Kể từ ngày 1-7-2012, tất cả các xe kinh doanh vận tải (KDVT) hành khách (HK) trên tuyến cố định có cự ly từ 300km trở lên, xe buýt, xe KDVT HK hợp đồng, KDVT hàng hóa bằng container đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) theo Nghị định 91 của Chính phủ.
Kể từ ngày 1-7-2012, tất cả các xe kinh doanh vận tải (KDVT) hành khách (HK) trên tuyến cố định có cự ly từ 300km trở lên, xe buýt, xe KDVT HK hợp đồng, KDVT hàng hóa bằng container đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) theo Nghị định 91 của Chính phủ. Tại Khánh Hòa, việc lắp hộp đen đang được các doanh nghiệp (DN) KDVT HK thực hiện theo đúng lộ trình quy định của Chính phủ. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 600/999 xe đã lắp hộp đen.
. Hơn 60% xe được lắp hộp đen
Toàn tỉnh hiện có 124 DN, Hợp tác xã (HTX) KDVT HK và vận tải hàng hóa bằng container với khoảng 999 phương tiện phải lắp hộp đen; trong đó 200 xe container, 175 ô tô vận tải khách theo tuyến cố định trên 300km, 72 xe buýt và 552 xe chạy hợp đồng, xe du lịch. Thực hiện lộ trình quy định của Chính phủ, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản gửi các đơn vị, DN, HTX KDVT yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện việc lắp hộp đen cho xe. Đến nay, có gần 600/999 xe đã lắp đặt hộp đen; trong đó xe vận tải khách tuyến cố định từ trên 300km trở lên và xe vận chuyển khách hợp đồng, du lịch cơ bản đã lắp đặt hộp đen. Riêng xe container là loại xe thuộc đối tượng bắt buộc phải lắp hộp đen nhưng hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có trên 10 xe/200 xe lắp thiết bị này. Theo ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở GTVT, sở dĩ xe container ít lắp hộp đen vì trong khái niệm vận tải không có xe container mà container thực chất là một loại hàng hóa. Vì vậy, chỉ khi nào đơn vị KDVT hàng hóa bằng container thì mới thuộc diện phải lắp đặt, còn khi xe không gắn container thì lại không bị bắt buộc. Chính vì thế, nhiều DN vẫn chưa mặn mà với việc lắp đặt hộp đen cho loại phương tiện này. Hiện Sở GTVT chỉ có thể vận động các DN tự giác lắp đặt hộp đen cho xe chứ không có chế tài bắt buộc. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường hậu kiểm, nếu phát hiện xe vận tải hàng hóa bằng container vi phạm sẽ có chế tài xử phạt. Ông Dần cho biết: “Toàn tỉnh hiện vẫn còn gần 400 xe thuộc diện phải lắp hộp đen nhưng chưa thực hiện. Chúng tôi đang yêu cầu các đơn vị thực hiện theo đúng lộ trình quy định của Chính phủ. Hiện các xe chưa lắp chủ yếu là xe buýt, xe đưa đón công nhân và xe container. Tuy Chính phủ quy định đến ngày 1-7-2013 mới bắt đầu xử phạt phương tiện không lắp hộp đen nhưng các đơn vị vận tải vẫn phải lắp đặt hộp đen theo lộ trình. Bởi, DN muốn cấp giấy phép kinh doanh và phù hiệu phải chứng minh đã lắp đặt hộp đen cho xe. Đồng thời, các trung tâm đăng kiểm cũng không kiểm định cho ô tô đã tới thời hạn vào kiểm định nhưng chưa lắp đặt hộp đen. Vì vậy, nếu xe lưu thông trên đường không bị phạt vì chưa lắp hộp đen thì cũng bị phạt vì không đủ tiêu chuẩn lưu hành”.
. Thiết bị có phát huy tác dụng?
Hầu hết các xe chạy tuyến cố định trên 300km đều đã lắp hộp đen. |
Có thể nói, việc quy định các đơn vị KDVT khách phải lắp hộp đen cho xe phần nào sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu tư ban đầu của các DN, nhưng không thể phủ nhận lợi ích mà nó mang lại cho DN trong việc quản lý người lái, hành trình và các chỉ số an toàn, quyền lợi cho HK đi xe. Ngoài các tính năng cơ bản như quản lý tốc độ, hành trình, nơi đi, đến, số lần đóng mở cửa xe, thời gian lái xe liên tục của tài xế, hộp đen còn giúp DN kiểm soát được lái xe chạy sai hành trình, có đón khách dọc đường hoặc chạy quá 4 giờ liên tục hay không…
Ông Lê Ngọc Hải - Giám đốc Chi nhánh Nha Trang (Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ du lịch Phương Trang) cho biết: “Hiện công ty đã lắp đặt xong hộp đen cho cả xe vận chuyển khách theo tuyến cố định và xe vận chuyển khách bằng xe buýt. Việc lắp hộp đen không chỉ giúp DN nâng cao hiệu quả quản lý mà còn nâng cao tinh thần trách nhiệm của lái phụ xe trong việc chấp hành tốt hành trình chạy xe, Luật Giao thông đường bộ, thời gian mở cửa…”. Theo ông Nguyễn Văn Dần, việc lắp hộp đen cho xe được các DN thực hiện khá tốt nhưng hiệu quả phát huy tác dụng của hộp đen tại một số DN chưa cao; nhất là các mô hình kinh doanh nhỏ lẻ như HTX, công ty cổ phần. Trên thực tế, trừ một số DN quy mô lớn có nhu cầu tự thân sử dụng thiết bị giám sát hành trình trong công tác quản lý điều hành, còn đa số DN nhỏ hiện nay đang lắp đặt theo kiểu đối phó với cơ quan quản lý nhà nước. Họ không mấy chú trọng đến hiệu quả giám sát hành trình, tốc độ phương tiện, người lái…
“Có thể nói, việc lắp đặt hộp đen được xem như một biện pháp đẩy lùi vi phạm, tai nạn giao thông và mang lại lợi ích trực tiếp cho DN và HK, nhưng liệu các DN có khai thác hết tính năng của thiết bị hay không. Về phía Sở, chúng tôi chỉ quản lý các đơn vị lắp hộp đen hay không, còn hiệu quả sử dụng thì rất khó và cũng chưa có quy định xử phạt. Tuy nhiên, chúng tôi đã chỉ đạo Phòng GTVT của Sở xem xét đánh giá hiệu quả của chương trình để báo cáo Bộ GTVT” - ông Dần cho biết.
KHÁNH HÀ