Khánh Hòa là 1 trong 28 tỉnh, thành ven biển được hỗ trợ Dự án Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh (gọi tắt là Dự án Movimar) từ nguồn vốn ODA do Cộng hòa Pháp tài trợ.
Khánh Hòa là 1 trong 28 tỉnh, thành ven biển được hỗ trợ Dự án Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh (gọi tắt là Dự án Movimar) từ nguồn vốn ODA do Cộng hòa Pháp tài trợ. Đây là cơ hội mới giúp ngư dân bám biển, vươn khơi an toàn, góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Việt Nam có hơn 3.200km bờ biển, hơn 1 triệu km2 diện tích mặt nước biển và hàng ngàn đảo lớn, nhỏ nên tiềm năng về kinh tế biển rất lớn. Tuy nhiên, đội tàu khai thác thủy sản còn lạc hậu, hệ thống thông tin liên lạc trên tàu chủ yếu sử dụng thiết bị vô tuyến, khi có thời tiết xấu khó đảm bảo thông tin thông suốt. Hơn thế, việc quản lý của các cơ quan Nhà nước đối với tàu cá cũng rất khó khăn; khi muốn biết vị trí tàu ở đâu phải hỏi tọa độ, nhưng cũng không dễ dàng vì ngư dân còn có tâm lý giấu ngư trường. Do đó, công tác tìm kiếm, cứu hộ và quản lý tàu cá gặp nhiều bất lợi.
Trước tình hình đó, yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc tàu cá nhằm chủ động cảnh báo, kịp thời ứng phó các tai nạn, rủi ro trên biển, cứu hộ, cứu nạn, tăng cường hỗ trợ ngư dân hoạt động trên biển (theo Quyết định 1690 của Thủ tướng Chính phủ) được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Dự án Movimar nằm trong chủ trương này. Đây là Dự án ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Pháp triển khai trong 3 năm (2011 - 2013) từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ dự án. Công ty CLS trực thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Pháp, đơn vị đi đầu trong lĩnh vực công nghệ thiết bị thông tin liên lạc vệ tinh là nhà cung cấp toàn bộ thiết bị cho dự án. Công ty Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (Vishipel) chịu trách nhiệm lắp đặt và tư vấn miễn phí cho các đội tàu đánh bắt xa bờ. Dự án ra đời nhằm hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý nghề cá hiện đại, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Thủy sản Việt Nam; quản lý các hoạt động khai thác thủy sản an toàn, hiệu quả, đảm bảo trật tự, an ninh, góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam. Việc lắp đặt thiết bị cho tàu cá sẽ cung cấp đến ngư dân những thông tin quan trọng về thời tiết, cảnh báo hiện tượng thời tiết nguy hiểm, giúp ngư dân chủ động, đề phòng và thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Không những thế, các cơ quan chức năng ở đất liền còn có thể chủ động, liên tục theo dõi vị trí, tọa độ chính xác của tàu, hỗ trợ thông tin tốc độ, hướng đi của tàu, giúp tàu xác định được vùng đánh cá thuận lợi…
Cơ sở của Dự án Movimar là hệ thống định vị vệ tinh gồm 2 thành phần chính: thiết bị vệ tinh lắp đặt trên tàu và hệ thống thám sát trên bờ. Thiết bị vệ tinh trên tàu có chức năng truyền tự động tọa độ và thời gian từ tàu về trung tâm giám sát liên tục 2 giờ/lần. Trung tâm nhận tín hiệu, tách tín hiệu chuyển vào máy tính và lưu trữ vào bản đồ số. Dữ liệu này giúp trung tâm nắm bắt được thông tin về tốc độ và hướng đi của tàu cá thông qua ảnh chụp từ vệ tinh; hỗ trợ tàu trong trường hợp khẩn cấp; trợ giúp ngư dân khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản. Hệ thống định vị vệ tinh còn xác định vùng biển nào đang nguy hiểm, có bão để định hướng cho tàu vào bờ hoặc đến nơi tránh trú an toàn. Bên cạnh đó, hệ thống còn cung cấp các thông tin về thời tiết, bảo vệ nguồn lợi tự nhiên, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ…
Ngoài việc triển khai lắp đặt thiết bị cho 3.000 tàu cá của 28 tỉnh, thành ven biển cả nước, Dự án còn xây dựng 3 trung tâm vận hành cơ sở dữ liệu và xử lý ảnh viễn thám về khí tượng thủy văn, hải dương học nghề cá gồm: Trung tâm Điều khiển tích hợp thông tin (Trung tâm THEMIS) tại Hà Nội; 2 trung tâm giám sát, hỗ trợ tại Hải Phòng và Vũng Tàu.
Ông Võ Quang Khá - Giám đốc Đài Thông tin Duyên hải Nha Trang (trực thuộc Vishipel) cho biết: Đây là dự án đem lại nhiều lợi ích cho ngư dân cũng như các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Qua việc xác định tín hiệu số từ vệ tinh, thông tin tương tác 2 chiều, cơ quan quản lý biết được tọa độ, vị trí của tàu để hướng dẫn tàu tránh trú bão hoặc hiện tượng thời tiết nguy hiểm, đồng thời chỉ ra các khu vực dồi dào sản lượng thủy sản để giúp ngư dân đánh bắt có hiệu quả. Thông qua đó, các cơ quan Nhà nước trợ giúp cứu hộ, cứu nạn, hướng dẫn hàng hải; đồng thời quản lý nguồn lợi thủy sản theo hướng tích cực…
QUANG VIÊN
Tại Khánh Hòa, Dự án hỗ trợ lắp đặt và tư vấn miễn phí cho 120 tàu cá đánh bắt xa bờ có công suất từ 90 cv trở lên