Hoạt động trong lĩnh vực báo chí, tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều với cuộc sống, với xã hội. Niềm vui thật nhiều, nhưng trăn trở cũng không ít...
Hoạt động trong lĩnh vực báo chí, tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều với cuộc sống, với xã hội. Niềm vui thật nhiều, nhưng trăn trở cũng không ít.
Có lần, được đi theo đoàn cán bộ của Liên đoàn Lao động tỉnh đến thăm một gia đình viên chức ở một xã nghèo thuộc huyện Cam Lâm, tôi không thể tin vào mắt mình trước cảnh nghèo “rớt mồng tơi” của một gia đình có chồng là cán bộ xã, vợ là giáo viên trường làng. Hình ảnh mái tranh vách đất xiêu vẹo ấy để lại cho tôi nhiều suy nghĩ về cuộc sống, sự hy sinh của không ít cán bộ, công nhân viên Nhà nước. Vậy mà đã có lần, tôi từng “vung tay quá trán”, tự cho mình cái quyền được hưởng thụ nhiều hơn sức lao động bỏ ra; thậm chí còn kêu ca về khó khăn, gian khổ. Những bài học tương tự như vậy từ thực tiễn đã giúp tôi sống điềm đạm, chỉn chu và chừng mực hơn.
Nghề làm báo cũng đưa tôi vào những hoàn cảnh cười ra nước mắt. Trong một lần theo đoàn kiểm tra các cơ sở karaoke, đại diện phía công an và báo chí được ưu tiên ập vào sớm nhất để… bắt quả tang các cơ sở karaoke trá hình. Trong số những người mặt đỏ như… máy cày bởi hơi men, đang hát bằng… tay, tôi chợt nhận ra một số gương mặt rất thân quen qua nhiều lần trao đổi công việc. Người quen tôi như muốn… độn thổ, còn tôi ước gì mình không có mặt lúc này. Sau này, mỗi lần gặp nhau vì công việc, gặp lại những gương mặt này, thật sự cảm thấy rất… “khó ăn khó nói”.
Bên cạnh những mối hiềm khích, tranh chấp, kiện cáo vốn tiếp xúc như cơm bữa của phóng viên Phòng Bạn đọc, cũng có những câu chuyện về vấn đề tình cảm rất đáng suy nghĩ. Chẳng hạn, ở Diên Khánh có một gia đình nhiều thế hệ sinh sống trong một mảnh đất khá rộng. Khi các con đã dựng vợ gả chồng, cha mẹ đã chia cho mỗi người 1 mảnh đất để yên bề gia thất. Trong số những người con ấy, chỉ vì một hiềm khích rất nhỏ, cha mẹ đã một mực đuổi con ra khỏi nhà để đòi lại đất. Người con, vốn không có nơi ở nào khác, đành cắn răng bám trụ. Nhưng rồi ngày ngày, gạch đá, chất bẩn từ nhà cha mẹ bay vèo vèo qua nhà con, khiến căn nhà tan hoang, hôi thối suốt nhiều năm liền. Không chỉ “phá của”, cha mẹ còn đánh đập con, cháu, con dâu nhiều lần phải nhập viện mặc dù các cơ quan chức năng của xã, của huyện đã không ít lần can thiệp.
Những sự việc mà một phóng viên có điều kiện tiếp xúc, ngoài nhiệm vụ phản ánh kịp thời và có tính định hướng rõ ràng, chính xác, đó còn là những kỷ niệm, những bài học dành riêng cho phóng viên, coi đó như một tấm gương phản chiếu để từ đó có những điều chỉnh cho bản thân mình.
H.Đ