09:06, 19/06/2012

Giúp giảm thiểu tình trạng mù mắt ở trẻ sinh non

Nằm trong Dự án “Chào đón sự sống” do Handicap International tài trợ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa đưa dịch vụ tầm soát bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non (ROP) vào hoạt động.

Nằm trong Dự án “Chào đón sự sống” do Handicap International tài trợ, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa vừa đưa dịch vụ tầm soát bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non (ROP) vào hoạt động. Sự ra đời của Phòng khám ROP (đặt tại Khoa Nhi) sẽ giúp hạn chế tình trạng mù mắt ở trẻ sinh non vì bệnh lý ROP.

Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang khám ROP cho trẻ sinh non.
Bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang khám ROP cho trẻ sinh non.

ROP - một trong những nguyên nhân làm trẻ mù mắt

Bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Khánh Uyên - Khoa Nhi BVĐK tỉnh Khánh Hòa cho biết, ROP là bệnh lý do sự phát triển của các mạch máu bất thường ở võng mạc của mắt. Bệnh thường xuất hiện ở những trẻ sinh non, nhẹ cân. Trong quá trình phát triển của thai nhi, mạch máu ở võng mạc xuất phát từ phần trung tâm phía sau rồi phát triển dần về phía trước và kết thúc vào lúc trẻ được đủ tháng. Ở trẻ đẻ non, quá trình này chưa hoàn thành. Bệnh có thể tự hồi phục hoặc tiến triển nặng thêm dẫn đến bong võng mạc hoặc tăng áp thứ phát. Đây là nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu ở trẻ em nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ngoài ra, có một số nguy cơ cao khác dễ dẫn đến bệnh ROP ở trẻ như: Quá trình sử dụng oxy cho trẻ không thích hợp khi điều trị hồi sức, thiếu máu, nhịp tim chậm, nhiễm khuẩn, tổn thương não. Bé sinh ra càng nhẹ cân và càng non tháng thì tần suất ROP càng cao và mức độ bệnh ROP càng trầm trọng.

Theo một công trình nghiên cứu về ROP ở Việt Nam cho thấy, 47% trẻ có cân nặng khi sinh từ 1.000 - 1.250g có bệnh ROP (ở những mức độ khác nhau). Trong khi đó, tỷ lệ này lên đến 90% ở trẻ có cân nặng dưới 750g. Ở trẻ sinh dưới 28 tuần tuổi, tỷ lệ bị ROP chiếm 83%; nếu trên 31 tuần tuổi, tỷ lệ này giảm ở mức khoảng 30%. Hiện nay, ước tính tại Việt Nam có khoảng 23.000 trẻ em bị mù hai mắt; trong đó, hai nguyên nhân chính là các bệnh bẩm sinh về mắt ở trẻ và bệnh lý ROP. Riêng tại Khánh Hòa, tỷ lệ trẻ sinh non tại BVĐK tỉnh chiếm 11,6%/năm. Số ca sinh toàn tỉnh vào khoảng 20.000 ca/năm, ước tính có khoảng 240 - 250 trẻ sinh non. Trong đó, tỷ lệ trẻ sinh non dưới 32 tuần tuổi thai khoảng 28%. Như vậy, số trẻ cần đưa vào tầm soát ROP có thể lên đến hàng trăm ca mỗi năm. Nếu mở rộng đối tượng tầm soát ROP lên trên 32 tuần tuổi thai thì số trẻ nằm trong diện tầm soát ROP sẽ tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, trên thực tế, số trẻ ở tỉnh thuộc diện tầm soát đi khám ROP rất ít (năm 2010 có 13/60 trường hợp vào TP. Hồ Chí Minh khám, 6 tháng đầu năm 2011 có 12/28 ca đi khám). Do việc khám và điều trị phải vào TP. Hồ Chí Minh nên chi phí cao, nhiều gia đình không kham nổi, đành bỏ giữa chừng.

Nhiều hoạt động thiết thực từ dự án

Trước thực trạng trên, Dự án “Chào đón sự sống” của Tổ chức Handicap International đã phối hợp với BVĐK tỉnh triển khai chương trình tầm soát ROP tại Khánh Hòa. Mục tiêu của Dự án giúp phòng ngừa, phát hiện sớm trẻ bị ROP. Qua đó, trẻ sẽ được điều trị kịp thời và hạn chế tình trạng mù mắt ở trẻ sinh non trong tỉnh.

Dự án đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực liên quan như: Tổ chức cho các y, BS tham gia dự án tham quan, học tập mô hình tầm soát ROP tại TP. Hồ Chí Minh; mở hội thảo xây dựng và triển khai hoạt động tầm soát ROP tại BVĐK tỉnh; đào tạo cho ê-kíp khám tầm soát ROP (1 BS về mắt và 2 điều dưỡng nhi); mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác; phát tờ rơi, poster về ROP; thành lập phòng khám ROP… Chị Nguyễn Thị Hoa - mẹ của cháu Bùi Thị Vân Nhi kể: “Tôi sinh cháu bị thiếu tháng, BS nói con tôi có nguy cơ bị mắc bệnh lý ROP nên đưa đi khám tại Phòng khám ROP của BVĐK tỉnh. Tôi mong qua đợt khám này, BS giúp tôi phát hiện sớm những bệnh tật ở mắt của con để gia đình có hướng điều trị sớm cho cháu, tránh bị mù sau này”.

Bà Trịnh Thị Văn Giang - điều phối viên Dự án “Chào đón sự sống” Tổ chức Handicap International cho biết: Trong thời gian đầu, ngoài trẻ sinh non tại BVĐK tỉnh, Phòng khám ROP còn tiếp nhận trẻ đến từ các BVĐK khu vực Ninh Hòa, Ninh Diêm, Cam Ranh và Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm. Từ tháng 8-2012, Dự án sẽ mở rộng dịch vụ này cho trẻ sinh non trên toàn tỉnh. Hy vọng, với quyết tâm của các cơ sở y tế trong tỉnh và sự hỗ trợ nhiệt tình của những đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong việc tầm soát ROP ngoài tỉnh, Dự án “Chào đón sự sống” sẽ triển khai thành công chương trình tại Khánh Hòa, góp phần cải thiện chất lượng chăm sóc trẻ sơ sinh.

THẢO LY

* Quy trình khám ROP tại Khoa Nhi BVĐK tỉnh Khánh Hòa:

Trẻ cần khám mắt để phát hiện ROP gồm: cân nặng lúc sinh ≤ 2.000g hoặc tuổi thai lúc sinh dưới 34 tuần (≤ 7,5 tháng); cân nặng > 2.000g nhưng bị ngạt khi sinh, nằm lồng ấp, thở oxy kéo dài và có các biểu hiện bệnh lý kèm theo; cân nặng < 2.000g nhưng là trẻ sinh đôi, sinh ba. Thời gian khám từ 13 giờ vào Thứ hai hàng tuần. Các bước chuẩn bị cho trẻ khi đến khám: trẻ không bú và không uống nước từ 13 giờ; trẻ được nhỏ thuốc giãn đồng tử 3 lần, đến 14 giờ bắt đầu khám. Lưu ý: để đủ thời gian giãn đồng tử không nhận bệnh nhân sau 15 giờ.