08:06, 06/06/2012

Những giọt máu cứu người

Chứng kiến những trường hợp cần máu để giữ được mạng sống như bé Hoài - cô con gái bé bỏng của Thượng úy Phan Văn Hoàng (hiện công tác tại đảo Trường Sa Lớn) và chị Ngô Thị Hằng - bị bệnh thiếu máu bẩm sinh...

Chứng kiến những trường hợp cần máu để giữ được mạng sống như bé Hoài - cô con gái bé bỏng của Thượng úy Phan Văn Hoàng (hiện công tác tại đảo Trường Sa Lớn) và chị Ngô Thị Hằng - bị bệnh thiếu máu bẩm sinh, chúng tôi càng trân trọng hơn những người đã tình nguyện hiến những giọt máu của mình để cứu mạng sống cho những người khác.

Bé Phan Thị Thu Hoài vẫn đang cần được tiếp máu.
Bé Phan Thị Thu Hoài vẫn đang cần được tiếp máu.

Máu là nguồn sống

Kết hôn năm 1996, sau 15 năm đằng đẵng chờ đợi, tổ ấm của Thượng úy Phan Văn Hoàng và chị Ngô Thị Hằng mới có tiếng con trẻ. Nhưng vừa qua cơn vượt cạn mà không có chồng bên cạnh, chị Hằng điếng người khi biết cô con gái bé bỏng bị bệnh thiếu máu bẩm sinh. Đối với cháu Phan Thị Thu Hoài, con gái của chị Hằng và anh Hoàng, máu còn cần cho sự sống hơn cả sữa mẹ.

Trong vòng tay mẹ, bé Hoài mở đôi mắt to tròn, trong veo nhìn khách, rồi thích thú chơi với quyển sổ và vỏ chai nước. Chị Nguyễn Thị Kim Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Cam Lâm cùng đi với chúng tôi nhận xét: “Bữa nay thấy da cháu hồng hơn, không còn xanh như hôm đến thăm, trao quà”. Chị Hằng cho biết: “Cháu mới truyền 200cc máu tuần trước, giờ mới ngấm. Truyền máu vô hắn khỏe hơn. Bữa trước nhìn thương lắm, tại tôi cứ để ráng nên vô viện bác sĩ lấy ven mãi mới được”.

Anh Hoàng và chị Hằng cùng quê (xã Vĩnh Thành, Yên Thành, Nghệ An). 2 năm sau ngày cưới, anh đưa chị từ quê vào Khánh Hòa. Dành dụm, vay mượn, năm 2000 anh chị mua đất, cất nhà gia nhập “xóm nhà binh” ở Cam Thành Bắc (Cam Lâm). Cuộc sống ổn định cũng là lúc anh chị khát khao tiếng bi bô của con trẻ. Lương mấy “tăng” đảo của anh đều đổ hết vào những chuyến chạy chữa hiếm muộn hết Hà Nội - TP. Hồ Chí MInh với kết luận: Vô sinh không rõ nguyên nhân. Lần thụ tinh nhân tạo đầu tiên thất bại. Lần thứ hai, niềm vui mới đến với anh chị. Ngày 5-10-2011, chị sinh mổ. Nhưng con gái của anh chị vừa sinh ra lại mắc bệnh thiếu máu bẩm sinh. “Biết bệnh tình của cháu, bác Thu hàng xóm đã điện cho 20 người trong xóm đến thử máu nhưng không được, may còn có bác Oanh (người đã truyền máu cho bé Hoài)”- chị Hằng tâm sự.

Bé Hoài nằm viện, chị đã phải bán căn nhà rồi thuê lại chính ngôi nhà vốn là nhà mình để ở. 2 tháng tuổi, cơ thể bé bỏng ấy đã phải chịu nỗi đau khi chọc tủy. “Mẹ ở tầng trệt, con trên lầu 3, nghe con khóc thét, tôi không đi nổi nữa, vừa khóc vừa bò cầu thang lên với con. Mấy ngày liền cháu sốt, không ăn uống được gì”, chị Hằng nghẹn ngào kể. Mỗi lần trích máu xét nghiệm, truyền máu, bé khóc thét đau đớn khiến mẹ cũng khóc sưng mắt. 6 tiếng, 12 tiếng, mẹ ôm con đợi từng giọt máu chảy vào cơ thể bé. Đói, mỏi cũng chỉ dám nhờ người mua giùm hộp sữa.

Bố ở đảo, nhà một mẹ, một con, 4 giờ sáng, khi con còn ngủ say mẹ đã trở dậy giặt giũ. Anh Hoàng chưa được gặp mặt con. Sau những ca gác, anh điện thoại về để nghe con reo hét, bố con “nói chuyện” với nhau.

Cứ 25 - 30 ngày, thấy cháu  mệt, quấy khóc, biếng ăn, da xanh xanh tái tái, khóe mắt hết tia máu là chị Hằng phải ẵm vào bệnh viện truyền máu. Mới 7 - 8 tháng tuổi, bé Hoài đã phải truyền máu 8 - 9 lần. 2 lần được đồng đội và vợ đồng đội của bố cho máu, còn lại phải mua. Mỗi lần mất khoảng 4 triệu đồng, hết tháng lương của bố nếu ở trong bờ. Chị Hằng được bác sĩ cho biết, với bệnh thiếu máu bẩm sinh, có những bé đến khoảng 4 tuổi có thể sản sinh hồng cầu nhưng vẫn cần tiếp máu, còn cụ thể với con chị thì không trả lời được.

Cùng nhóm máu O với bé Hoài, khi chúng tôi ngỏ ý đến đợt tiếp máu tới của cháu, sẽ vào Bệnh viện Cam Ranh kiểm tra, hy vọng máu mình sẽ thích hợp cho bé, chị Hằng rất mừng. Đồng đội, bà con lối xóm đã tận tình giúp đỡ trong lúc nguy hiểm nhất nhưng với yêu cầu chữa bệnh, cháu Hoài cần nhiều hơn những tấm lòng yêu thương, chia sẻ.

Hiến máu cứu người

Ông Vũ Quang Hùng còn giữ được rất nhiều thẻ và phiếu hiến máu cùng giấy tờ các cấp tôn vinh người hiến máu.
Ông Vũ Quang Hùng còn giữ được rất nhiều thẻ và phiếu hiến máu cùng giấy tờ các cấp tôn vinh người hiến máu.

Ông Nguyễn Trương (Đài Truyền thanh - Truyền hình Cam Phước Tây) đã 54 lần hiến máu. Nhà ở Cam Thuận (Cam Ranh), làm việc ở Cam Phước Tây (Cam Lâm) nên ông hiến máu ở cả 2 địa phương. Điều đó lý giải cho việc chưa đầy 10 năm, ông đã hiến máu nhiều lần đến thế. Không chỉ gương mẫu hiến máu, ông còn vận động người thân, bà con trong xã tham gia. Mới đầu đi vận động cũng khó, một lần, hai lần, ba lần có khi người ta mới thông. Làm bên phát thanh, ông có lợi thế tuyên truyền. Không chỉ tuyên truyền các văn bản, ông có hẳn một đĩa tuyên truyền về hiến máu nhân đạo. Ông Trương khoe: “Con bé nhà tôi cũng hiến máu 12 lần rồi nhé. Đến ngày hiến máu, sau đêm trực, làm xong chương trình buổi sáng, tôi và con gái có mặt ngay ở nhóm đầu tiên lấy máu”.

Ông Cao Công Đoàn (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cam Phước Tây) cũng đã hiến máu 46 lần. Ông nhẩm tính: “Thông thường, cơ thể con người có khoảng 3,8 lít máu. Lượng máu tôi hiến những năm qua gần bằng lượng máu chảy trong cơ thể 3 người”. Lần đầu tiên hiến máu năm 1995, khi đó ông là Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của xã. “Hồi ấy, vận động người dân hiến máu khó khăn lắm, cả xã chỉ có 2 người là mình và 1 hội viên nữa” - ông Đoàn nhớ lại. 17 năm trước, trong bệnh viện, ông gặp cảnh người nhà một sản phụ nghèo, hỏi những người thăm bệnh xem ai nhóm máu O có thể giúp đỡ. Tiếc là ông nhóm máu A. Thấy sự quý giá của những giọt máu khi cần, từ đó, ông tích cực vận động hiến máu. Vận động bà con chưa được thì vận động con cái hiến máu trước. Cả 5 người con của ông đều tham gia hiến máu. Đến nay, ông Đoàn, các con, 1 em trai đã hiến máu 73 lần. Là xã thuần nông, khi vận động hiến máu, bà con e ngại vì “mình làm rẫy, làm ruộng sợ hiến máu về sẽ mất sức không làm được”. Những khi ấy, ông Đoàn lại thuyết phục: “Mình chỉ lấy vài phần trăm lượng máu trong cơ thể thôi, sau 1 ngày đã tái tạo rồi. Bà con coi tôi và con tôi hiến máu về vẫn ra đồng gặt lúa, gánh lúa nặng bình thường đấy thôi”.

Ông Trương và ông Đoàn cho biết, Hội Chữ thập đỏ xã đang từng bước vận động lực lượng thanh niên tham gia hiến máu. Đây là lực lượng đông đảo, sức khỏe tốt, chất lượng máu cao, có thể hiến máu lâu dài. Trước năm 2000, mỗi năm xã chỉ vận động được vài người hiến máu, qua từng năm, số lượng nhích dần lên, những năm gần đây luôn đạt và vượt chỉ tiêu.

Đã 48 lần hiến máu, ông Vũ Quang Hùng (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Cam Đức) đưa chúng tôi xem chiếc thẻ hiến máu đầu tiên ghi ngày 5-6-2003, giấy hiến máu tình nguyện gần đây nhất là ngày 9-3-2012, cùng rất nhiều giấy hiến máu và giấy tờ khen thưởng của các cấp tôn vinh người hiến máu.

12 năm trước, người anh trai của ông Hùng chuẩn bị mổ vì hở van tim. Bác sĩ báo người nhà cần 3 đơn vị máu nhưng bệnh viện không đủ máu cung cấp. Ông và hai người em chờ ở phòng mổ để truyền máu trực tiếp, lúc ấy, ông ý thức được sự quý giá của những giọt máu. Từ đó, ông tích cực vận động người thân, bà con hiến máu. Riêng trong nhà có ông Hùng, 2 con và một cô con dâu đã tham gia hiến máu. Hội Chữ thập đỏ thị trấn Cam Đức đã thành lập được câu lạc bộ hiến máu khẩn cấp được 2 năm, với 20 thành viên. Ông Hùng kể, năm ngoái, nhận được tin báo có xe khách bị tai nạn giao thông, các nạn nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu. Gần trưa, nhận được điện thoại bệnh viện cần lượng máu lớn, ông tập hợp ngay 20 anh em lên xe chở thẳng ra bệnh viện hiến máu liền.

Hay trường hợp con dâu ông Ngô Đức Việt mổ thai. Chuẩn bị mổ, bác sĩ sợ thiếu máu báo cần chuẩn bị 2 đơn vị máu B. Ông kêu ngay 2 thành viên vào bệnh viện. Khi mổ ca đó, bác sĩ lấy 1 đơn vị máu. Theo ông Hùng, những thành viên câu lạc bộ đều là những người tâm huyết, hiến máu chục lần trở lên. Chẳng cần nhìn danh sách, ông cũng nói chính xác nhóm máu từng người để khi cần thì điều động. Hiện mỗi lần hiến máu, Hội Chữ thập đỏ thị trấn chỉ cần gửi thông báo cho 16 tổ dân phố và thông tin trên Đài Truyền thanh thị trấn là bà con đăng ký. Ngày 26-6 này, Cam Lâm sẽ tổ chức hiến máu và tôn vinh những người hiến máu nhưng đến nay đã có một số người đăng ký, trong đó, có cả những cặp vợ chồng như: Anh chị Nguyễn Khắc Tĩnh - Nguyễn Thị Thanh Thúy; Nguyễn Ngọc Triển - Phạm Thị Thu Thủy…

Vốn là Đại úy Hải quân về hưu, giờ là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Cam Lâm, ông Thái Cao Bình cũng đã hơn 30 lần hiến máu. Ông đã được nhiều cấp khen thưởng không chỉ cá nhân hiến máu mà còn vì sự tích cực vận động anh em cựu quân nhân tham gia. 5 năm qua, các hội viên Hội Cựu chiến binh huyện đã đóng góp gần 300 đơn vị máu.

Xuất phát từ cái tâm, ngay từ khi còn là một cán bộ văn phòng xã Cam Thành Bắc, chị Nguyễn Thị Kim Liên (hiện là Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Cam Lâm) đã bắt đầu hiến máu. Mỗi năm chị hiến máu 2 - 3 lần, chỉ trừ thời gian sinh em bé, thực hiện nghĩa vụ làm mẹ. Khi sinh bé thứ hai, chị cũng cần truyền máu nên chị càng hiểu giá trị những giọt máu. Đã 18 lần cho máu, chị Liên vui vì những giọt máu của mình cần cho sự sống của người khác. Chị chia sẻ “Hiến máu vừa cứu người vừa tốt cho mình. Mỗi lần hiến máu, mình được xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe. Mình cũng ý thức giữ gìn sức khỏe để chất lượng máu tốt hơn”. Đó cũng thông điệp của những người hiến máu gửi tới cộng đồng.

T.D