05:06, 05/06/2012

Thiếu vi chất dinh dưỡng - trẻ dễ bị thấp, còi

 

Sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng (VCDD) ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ và sự tăng trưởng, phát triển của trẻ. Ngược lại, trẻ suy dinh dưỡng có nguy cơ thiếu VCDD và thiếu máu. Chính vì thế, với trẻ em việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể phát triển đóng vai trò rất quan trọng. 

 

Sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng (VCDD) ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ và sự tăng trưởng, phát triển của trẻ. Ngược lại, trẻ suy dinh dưỡng có nguy cơ thiếu VCDD và thiếu máu. Chính vì thế, với trẻ em việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể phát triển đóng vai trò rất quan trọng.

Thạc sĩ, bác sĩ (Th.S,BS) Trần Thị Tuyết Mai - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, VCDD bao gồm các vitamin tan trong nước như vitamin nhóm B, C. Các vitamin tan trong chất béo là vitamin A, D, E, K. Các chất khoáng như sắt, kẽm, i-ốt, đồng, mangan, magiê. Tuy các vi chất này không cung cấp năng lượng nhưng lại không thể thiếu đối với sự phát triển bình thường của cơ thể. Trong đó, vitamin A, sắt, i-ốt, kẽm là những vitamin và khoáng chất mà trẻ rất dễ bị thiếu, ngay cả trẻ không bị suy dinh dưỡng. Chính vì thế, để đề phòng thiếu VCDD cho trẻ,  đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi cần phải cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn (không cho trẻ ăn uống bất cứ thức ăn, nước uống nào khác), Với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên cần cho trẻ ăn bổ sung thức ăn phù hợp với lứa tuổi của trẻ cả về hình thức và số lượng bữa ăn. Bắt đầu tập ăn nên cho trẻ ăn bột rồi đến cháo, cơm. Số bữa và số lượng mỗi bữa tăng dần theo tuổi. Người nuôi dưỡng trẻ cần cho trẻ ăn đa đạng thực phẩm, nhất là phải đủ 4 nhóm thực phẩm chính: Nhóm giàu chất đạm (thịt các loại, hải sản các loại, trứng các loại...), nhóm giàu vitamin và khoáng chất (rau củ quả các loại), nhóm giàu chất béo (dầu ăn, mỡ động vật, đậu phụng, mè..), nhóm tinh bột (gạo, bột mì, khoai, củ mì….). Nên tận dụng các nguồn thực phẩm sẵn có rẻ tiền ở địa phương để chế biến thức ăn cho trẻ như hải sản các loại, trứng cút, trứng gà, trái cây, rau, củ, quả… Đối với trẻ trên 2 tuổi nên tẩy giun cho trẻ 6 tháng một lần. Cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm sẽ phòng được thiếu máu cho trẻ, thiếu vitamin A và các VCDD khác.

Theo các bác sĩ chuyên về dinh dưỡng, các VCDD đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của trẻ, trong đó Vitamin A cần cho sự tăng trưởng, giúp sáng mắt, tăng cường hệ thống miễn dịch. Thiếu vitamin A sẽ gây quáng gà, nặng hơn là khô mắt, loét giác mạc gây mù lòa. Thiếu vitamin A còn làm cho trẻ bị chậm tăng trưởng, dễ bị các bệnh nhiễm trùng như viêm hô hấp, tiêu chảy, nhiễm trùng da. Kẽm là thành phần của hơn 300 enzym tham gia các hoạt động của cơ thể như tăng hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm, tăng cảm giác ngon miệng, làm mạnh hệ thống miễn dịch, giúp trẻ tăng trưởng chiều cao. Thiếu kẽm sẽ làm cho trẻ thấp còi, biếng ăn, dễ mắc bệnh. Thực phẩm giàu kẽm gồm sò, củ cải, đậu Hà Lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà. Vitamin C tham gia vào quá trình hình thành collagen, kích thích sự hấp thu sắt bởi ruột non. Thiếu vitamin C sẽ dẫn đến hiện tượng lợi sưng, dễ chảy máu, vòm miệng và lưỡi có nhiều mụn nhiệt, dễ ốm vặt. Trẻ hay mệt mỏi khi hoạt động. Chất này có nhiều trong cam, quýt, bưởi, ổi chín, rau cải, rau muống, rau ngót. Vitamin D và canxi có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển xương và răng. Thiếu vitamin D và canxi sẽ dẫn đến chậm mọc răng, ngủ không yên giấc, hay vặn mình, ra nhiều mồ hôi trộm nhất là ở phần đầu, tóc rụng thành một vành sau gáy. Canxi có nhiều trong tôm, cua, trai, ốc, pho mát. Vitamin D được cung cấp chủ yếu qua việc cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng, qua các thực phẩm như dầu cá, trứng, gan. Vitamin B có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng, tạo máu và tính toàn vẹn của hệ thần kinh. Thiếu vitamin B sẽ dẫn đến phù nề, dễ mọc mụn nhiệt quanh vòm miệng, da tay chân nóng và dễ viêm, dễ rối loạn tiêu hóa, hay nôn, chán ăn, tinh thần không phấn chấn. Vitamin B có nhiều trong các loại ngũ cốc nguyên cám, đậu đỗ, thịt gà, rau lá xanh thẫm, chuối, lê, sữa, pho mát…. Vi chất không tự sinh ra trong cơ thể. Chính vì thế, để trẻ không thiếu vi chất, cách duy nhất theo các chuyên gia dinh dưỡng là phụ huynh phải cung cấp đa đạng thực phẩm cho bé. Phụ huynh nên sử dụng các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng tự nhiên…Tuy nhiên, phải chú ý đến việc chế biến, lưu trữ thực phẩm, bởi nếu sử dụng không đúng cách sẽ làm mất đi lượng lớn vitamin và khoáng chất như: rau bị héo, trái cây không còn tươi sẽ mất nhiều vitamin C, gạo càng trắng càng ít vitamin B1, thức ăn nấu quá kỹ vitamin C sẽ không còn…

Th.s,BS Trần Thị Tuyết Mai cho biết, hưởng ứng ngày VCDD, ngày 1 và 2-6 tại các trạm y tế xã, phường trên toàn tỉnh đã tổ chức uống vitamin A cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi... Ngoài ra, góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, từ năm 2011, Sở Y tế đã phối hợp triển khai 45 phòng tư vấn ‘‘Mặt trời bé thơ’’ để tư vấn cho các bà mẹ về cách nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Các phòng tư vấn này được đặt tại: Trung tâm Bảo vệ sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Đội Bảo vệ bà mẹ trẻ em và ở các trạm y tế của một số xã, phường thuộc 3 huyện, thành phố: Diên Khánh, Nha Trang và Cam Ranh. Phụ huynh có thể đến các phòng tư vấn này để được hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, hoặc có thể vào các trang web: http://viendinhduong.vn; hoặc http://mattroibetho.vn.

THẢO LY