11:07, 16/07/2012

Cẩn trọng với bệnh mùa Hè ở trẻ

Theo BS Nguyễn Ngọc Huy - Phó Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, vào mùa Hè, nhiệt độ cao hơn trong năm, môi trường ô nhiễm, thời tiết khắc nghiệt cùng với sức đề kháng của trẻ còn yếu nên rất dễ mắc bệnh.

Theo BS Nguyễn Ngọc Huy - Phó Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh Khánh Hòa, vào mùa Hè, nhiệt độ cao hơn trong năm, môi trường ô nhiễm, thời tiết khắc nghiệt cùng với sức đề kháng của trẻ còn yếu nên rất dễ mắc bệnh. Thêm vào đó, mùa nóng, trẻ thường bị mất nước (nhất là những trẻ còn nhỏ không tự lấy nước uống, không biết kêu khát…). Khi thiếu nước, trẻ sẽ tiểu ít, niêm mạc miệng khô. Nếu tình trạng trên kéo dài, trẻ có thể mắc một số bệnh của mùa nắng như: viêm đường hô hấp, tiêu chảy, nhiễm trùng da, say nắng… Mùa này, trẻ thường mắc phải các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như: viêm họng cấp, viêm mũi - họng cấp, nặng hơn là viêm phế quản cấp, viêm phổi… Do nhiệt độ cao, khói bụi và nắng nóng khiến cho đường hô hấp của các cháu dễ bị nhiễm bệnh. Khi trời nóng, gia đình thường cho trẻ nằm máy lạnh liên tục, nằm quạt máy suốt đêm, tắm hồ bơi nhiều giữa trời nắng gắt, tắm hoặc ngồi trước quạt máy khi đang ướt mồ hôi, ra gió ngay khi vừa tắm xong…, vì vậy dễ làm cho lớp nhầy bảo vệ vùng hầu họng của trẻ bị khô, tạo điều kiện cho vi trùng thường trú phát triển, xâm nhập gây bệnh. Bệnh biểu hiện với các triệu chứng như: sổ mũi, sốt nhẹ, viêm họng, ho dai dẳng và nhức đầu. Khi trẻ bị viêm phế quản hay viêm phổi thường có biểu hiện sốt cao, ho, thở nhanh, khó thở… Phòng bệnh tốt nhất cho trẻ là uống đủ nước, mặc thoáng mát bằng loại vải có thể hút thấm mồ hôi, không cho quạt thổi trực tiếp vào trẻ.

Y tá Trung tâm Y tế Diên Khánh kiểm tra bệnh cho trẻ
Y tá Trung tâm Y tế Diên Khánh kiểm tra bệnh cho trẻ

Bệnh tiêu chảy cấp - tác nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn hoặc virus. Nguyên nhân của bệnh này là vào mùa nóng, thức ăn dễ ôi thiu nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao. Ngoài ra, việc ăn uống ở những hàng quán bán vỉa hè, không được che đậy cẩn thận hoặc sử dụng nước chưa nấu chín, nước đá sản xuất không sạch cũng dễ dẫn đến tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ. Triệu chứng của bệnh này là khi mắc bệnh, trẻ thường bị sốt, ói, ói ra thức ăn cũ, ói ra dịch màu vàng, màu xanh, đi tiêu 5 - 10 lần/ngày hoặc nhiều hơn. Phân lúc đầu lợn cợn, sau đó toàn nước. Khi trẻ bị tiêu chảy nhiều sẽ dẫn đến tình trạng mất nước và muối khoáng. Nếu không được điều trị kịp thời trong lúc trẻ có thể trạng suy dinh dưỡng sẽ dễ dẫn đến tử vong, do vậy cần phải bù đủ nước và ion cho trẻ bằng cách uống Oresol hoặc nước muối đường, nước cháo muối… Nếu tình trạng bệnh không cải thiện trong vòng 2 ngày hoặc trẻ bị ói mửa nhiều, sốt cao, khát nước nhiều, ăn uống kém, có máu trong phân (phân đen)…, cần đưa ngay trẻ đến BS; tuyệt đối không sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ khi không có chỉ định của BS, bởi việc uống thuốc tùy tiện sẽ gây nhiều tai biến nguy hiểm trước mắt cũng như lâu dài. Cách phòng bệnh tốt nhất là cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, uống nước đun sôi, không ăn thức ăn ôi thiu, không ăn ở các hàng quán kém vệ sinh, tập thói quen cho trẻ rửa tay trước khi ăn.

Say nắng cũng là căn bệnh trẻ hay mắc phải vào mùa Hè. Nguyên nhân là do thời tiết nóng làm cơ thể trẻ mất nước và một số muối khoáng nhưng không được bổ sung kịp thời, nhất là khi trẻ chạy nhảy, đá banh… ngoài trời nắng. Biểu hiện của trẻ bị sốc nắng là sốt, da khô không có mồ hôi, mệt, choáng váng, nhức đầu, buồn nôn, môi khô, đòi uống nước nhiều; nếu không được xử lý kịp thời có thể nguy hiểm cho sức khỏe. Khi trẻ bị sốc nắng, cần đưa ngay vào nơi mát, cởi áo cho thoáng và lau mát cho trẻ, không nên tìm mọi cách hạ nhiệt nhanh cho trẻ bằng nước lạnh, nước đá, vì khi da gặp lạnh, các lỗ chân lông thu hẹp lại sẽ khó tản nhiệt. Nên cho trẻ uống nước có nhiều khoáng chất như: nước muối đường hoặc pha nước oresol, hydrite (còn gọi là nước biển khô) cho trẻ uống. Khi trẻ phục hồi cần theo dõi tiếp, nếu không bớt, thân nhiệt trẻ vẫn sốt cao thì cần đưa ngay trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để tránh co giật. Cách phòng bệnh là không cho trẻ chơi dưới nắng quá lâu; tắm rửa, vệ sinh thân thể thường xuyên cho trẻ, nên tắm nước ấm vừa phải, không nên tắm ngay khi trẻ vừa đi nắng về, khi đang đổ mồ hôi.

Viêm não và sốt xuất huyết là hai bệnh mùa Hè đáng ngại nhất, bởi chúng đều liên quan đến muỗi và có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn. Đối với bệnh sốt xuất huyết, trẻ thường sốt cao 39 - 400C liên tục trong 2 - 3 ngày, đến ngày thứ 3, 4 có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu dưới da, nặng hơn nữa có thể nôn ra máu, đi tiểu ra máu. Người nhà bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu nặng như: vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít hoặc không tiểu… để sớm đưa trẻ đi cấp cứu. Trong sốt xuất huyết, lúc nhiệt độ giảm cũng là lúc trẻ bị sốc, trụy tim mạch, rất nguy hiểm. Để phòng bệnh, nơi trẻ ngủ phải có màn, nơi trẻ ở không để nước tù đọng, bụi rậm quá nhiều. Bệnh viêm não có triệu chứng không đặc hiệu như: trẻ có thể sốt nhẹ hoặc cao, có khi không sốt, sau đó xuất hiện các triệu chứng li bì, co giật, hôn mê…

THI CA