11:06, 21/06/2012

Sự ủng hộ của chính quyền và người dân là động lực thôi thúc chúng tôi dấn thân

Tại giải báo chí Khánh Hòa năm 2012, có 2 tác phẩm đạt giải nhất. Đó là loạt phóng sự điều tra “Khánh Sơn - lâm tặc lộng hành đến bao giờ?” của nhóm tác giả Đình Lâm - Nhân Tâm (Báo Khánh Hòa); “Muốn ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi và Gửi lòng ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi” của nhà báo Đình Quân (Báo Tiền Phong). Nhân dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, mời bạn đọc cùng lắng nghe các tác giả tâm sự về chuyện nghề, chuyện đời…

 

Tại giải báo chí Khánh Hòa năm 2012, có 2 tác phẩm đạt giải nhất. Đó là loạt phóng sự điều tra “Khánh Sơn - lâm tặc lộng hành đến bao giờ?” của nhóm tác giả Đình Lâm - Nhân Tâm (Báo Khánh Hòa); “Muốn ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi và Gửi lòng ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi” của nhà báo Đình Quân (Báo Tiền Phong). Nhân dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam , mời bạn đọc cùng lắng nghe các tác giả tâm sự về chuyện nghề, chuyện đời…

Phóng viên Đình Lâm (bìa trái) bên cột cột mốc chủ quyền tại Trường Sa.
Phóng viên Đình Lâm (bìa trái) bên cột cột mốc chủ quyền tại Trường Sa.

Nhà báo Đình Lâm:

Sự ủng hộ của chính quyền và người dân là động lực thôi thúc chúng tôi dấn thân

Vào tháng 8-2011, nguồn tin ở cơ sở cho biết trên địa bàn huyện Khánh Sơn đang diễn ra tình trạng chặt phá rừng với quy mô lớn. Lãnh đạo xã và huyện đã vào cuộc nhưng vẫn không thể xử lý dứt điểm vì có liên quan đến một số cán bộ tiếp tay cho hành động trên. Ngay sau khi nhận được thông tin sơ bộ và được sự chỉ đạo của Ban Biên tập, chúng tôi đã bắt tay vào công việc điều tra, làm rõ vụ việc trên. Sau nhiều ngày bám sát địa bàn, thâm nhập thực tế, chúng tôi đã nắm được những thông tin cần thiết phục vụ cho loạt bài phản ánh nạn phá rừng ở Khánh Sơn. Khi tiến hành viết loạt bài điều tra này, chúng tôi cũng có những sự băn khoăn nhất định, bởi đây là đề tài đã có rất nhiều các thế hệ phóng viên Báo Khánh Hòa thực hiện, song hiệu quả mang lại vẫn chưa được như trông đợi của độc giả và tình trạng phá rừng vẫn liên tiếp xảy ra trong những năm qua. Trước một sự việc phức tạp, diễn ra trong một khoảng thời gian dài, gây nhiều bức xúc trong dư luận, chúng tôi quyết tâm phải thực hiện loạt bài này một cách triệt để, nhiều chiều. Đặc biệt, vụ việc này có liên quan đến một số cán bộ ở Khánh Sơn, nên khi viết bài, chúng tôi càng phải cẩn trọng để giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn sát thực hơn về sự việc. Thật may mắn, sau khi loạt bài được đăng tải, Báo Khánh Hòa đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền các cấp cũng như đông đảo người dân. Mới đây, Tỉnh ủy đã có quyết định kỷ luật đối với cá nhân sai phạm trong việc phá rừng ở Khánh Sơn. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy việc làm của mình đã đem lại những hiệu quả nhất định cho xã hội. Và đó chính là nguồn động lực thôi thúc chúng tôi dấn thân vào nghiệp báo mà bản thân đã lựa chọn.

N.T (Ghi)

Nhà báo Nguyễn Đình Quân (thứ 2 từ trái sang) giao lưu với quân dân xã đảo Sinh Tồn trong lần thứ 3 đến Trường Sa.
Nhà báo Nguyễn Đình Quân (thứ 2 từ trái sang) giao lưu với quân dân xã đảo Sinh Tồn trong lần thứ 3 đến Trường Sa.

Nhà báo Nguyễn Đình Quân:

Mong người thân liệt sĩ Võ Đình Tuấn được ra nơi sóng cuốn anh đi

Trước luận điệu cho rằng, Nhà nước Việt Nam giấu giếm việc Trung Quốc chiếm đóng đảo Gạc Ma, tháng 3-2009, tôi chụp ảnh toàn bộ các bài trên báo Nhân Dân ra tháng 3-1988 và tháng 4-1988 về những sự kiện diễn ra trước, trong và sau ngày 14-3-1988 ở quần đảo Trường Sa đưa lên blog của tôi. Ngày 14-3-2009, tôi đưa danh sách 74 người lính Hải quân được cho là mất tích ngày 14-3-1988 ở khu vực các đảo: Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao đăng trên báo Nhân Dân ngày 28-3-1988, trong đó có liệt sĩ Võ Đình Tuấn (ở xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Ngày 12-1-2011, tôi đã “hóa vàng” lá thư của cụ Võ Ta gửi con trai - liệt sĩ Võ Đình Tuấn tại lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988, được tổ chức ở chính nơi các anh đã quên mình vì đất nước. Bài “Gửi lòng thành vào sóng nước Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao” trên blog của tôi có ảnh liệt sĩ Võ Đình Tuấn. Khi tìm kiếm thông tin về anh Tuấn, chị Nguyễn Thị Dung đã đọc bài đó và để lại những dòng tâm sự khiến tôi gai người… Mạch cảm xúc của bài “Muốn ra nơi sóng cuốn Tuấn đi” đăng trên báo Khánh Hòa khởi đầu từ đó. Và mong sao, những người thân của liệt sĩ Võ Đình Tuấn và chị Dung được ra nơi sóng cuốn anh đi. Ở biển Trường Sa, hương hồn anh Tuấn và các liệt sĩ đang đau đáu ngóng chờ…