Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng tăng đang làm cho nhiệm vụ phổ cập giáo dục bậc trung học của Khánh Hòa nặng nề hơn
Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, tỷ lệ học sinh (HS) bỏ học ngày càng tăng đang làm cho nhiệm vụ phổ cập giáo dục (PCGD) bậc trung học của Khánh Hòa nặng nề hơn. Và quan điểm chỉ đạo của tỉnh hiện nay là tập trung cho các đối tượng có nhu cầu học tập để hướng đến chất lượng thực chất, không đơn thuần chạy theo chỉ tiêu về mặt thời gian.
Tổ chức các hoạt động văn hóa ngoài trời là một trong những hình thức gây hứng thú học tập cho học sinh. Trong ảnh: Cuộc thi “Rung chuông vàng” giữa các trường THPT trên địa bàn TP. Nha Trang. |
Phổ cập giáo dục bậc trung học gặp khó
Ông Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết: “Chất lượng của nhiều lớp PCGD bậc trung học hiện nay rất thấp. Năm học 2010 - 2011, tỷ lệ học viên (HV) xếp loại học lực từ kém đến trung bình chiếm tới 89,95% và đến năm học 2011 - 2012, tỷ lệ này là 88,58%”. Nguyên nhân chủ yếu do HV không chịu khó học tập và đi học không chuyên cần, không tiếp thu được bài nên chán nản, bỏ học. “Có nhiều HV đi học mà cán bộ thôn xóm phải “áp tải” đến tận lớp, rồi ngồi canh chừng ngoài lớp học vì sợ HV… trốn học”, cô Đ.T.T, giáo viên (GV) Trường Trung học Phổ thông (THPT) Hoàng Hoa Thám, Diên Khánh tâm sự. Nhiều lớp, do HV bỏ học với số lượng lớn nên không thể tiếp tục duy trì, phải giải tán lớp học. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng mà còn gây khó khăn trong việc chi trả tiền giảng dạy cho GV. Nói đến công tác PCGD, hầu hết GV đều cho rằng đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. PCGD bậc tiểu học, trung học cơ sở (THCS) đã khó, PCGD bậc THPT lại càng khó hơn vì các đối tượng huy động ra lớp phổ cập nằm trong độ tuổi lao động, là lao động chính trong gia đình nên rất khó vận động và duy trì việc học tập, đặc biệt là ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
“Tuy HV các lớp phổ cập được cung cấp sách vở để học tập, được hỗ trợ kinh phí nhưng tình trạng thiếu trường THPT, THCS trên địa bàn một số xã; điểm học không thuận tiện, HV phải đi học xa… cũng là lý do làm cho địa phương khó huy động đối tượng ra học các lớp phổ cập. Năm học 2011 - 2012, Khánh Vĩnh chỉ huy động được 59 HV trong khi con số thực tế còn rất nhiều”, ông Mấu Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh chia sẻ. Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, tỷ lệ HS bỏ học ngày càng tăng cũng khiến công tác PCGD trung học gặp khó. Theo thống kê, cuối năm học 2011 - 2012, toàn tỉnh có 1.279 HS bỏ học (579 HS bậc THCS và 700 HS bậc THPT), trong đó HS dân tộc thiểu số bỏ học là 252 em. “Ngoài ra, kế hoạch phân luồng HS tốt nghiệp THCS hiện nay chưa hiệu quả. Đại bộ phận HS tốt nghiệp THCS đều muốn học tiếp THPT để học lên đại học, cao đẳng nên chưa thể thực hiện mục tiêu có ít nhất 15% HS vào học các trường dạy nghề và 15% trở lên vào học các trường trung học chuyên nghiệp. Điều này đã ảnh hưởng đến kết quả của đơn vị xã, phường, thị trấn đạt chuẩn theo quy định”, ông Phan Văn Dũng nhấn mạnh.
Hướng đến chất lượng
Tuy Bộ GD-ĐT chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn PCGD bậc trung học nhưng công tác này luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến các cơ sở quan tâm và kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch một cách nghiêm túc. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo PCGD và xây dựng xã hội học tập ở địa phương. Ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian tới, các địa phương phải tiếp tục phát huy những hoạt động có kết quả trong thời gian qua. Từng tổ dân phố và ấp nhân dân phải không ngừng động viên các đối tượng phổ cập đến lớp. Ở các lớp phổ cập, GV cố gắng nâng cao chất lượng giảng dạy, giúp đỡ HV có hoàn cảnh khó khăn để các em không bỏ học, tham gia tốt các kỳ thi tốt nghiệp. “Quan điểm chỉ đạo hiện nay là việc phổ cập cần phải được mở rộng để vận động mọi người dân tham gia. Tuy nhiên, chú trọng tập trung cho các đối tượng có nhu cầu học tập để hướng đến chất lượng thực chất, không đơn thuần chạy theo chỉ tiêu về mặt thời gian. Và khi đã được công nhận phổ cập vẫn phải được kiểm tra thường xuyên, liên tục để duy trì kết quả”, ông Lê Xuân Thân nhấn mạnh.
THU HIỀN