất quần đảo Trường Sa. Ôm chị vào lòng, anh nhỏ nhẹ: “Anh không có những món quà đắt tiền để đón em, anh chỉ có cái này tặng em, em có vui không? Anh có được thành tích này, công lao thuộc cả về em”. Nhận tấm giấy khen từ tay chồng, chị Vân nghẹn ngào, mắt rưng rưng. Có lẽ, đối với chị, đây là món quà ý nghĩa nhất.

Những tháng ngày trên đảo tuy ngắn ngủi nhưng với chị Vân lại là những giây phút không bao giờ quên. “Mọi người bảo đây là tuần trăng mật thứ hai của tôi, nhưng thực chất, đây là tuần trăng mật đầu tiên” - chị Vân chia sẻ. Bởi cưới nhau được mấy ngày, anh Dũng đã khăn gói lên đường vào đơn vị chuẩn bị ra đảo làm nhiệm vụ. Đến giờ, khi đã có với nhau 2 mặt con, anh chị mới thật sự có tuần trăng mật. Chị không nghĩ lại có ngày được hưởng tuần trăng mật ngay trên hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nơi anh và các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ. Chị Vân cho biết: “Từ ngày quen nhau đến nay, đây là khoảng thời gian chúng tôi được dành trọn vẹn cho nhau theo đúng nghĩa vợ chồng: Được cùng nhau chụp ảnh cưới, dắt tay nhau ngắm mặt trời mọc mỗi khi bình minh lên và khi chiều tà, cùng ngồi ngân nga hát dưới gốc cây, cùng chăm sóc những luống rau trên đảo…”.

. 12 năm cộng dồn bằng 1 năm

1
Vợ chồng anh Dũng (giữa) chụp hình lưu niệm với các cặp vợ chồng đồng đội bên bia chủ quyền

Anh Dũng bồi hồi nhớ về mối tình sâu nặng với cô bạn chung trường (Trường Phổ thông Quảng Xương 2, Thanh Hóa) mà nay là một nửa của đời anh. Ngày đó, anh học trên chị 1 khóa, cả hai cùng là cán bộ lớp, cùng tham gia trong Ban Chấp hành Đoàn trường nên có nhiều thời gian gặp nhau. Lúc đó, cô giáo chủ nhiệm bảo chị học hỏi kinh nghiệm lãnh đạo lớp từ anh, chị còn trêu cô: “Cô bảo em học kinh nghiệm từ anh Dũng lùn ấy à?”. Tuy nói vậy, nhưng từ đó, chị Vân bắt đầu tiếp chuyện anh nhiều hơn và học được từ anh không ít kinh nghiệm trong việc quản lý lớp.

Hình ảnh cậu học trò nghèo, ngày ngày đội chiếc nón lá quê mùa nhưng chịu khó và học giỏi bắt đầu in dấu trong lòng chị. Bố mất sớm, một mình mẹ anh tần tảo nuôi mấy anh chị em ăn học, cuộc sống vô cùng khó khăn. Không khuất phục trước số phận, ngoài thời gian tới trường, anh còn giúp mẹ công việc gia đình và nuôi ước mơ trở thành chiến sĩ Hải quân. Ngày được tin thi đậu vào Trường Lục quân 1, anh đã đạp xe gần 10km đến nhà tặng chị một cuốn sổ. Sau khi nhìn anh đi khuất, chị lật cuốn sổ ra, thấy dòng chữ: “Chúc ở lại học giỏi… Hy vọng sau này anh và em đi chung một con đường”. Lúc đó, chị vẫn chưa hiểu ẩn ý trong lời chúc đó: “Anh này sao vậy? Mình có vào quân đội đâu mà nói đi chung một con đường?”.

2
 

Những ngày tháng xa nhau, hàng tuần, chị đều nhận được thư của anh thăm hỏi, động viên chị học tập. Một lần, anh viết: “Tháng 3, anh sẽ về làm hồ sơ thi đại học cho em”. Chị cứ nghĩ anh nói vậy cho vui, không ngờ sau một buổi học cuối tuần, anh xuất hiện ngay trước cổng trường…

Thời gian trôi qua. Ngày chị nhận được giấy báo đậu vào trường Sư phạm cũng chính là ngày anh ngỏ lời yêu chị. Tấm chân tình của người chiến sĩ được cô nữ sinh đón nhận chân thành.

Tưởng mọi chuyện suôn sẻ, nhưng không ngờ tình yêu của anh chị gặp phải sự ngăn cản từ bố mẹ chị Vân. Bố mẹ chị cương quyết: “Nhà này, bố mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Chị chỉ còn cách bỏ lên trường với lời nhắn: “Có chết con cũng không lấy ai đâu, con chỉ có anh Dũng thôi”. Cùng với sự cương quyết của chị và tấm chân tình của anh, cuối cùng, bố mẹ chị cũng đồng ý. Tháng 8-1999, mẹ anh lên nhà chị dạm ngõ. 2 ngày sau, anh nhận nhiệm vụ của đơn vị đi công tác Trường Sa. Và anh đi liền 18 tháng. Ngày đó, không có điện thoại nên 3 tháng, chị mới nhận được thư anh một lần. Sự chờ đợi đôi lúc cũng khiến chị muốn bỏ cuộc. Nhưng tình yêu chị dành cho anh quá sâu đậm, nên chị vẫn quyết định chờ anh.

Tháng 12-2000, anh quay về và tình yêu của họ mới thực đơm hoa kết trái. Nhưng khoảng thời gian bên nhau quá ngắn ngủi. Khi chị vừa biết mình có tin vui thì cũng là lúc anh lại tiếp tục nhận nhiệm vụ ra đảo công tác. Chị một mình nuôi con, còn anh nơi đảo xa thỉnh thoảng gọi điện về thăm mẹ con chị, hình dung con trai qua những lời chị kể...

5 tháng sau, anh quay về đón chị vào Cam Ranh sinh sống. Cuộc sống nơi vùng đất mới với muôn vàn khó khăn đều do chị gánh vác. 5 năm sau, anh chị lại có thêm cậu con trai thứ hai. “Đến nay, chúng tôi đã lấy nhau được 12 năm nhưng thời gian ở với nhau có lẽ chỉ được khoảng 1 năm” - anh Dũng tâm sự.

Cho đến giờ, anh Dũng không quên việc cậu con trai từ chối nhận anh làm bố! Là vì khi anh đi, con trai đầu lòng mới hơn 1 tuổi. Khi anh về thăm nhà, con đã hơn 3 tuổi. Được tin anh về, hai mẹ con gói ghém hành lý, vào đơn vị đón anh. Tàu cập cảng, anh lập tức chạy tới 2 mẹ con và giơ tay: “Khánh ơi, ba nè!”. Không chạy lại ôm ba, con anh còn chạy đi và khóc: “Không phải ba cháu, không phải ba cháu!”. Phản ứng tự nhiên của con trẻ khiến tất cả những người có mặt hôm đó đều ngậm ngùi. “Ba cháu đang ở nhà, ba cháu đang ở Trường Sa. Chú không phải là ba cháu!” - con trai anh lắc đầu nguầy nguậy. Chị Vân chia sẻ: Sở dĩ cháu bảo ba ở nhà là vì mỗi lần cháu hỏi ba, chị đều chỉ lên bức ảnh cưới của hai vợ chồng và bảo “ba đang ở đấy”. Sau hơn 3 giờ thuyết phục, anh vẫn không được cậu con trai gọi là bố. “Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in cảm giác lúc đó, chân tôi như muốn quỵ xuống. Tôi đứng ngay trước mặt nhưng cháu không nhận, cứ chỉ lên tấm hình cưới rồi nói đấy mới là ba”.

2
 

Lúc này, chị Vân mới sực nhớ, thỉnh thoảng vẫn hay kể cho con nghe về vết sẹo rất to ở cánh tay anh: “Khi nào bị lạc ba, nếu thấy ai có vết sẹo to trên tay thì đó chính là ba của con”. Anh bèn vạch tay áo lên cho con nhìn, thấy vết sẹo, nó mới ôm chầm lấy anh, khóc rất to. Chị Vân cho biết: “Là giáo viên dạy văn nên lần nào dạy đến bài “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tôi lại chảy nước mắt, nghĩ đến con mình”. Âu yếm nhìn vợ, anh Dũng chia sẻ: “Nhờ có vợ đảm đang nên tuy đi xa, nhớ gia đình nhưng tôi vẫn yên tâm công tác, tập trung huấn luyện bảo vệ biển đảo và chăn nuôi cải thiện đời sống cho anh em. Trong tôi, tình yêu gia đình luôn song hành với tình yêu biển đảo. Tôi rất biết ơn sự hy sinh của vợ”.

Chia tay Trường Sa, câu chuyện tình của người đảo trưởng càng khiến tôi thêm thấm thía và thầm cảm ơn sự hy sinh lớn lao của các anh dành cho Tổ quốc. Không chỉ các anh, mà còn có sự hy sinh thầm lặng của những người vợ, người mẹ. Các anh và gia đình đã gác lại tình riêng, gác lại những khát khao, nhu cầu của một người bình thường để cùng vì một lẽ chung, ấy là vì sự bình yên cho biển, đảo quê hương.

CẨM VÂN