Từ lâu, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa đã trở thành mái ấm của những trẻ mồ côi. Từ mái ấm này, các em đã lớn lên, có cuộc sống ổn định và thành đạt…
Từ lâu, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Khánh Hòa đã trở thành mái ấm của những trẻ mồ côi. Từ mái ấm này, các em đã lớn lên, có cuộc sống ổn định và thành đạt… Để có được kết quả đó, bên cạnh việc bản thân các em nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, phải kể đến vai trò của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh - bệ đỡ đầu tiên nâng bước giúp các em trưởng thành.
. Bước qua tuổi thơ
Ấp úng mãi, em Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1985) - từng được nuôi dạy ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh - mới chịu kể với tôi về tuổi thơ của mình. Vẻ buồn bã, Thành thú nhận, em không hình dung được nhiều về bố mẹ mình. Em chỉ biết được lớn lên cùng bà ngoại. Khi ngoại già, không còn đủ sức lao động để nuôi cháu, Thành đã bỏ nhà, gia nhập nhóm trẻ đường phố lúc 9 tuổi. Từ vùng quê Bình Sơn (tỉnh Quãng Ngãi), lang thang mãi, cuối cùng Thành tới Khánh Hòa. Theo lời giới thiệu của bạn bè đường phố, Thành tìm đến nương nhờ Nhà Mở dành cho trẻ em đường phố ở đường Trần Quý Cáp, Nha Trang. Học hết lớp 2, em được chuyển về sống ở mái ấm phường Phước Long và học hết chương trình phổ thông ở đó. Từ năm 2007, em chính thức chuyển về sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, được Trung tâm tạo điều kiện đi học nghề hàn ở Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang. Mười mấy năm xa gia đình, có mấy lần nhớ nhà, Thành đã quay lại thăm quê, nhưng với em, cuộc sống ở Nhà Mở, mái ấm Phước Long ấm áp hơn. “Em có về quê mấy lần, nhưng mọi người ở quê không mặn mà lắm, em buồn và ít quay trở về đó” - Thành tâm sự.
Em Vinh đang dỗ dành, phục hồi chức năng cho một em bé bị bệnh bại não ở Trung tâm. |
Còn với em Nguyễn Thị Vinh, sinh năm 1987, khi kể về tuổi thơ của mình và người thân, em có nhiều tình cảm gắn bó hơn. Bố Vinh là liệt sĩ, mẹ đi thêm bước nữa, không nơi nương tựa, người thân cũng khó khăn nên đã gửi em vào Nhà tình thương Vạn Ninh năm 1995 để em được chăm sóc tốt hơn. Năm 2000, Vinh được chuyển vào nuôi dạy ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Cố gắng vượt qua nỗi trống vắng vì thiếu tình thương của người thân, ngày ngày, Vinh chăm chỉ học tập. Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, em thi đậu vào Trường Lao động xã hội và được Trung tâm tạo điều kiện đi học 2 năm ở TP. Hồ Chí Minh. “Bây giờ em cũng hay về Vạn Ninh thăm mẹ nhưng em không xây dựng cuộc sống ở quê. Em rất biết ơn các mẹ nuôi đã cho em tình cảm, cuộc sống tốt đẹp ở đây, em cũng thấy ở Trung tâm có nhiều trường hợp có hoàn cảnh giống mình; em muốn giúp đỡ họ và nguyện sẽ gắn bó và làm việc lâu dài ở Trung tâm” - Vinh thổ lộ.
. Xây cuộc đời mới
Biết kiềm chế những nỗi buồn thời thơ ấu, có niềm tin vào bản thân và cuộc sống tốt đẹp hơn ở phía trước, mười mấy năm trôi qua, Thành và Vinh đã trưởng thành. Nhờ phấn đấu, chịu khó học tập, 2 em đã không phụ lòng thương yêu của các mẹ nuôi ở Trung tâm. Hoàn thành lớp trung cấp năm 2009, được Trung tâm giới thiệu, Thành được nhận vào làm việc tại Tổ Cơ điện - Nhà máy Sản xuất nước giải khát cao cấp Yến sào. Làm việc chăm chỉ nên Thành được Nhà máy tạo điều kiện cho phụ trách khâu đứng máy sản xuất nước yến với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng. Còn Vinh, sau khi ra trường, em xin ở lại làm việc lâu dài tại Trung tâm để có thể chăm sóc các em nhỏ bị khuyết tật. Từ ngày được giao nhiệm vụ nuôi, dạy và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật ở Trung tâm, tuy vất vả nhưng Vinh luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, bởi với em, niềm vui lớn nhất là được giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Bà Lưu Thị Thu Loan - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chia sẻ: Trong quá trình sống và học tập ở Trung tâm, Vinh và Thành rất chịu khó và ngoan. 2 em luôn biết nén nỗi đau tuổi thơ, chịu khó học tập, học khá giỏi, làm gương tốt cho các em mồ côi khác noi theo. Em Hoàng Phi Nhơn, 18 tuổi, cũng là trẻ mồ côi ở Trung tâm, tâm sự: “Em có hoàn cảnh gần giống như chị Vinh, anh Thành: mồ côi cha mẹ từ lúc 9 tuổi, người thân gửi em vào đây. Hiện em đang theo học ngành điện công nghiệp ở Trường Cao đẳng Nghề. Nhìn anh Thành, chị Vinh trưởng thành, có việc làm ổn định, em cũng cố gắng phấn đấu học tập thật tốt để được như 2 anh chị”.
Bà Loan cho biết thêm, ngoài Vinh và Thành, tất cả trẻ em mồ côi được nuôi dạy tại Trung tâm đều được chăm sóc đầy đủ. Sau khi học xong chương trình phổ thông, nếu không thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, các em sẽ được tạo điều kiện học nghề. Hàng năm, có khoảng từ 2 - 3 em trưởng thành, xin ra đời sau khi đã có việc làm ổn đinh. Thỉnh thoảng, các em về lại Trung tâm chơi, thăm và tặng quà cho các em nhỏ ở đây. Vinh và Thành cũng nằm trong số những đứa trẻ đã trưởng thành ấy. Điều làm bà Loan cảm động nhất là vừa qua, Vinh và Thành đã nên duyên chồng vợ. Do không có người thân, Thành đã nhờ bà đứng ra đại diện lo liệu toàn bộ việc cưới xin. Sau đó, Trung tâm đã tạo điều kiện cho 2 vợ chồng trẻ có 1 căn phòng tại Trung tâm để làm tổ ấm khi các em chưa có điều kiện ra ngoài. “Hôm đám cưới, tôi vui và thương 2 em quá, không cầm được nước mắt. Cuộc sống tốt đẹp của các em cũng chính là niềm vui của tôi” - bà Loan xúc động kể.
Vinh chia sẻ: Tuy sống thiếu tình cảm gia đình nhưng bù lại, em được các mẹ nuôi ở đây dành cho sự yêu thương, dạy dỗ. Các mẹ luôn động viên em học tập, dạy em những điều hay lẽ phải để trở thành một công dân tốt, sống có ích cho xã hội. Thật lòng em rất biết ơn các mẹ, biết ơn xã hội đã đón nhận, nâng đỡ những đứa trẻ mồ côi như em. Em mong những em nhỏ có hoàn cảnh như em luôn biết vượt lên hoàn cảnh, phấn đấu học tập tốt, tạo dựng cho mình một cuộc sống ổn định và có ý nghĩa. Đó cũng là món quà lớn nhất để tri ân những người đã hết lòng nuôi dưỡng mình”.
MINH THIẾT
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có khoảng 40 nghìn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó có khoảng 5 nghìn trẻ cần được quan tâm, chăm sóc và nuôi dưỡng. Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đang nuôi dạy 98 trẻ em, trong đó có 38 trẻ mồ côi và 60 trẻ khuyết tật. Kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Trung tâm đã tổ chức giao lưu văn nghệ, tặng quà cho các em có học lực khá, giỏi và tổ chức cho các em đi tham quan, tắm bùn khoáng ở Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng I - Resort Nha Trang.