09:06, 13/06/2012

Rèn nét chữ, luyện tính người

“Chữ viết cũng là một sự biểu hiện của nét người. Dạy học sinh viết đúng, viết cẩn thận, viết đẹp là góp phần rèn luyện cho các em tính cẩn thận, tính kỷ luật…”. Những dòng chữ này được đặt trang trọng tại phòng luyện chữ đẹp của Trung tâm Luyện chữ đẹp Nét Việt (26 Bạch Đằng, TP. Nha Trang).

“Chữ viết cũng là một sự biểu hiện của nét người. Dạy học sinh viết đúng, viết cẩn thận, viết đẹp là góp phần rèn luyện cho các em tính cẩn thận, tính kỷ luật…”. Những dòng chữ này được đặt trang trọng tại phòng luyện chữ đẹp của Trung tâm Luyện chữ đẹp Nét Việt (26 Bạch Đằng, TP. Nha Trang).

Lớp học nhiều lứa tuổi

Tọa lạc trên đường Bạch Đằng (TP. Nha Trang), lớp học viết chữ đẹp Nét Việt do cô giáo Nguyễn Thị Nhật Diễm phụ trách là địa chỉ quen thuộc của nhiều giáo viên, học sinh, sinh viên… Tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh, nhưng niềm đam mê nét đẹp của những con chữ từ thời sinh viên đã thôi thúc chị đi học luyện chữ và mở lớp dạy chữ đẹp.

Đến trung tâm luyện chữ đẹp của chị, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp hình ảnh những cô, cậu học trò cách biệt lớn về tuổi tác ngồi nắn nót từng nét bút. Trong căn phòng rộng khoảng 10m2, giữa các học sinh tiểu học, bạn Nguyễn Nhật Thoa - sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Nha Trang vẫn say mê luyện từng nét thanh, nét đậm. Thoa tâm sự: “Ngoài mong muốn có nét chữ đẹp để viết đơn xin việc, em học luyện chữ để tự tin hơn khi viết lách. Tuy mới học được vài buổi nhưng em thấy cách dạy của cô giáo cũng thú vị”. Với mức học phí vừa phải (từ 250 đến 300 ngàn đồng/tháng), mỗi lớp học của chị Diễm nhận tối đa 14 học sinh với 2 giáo viên hướng dẫn. Với lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm, giáo viên ở đây dần chiếm được cảm tình của các bậc phụ huynh và học sinh. Bé Diệp Lê Khanh (học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Phước Tiến) nói: “Con học ở Trung tâm Luyện chữ đẹp Nét Việt gần 1 năm. Ở đây, các cô hướng dẫn tận tình, con rất thích”.

Lớp học luyện chữ đẹp tại Trung tâm Luyện chữ đẹp Nét Việt.

Đến các trung tâm luyện chữ đẹp ở TP. Nha Trang, chúng tôi được biết học viên của các trung tâm gồm nhiều thành phần, lứa tuổi, từ học sinh, sinh viên, viên chức đến các bà nội trợ. Mỗi người đều có nhu cầu học hỏi những kỹ năng, kiến thức cơ bản khi viết. Tuy có 2 con nhỏ nhưng chị Thiều Thị Thu Hằng (30 tuổi, đường Mai Xuân Thưởng, TP. Nha Trang) vẫn dành thời gian đến trung tâm luyện chữ. Chị tâm sự: “Hồi nhỏ, do không được đào tạo bài bản nên tôi viết chữ không chuẩn. Với mong muốn có nét chữ đẹp để dạy con cái, mỗi tuần, tôi dành 3 buổi tối để học luyện chữ ở Trung tâm Luyện chữ đẹp Tín Việt (đường Bắc Sơn, TP. Nha Trang). Sau 2 tháng học, chữ viết của tôi trở nên trau chuốt và đẹp hơn…”.

Rèn nét chữ, luyện tính người

Sinh ra trong gia đình có truyền thống viết chữ đẹp, với mong muốn giúp mọi người gìn giữ nét chữ Việt, năm 2010, anh Lê Tiến Sỹ (đường Lê Hồng Phong, TP. Nha Trang) đã thành lập Trung tâm Luyện chữ đẹp Sao Mai (Lô 51, khu tập thể Xăng dầu Quân đội). “Tôi muốn mọi người yêu nét đẹp của chữ Việt và xem nó như một môn nghệ thuật. Rèn chữ không chỉ rèn tính kiên trì, cẩn thận mà trên hết còn rèn tính kỷ luật và văn hóa viết…” - anh Sỹ chia sẻ. Với mức học phí từ 120 đến 250 ngàn đồng/tháng, Trung tâm Luyện chữ đẹp Sao Mai của gia đình anh đã thu hút khá nhiều học viên. Ngoài giảng dạy những kỹ năng cơ bản trong việc luyện chữ, Trung tâm Luyện chữ đẹp Sao Mai còn kết hợp dạy một số kỷ năng đọc sách, viết chính tả cho học viên…

Tuy có quy mô không lớn nhưng Trung tâm Luyện chữ đẹp Tín Việt (13/4 Bắc Sơn, TP. Nha Trang) được nhiều người biết đến bởi không gian yên tĩnh, phương pháp dạy dí dỏm và sự nhiệt tình của giáo viên. Tốt nghiệp Khoa Tiểu học Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, với năng khiếu vốn có cộng những kiến thức học trên giảng đường, chị Đặng Thị Diệu Hòa đã lập Trung tâm Luyện chữ đẹp khi mới 24 tuổi. Tâm sự về nghề dạy chữ đẹp, chị Hòa nói: “Luyện chữ đẹp là luyện cho mọi người sự điềm tĩnh, đức tính nhẫn nại và nâng cao khiếu thẩm mỹ, óc sáng tạo. Để dạy viết chữ đẹp, giáo viên phải có phương pháp dạy đặc thù cho từng đối tượng. Với người lớn, cơ tay không còn mềm dẻo như các em nhỏ, giáo viên cần phân tích nét chữ để họ hiểu và tự thực hành. Còn với trẻ em, giáo viên vừa dạy, vừa đặt từng nét bút, điểm xuất phát của từng nét chữ trên vở cho các em. Đặc biệt, nếu muốn rèn chữ viết cho trẻ, giáo viên phải dựa trên khả năng và sự thích thú của trẻ chứ không được gượng ép”.

“Để viết được chữ đẹp, chuẩn và có hồn là một quá trình luyện tập công phu. Người viết phải có dáng ngồi thẳng, không gò bó, nắm được điểm đặt bút, độ rộng, nét thanh, nét đậm… của từng con chữ, và quan trọng là tạo cho mình sự hứng thú trong quá trình học” - chị Hòa cho biết.

ĐĂNG KHOA