Lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền chưa phát huy hiệu quả… khiến cho quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã Cam Tân (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) gặp nhiều khó khăn.
Lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền chưa phát huy hiệu quả… khiến cho quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở xã Cam Tân (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, xã mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới…
. 13/19 tiêu chí chưa đạt chuẩn
Theo bà Trần Thị Lệ Huyền - Chủ tịch UBND xã Cam Tân, đến thời điểm này, xã mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí XDNTM mới gồm: Điện, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa và an ninh trật tự. Từ nay đến năm 2015, xã còn rất nhiều hạng mục và công trình cần khẩn trương thực hiện. Đến thời điểm này, hệ thống đường giao thông nhiều nơi trên địa bàn xã chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Đường vào một số khu dân cư vẫn còn lầy lội vào mùa mưa, đường nội đồng chưa bê tông hóa. Hệ thống thủy lợi mới tạm đáp ứng nhu cầu phục vụ tưới tiêu, nhiều nơi chưa có hệ thống thoát lũ. 1 trường mẫu giáo chưa đạt chuẩn quốc gia, 3 trường học (trung học cơ sở, tiểu học, mẫu giáo) đều chưa có tường rào. Toàn xã còn 22 nhà tạm, dột nát; thiếu khu thể thao và sân chơi. Chất thải, nước thải ở nhiều khu vực chưa được thu gom và xử lý theo quy định. Hệ thống chợ hoạt động không hiệu quả; đường vào chợ chưa được bê tông hóa. Đặc biệt, đời sống, thu nhập của người dân còn quá thấp…
Để thuận tiện buôn bán, nhiều tiểu thương không vào trong chợ Cam Tân mà bán hàng ở xung quanh chợ. |
Theo lãnh đạo xã, trong số 13 tiêu chí chưa đạt chuẩn, tiêu chí thu nhập bình quân đầu người là khó hoàn thành nhất. Bởi, Cam Tân là xã thuần nông với 85% dân số làm nông nghiệp (chủ yếu trồng lúa, mía…), đời sống rất bấp bênh. Mức thu nhập bình quân hiện chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm.
Để hoàn thành tiêu chí thu nhập như quy định không phải là việc có thể làm trong một sớm, một chiều, đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực từ chính quyền địa phương cũng như ý thức của mỗi người dân trong tìm kiếm việc làm, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện tại, chính quyền cơ sở vẫn chưa có định hướng rõ ràng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương. Bà Trần Thị Lệ Huyền cho biết: “Hiện tại, địa phương vẫn không biết chuyển đổi cơ cấu kinh tế như thế nào cho phù hợp. Thời gian qua, xã có triển khai một số giải pháp, trong đó phối hợp với các đơn vị mở một số lớp đào tạo nghề cho bà con, tuy nhiên không mang lại hiệu quả”.
. Thiếu tuyên truyền, vận động: người dân chưa vào cuộc
Bên cạnh những thuận lợi của xã chọn làm điểm triển khai XDNTM, xã Cam Tân cũng gặp phải nhiều lực cản, trong đó có việc huy động sự vào cuộc của quần chúng nhân dân. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đa số người dân nơi đây không hiểu hoặc hiểu rất mơ hồ về chương trình XDNTM. Đề cập đến vấn đề này, bà Đoàn Thị Hải (thôn Vinh Bình, xã Cam Tân) nói: “Dân lao động như chúng tôi lo cái ăn chưa xong, lấy đâu lo chuyện nông thôn mới. Tôi không hiểu nông thôn mới là gì và cũng không nghe ai nhắc đến vấn đề này”.
Trong khi người dân chưa hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc XDNTM thì trình độ, năng lực của cán bộ xã lại còn nhiều hạn chế. Điều này khiến quá trình triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới ở xã còn nhiều lúng túng; công tác tuyên truyền về nông thôn mới chưa phát huy hiệu quả. Bà Lệ Huyền chia sẻ: “Cũng như nhiều địa phương khác, việc triển khai XDNTM đối với xã còn rất mới mẻ. Cam Tân là xã điểm của huyện thực hiện chương trình nên mục tiêu đặt ra phải đạt tất cả các tiêu chí trước năm 2015. Tuy nhiên, cán bộ cơ sở lại không được tập huấn một cách bài bản về chương trình này nên khó tránh khỏi những vướng mắc phát sinh. Mặt khác, hiện nay, nguồn kinh phí đầu tư cho chương trình XDNTM ở xã còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Để có thể đẩy nhanh tiến độ XDNTM, chính quyền cấp trên cần quan tâm xem xét những khó khăn của địa phương”.
ĐĂNG KHOA