02:07, 19/07/2012

Góp phần bảo vệ môi trường

Chỉ cần xách giỏ nhựa đi chợ mỗi ngày hay gói một món hàng bằng lá chuối thay cho túi nilon là đã góp phần bảo vệ môi trường.

Chỉ cần xách giỏ nhựa đi chợ mỗi ngày hay gói một món hàng bằng lá chuối thay cho túi nilon là đã góp phần bảo vệ môi trường. Với việc làm ấy, chị em phụ nữ ở Câu lạc bộ Hạn chế sử dụng túi nilon (Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang) đang âm thầm góp phần đem lại cuộc sống trong lành cho cộng đồng.

. Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Hơn 2 năm nay, chị Lê Thị Kim Yến (xã Vĩnh Phương) có thói quen xách giỏ nhựa đi chợ. Theo chị, làm như thế sẽ hạn chế được lượng túi nilon sử dụng để đựng thực phẩm. “Các loại rau, củ, quả, dầu ăn, nước mắm đóng chai, tôi đề nghị người bán hàng bỏ thẳng vào giỏ, các loại hàng khô thì bảo họ gói bằng giấy hoặc lá chuối, chỉ có thịt và các loại thực phẩm tươi sống mới bỏ vào túi nilon. Như thế, một lần đi chợ, tôi chỉ mang về vài túi nilon, vừa tiết kiệm cho người bán và bản thân mình cũng không vứt quá nhiều túi nilon vào sọt rác” - chị Yến chia sẻ.

Chị Yến cho biết, trước đây, chị cũng giống như những phụ nữ khác cứ đến chợ bằng tay không; từ bó rau, bó cải đến chai dầu, mỗi loại đều được người bán bỏ vào túi nilon. Khi về, trên xe treo lủng lẳng hơn chục túi nilon đựng đủ loại thức ăn, thậm chí có loại thực phẩm đựng tới 2 túi nilon vì sợ bẩn tay hoặc rách đổ dọc đường. Đến khi nấu ăn lại có hơn chục túi nilon cho vào sọt rác. Sống ở quê không có xe thu gom rác thải nên toàn bộ túi nilon được đổ ra vườn nhà, chôn xuống đất, thậm chí có người đổ ra các khu đất trống. Mỗi khi có cơn gió mạnh, túi nilon lại bay tứ tung… Năm 2010, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phát động phong trào hạn chế sử dụng túi nilon, chị Yến đã nhiệt tình tham gia và bắt đầu tập dần thói quen đi chợ bằng giỏ xách nhựa mỗi ngày.

“Ô nhiễm trắng” là cụm từ mà các chuyên gia nghiên cứu về ô nhiễm môi trường nhắc đến khi nói về tình trạng sử dụng túi nilon bừa bãi như hiện nay. Thế nhưng, người tiêu dùng vẫn cứ vô tư sử dụng vì sự tiện lợi của nó. Chính vì thế, việc ô nhiễm môi trường do túi nilon xảy ra khắp nơi, từ nông thôn đến thành thị. Chỉ tay về phía con sông Cái chảy qua địa phận xã, ông Trần Văn Quang - người dân xã Vĩnh Phương cho biết: “Trước đây, nhà nào cũng vô tư vứt túi nilon bừa bãi. Mùa nắng đi đâu cũng thấy túi nilon bay; còn mùa mưa, sau lũ, các bụi tre, cây dại mọc ven sông phủ một màu trắng túi nilon mắc lại trên cành, nhìn thật mất vệ sinh. Bây giờ đã đỡ hơn, vì nhiều chị em đã tham gia phong trào hạn chế sử dụng túi nilon”.

Chỉ cần xách giỏ nhựa đi chợ mỗi ngày hay gói một món hàng bằng lá chuối thay cho túi nilon là đã góp phần bảo vệ môi trường.

 Ở chợ Vĩnh Phương, nhiều người đi mua hàng bằng giỏ xách và gói hàng bằng lá chuối.

. Cùng nhau tuyên truyền vì môi trường trong lành

Chị Nguyễn Thị Huệ - người đã bán hàng tạp hóa 21 năm nay ở chợ Vĩnh Phương cho biết: “Tôi bán hàng ở đây đã lâu, nhưng từ khi tham gia Câu lạc bộ Hạn chế sử dụng túi nilon, tôi mới nhận ra lợi ích của công việc này”. Trước đây, để chiều lòng khách hàng, mỗi loại thực phẩm, chị đều đựng một túi, loại nào nặng thì đựng 2 túi để tránh bị rách. Kết thúc một ngày bán hàng, chị dùng hết từ 2 đến 3kg túi nilon các loại. Từ khi tham gia Câu lạc bộ, chị chỉ dùng hết khoảng 0,5-1kg túi nilon mỗi ngày, tiết kiệm được khá nhiều tiền khi túi nilon tăng giá như hiện nay. Lý do đơn giản là chị vừa bán hàng vừa tuyên truyền cho khách về ý nghĩa của việc hạn chế sử dụng túi nilon. Riêng bản thân chị, mỗi sáng đi bán hàng đều mang theo một giỏ xách nhựa lá chuối để gói những thứ có thể gói được bằng lá cho khách hàng. Lâu dần thành thói quen, bây giờ, khách hàng của chị đa số đi chợ bằng giỏ nhựa. Các loại thực phẩm đóng chai, gói có sẵn, chị bỏ trực tiếp vào giỏ xách cho khách hàng; một số loại thực phẩm như: cá khô, mực khô được chị gói bằng lá chuối hoặc giấy; chỉ có các loại hạt đậu, đường…, chị mới dùng đến túi nilon. “Cùng với tôi, bây giờ ở chợ Vĩnh Phương, nhiều người không phải là thành viên Câu lạc bộ Hạn chế sử dụng túi nilon cũng tham gia. Nhiều người đã mua lá chuối từ các chủ vườn để gói thực phẩm thay vì đựng bằng túi nilon. Người đi chợ cũng chia sẻ kinh nghiệm với nhau và dần ý thức được lợi ích bảo vệ môi trường, việc đi chợ bằng giỏ nhựa cũng được nhiều người hưởng ứng” - chị Huệ chia sẻ.

Theo các nhà nghiên cứu về môi trường, vòng đời của túi nilon dài đến hàng trăm năm. Vứt bỏ 1 túi nilon chỉ mất vài giây, nhưng để nó phân hủy được một cách tự nhiên phải cần đến từ 500 - 1.000 năm. Túi nilon gây ô nhiễm môi trường vì chứa các kim loại như: chì, gây tác hại lớn đến sức khỏe con người. Thế nhưng hiện nay, bên cạnh những người đang cố gắng đổi giấy vụn lấy túi thân thiện với môi trường, gấp túi giấy đựng thay túi nilon, đi chợ bằng giỏ xách, tái sử dụng túi nilon, phân loại rác thải… thì vẫn có những người thờ ơ với việc làm nhỏ mà ý nghĩa lớn này. Mỗi chúng ta hãy là người có trách nhiệm với cộng đồng, hạn chế sử dụng túi nilon mọi lúc mọi nơi, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hạn chế sử dụng túi nilon của bản thân cho nhiều người biết để cùng góp tay vào việc chống ô nhiễm môi trường vì túi nilon.

MINH THIẾT

Bà Nguyễn Thị Gõ - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Phương cho biết: Câu lạc bộ Hạn chế sử dụng túi nilon được Hội thành lập năm 2010, đến nay đã thu hút 36 thành viên tham gia, trong đó có 15 chị buôn bán tạp hóa, hàng ăn uống ở chợ, 21 chị trồng cây lấy lá. Câu lạc bộ sinh hoạt 1 lần/tháng. Mỗi thành viên Câu lạc bộ là một tuyên truyền viên tích cực về hạn chế sử dụng túi nilon trong cộng đồng thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, sinh hoạt đoàn thể, hội họp ở các thôn…