10:06, 15/06/2012

Xóa độc quyền

Ai cũng biết, điện là loại hàng hóa đặc biệt, có tác động sâu sắc, rộng lớn đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội. Sau 7 năm thực hiện Luật Điện lực, đến nay, thị trường điện lực chủ yếu vẫn là độc quyền; nguồn điện cung cấp thường xuyên thiếu hụt so với nhu cầu...

Ai cũng biết, điện là loại hàng hóa đặc biệt, có tác động sâu sắc, rộng lớn đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội. Sau 7 năm thực hiện Luật Điện lực, đến nay, thị trường điện lực chủ yếu vẫn là độc quyền; nguồn điện cung cấp thường xuyên thiếu hụt so với nhu cầu; quyền lợi của người tiêu thụ chưa được bảo đảm một cách vững chắc… Sự độc quyền tạo cho ngành điện một vị thế “nắm đằng chuôi”. Trong hầu hết trường hợp, người tiêu thụ luôn chịu thiệt thòi.

Từ thực tế đó, một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại kỳ họp thứ 3 này là phải xác định rõ lộ trình xóa bỏ độc quyền của ngành điện trong Luật Điện lực (sửa đổi) theo hướng rút ngắn thời gian xóa bỏ độc quyền, không để tình trạng độc quyền kéo dài thêm nữa. Muốn vậy, phải đưa vào luật, xác định cụ thể lộ trình ngành điện đi vào cạnh tranh thực sự; xác định rõ trách nhiệm ngành Công Thương trong thực hiện lộ trình ấy. Luật Điện lực sửa đổi cần phải có những quy định cụ thể hơn để sớm có một thị trường điện cạnh tranh minh bạch. Tiếp đó là xác định rõ lộ trình giá điện theo cơ chế thị trường. Hiện nay, người dân chưa thấy rõ sự minh bạch trong việc hình thành giá điện đang áp dụng, chưa thực sự yên tâm giá điện đã được tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường.

Hiện nay, sản lượng điện cung cấp tăng hàng năm xấp xỉ 10% nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của sản xuất, sinh hoạt. Do đó, song song các công việc nhằm hình thành một thị trường điện lực, công tác quy hoạch phát triển, cả sản xuất lẫn truyền tải, phân phối điện phải được chú trọng một cách đúng mức, huy động được sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế để nâng cao năng lực, chất lượng cấp điện.

Câu chuyện về xóa bỏ độc quyền trong ngành điện đang được xã hội quan tâm sâu sắc. Bởi có làm được như vậy, chất lượng nguồn điện mới được nâng cao; và, quan trọng hơn mối quan hệ giữa kẻ mua - người bán sẽ được xác lập trên nền tảng khách quan, công bằng. Có nghĩa là quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện sẽ được bảo đảm tốt hơn.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII sáng 14-6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải bày tỏ quyết tâm rất cao của Chính phủ trong việc xây dựng và thực hiện lộ trình xóa bỏ độc quyền ngành điện; từng bước hình thành thị trường điện lực trên cơ sở giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong sản xuất, truyền tải, phân phối cũng như sử dụng điện.

Đẩy nhanh tiến độ các công việc nói trên sẽ từng bước khắc phục những điểm yếu của ngành điện hiện nay; sớm xây dựng ngành công nghiệp điện năng vững mạnh, đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

PHONG NGUYÊN