Khánh Hòa có diện tích rừng khá lớn với hơn 206.000ha, trong đó có 190.276ha thuộc quy hoạch 3 loại rừng...
Khánh Hòa có diện tích rừng khá lớn với hơn 206.000ha, trong đó có 190.276ha thuộc quy hoạch 3 loại rừng. Những năm gần đây, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, săn bắt động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phức tạp. Tuy nhiên, do lực lượng Kiểm lâm quá mỏng, các chính sách, cơ chế về bảo vệ và phát triển rừng ở cơ sở còn nhiều hạn chế nên công tác bảo vệ rừng (BVR) gặp không ít khó khăn.
Do thiếu hụt lực lượng nên ngành Kiểm lâm còn hạn chế trong công tác bảo vệ rừng. |
Lực lượng mỏng, địa bàn rộng
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, theo Nghị định 119 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm lâm (1.000 ha/kiểm lâm viên), đến năm 2012, số lượng biên chế trong ngành cần 192 người, chưa kể số hợp đồng lao động theo Nghị định 68 (hơn 30 người). Tuy nhiên, hiện toàn ngành chỉ có 171 công chức và hợp đồng lao động; trong đó, có 131 công chức, 17 hợp đồng lao động chuyên môn nghiệp vụ trong chỉ tiêu biên chế, 23 người hợp đồng theo Nghị định 68. Thực tế so với nhu cầu nhiệm vụ được giao, số lượng biên chế trong ngành hiện quá ít (thiếu 61 biên chế), phân bổ dàn trải nên lực lượng Kiểm lâm ở các địa phương trong tỉnh đang thiếu hụt nghiêm trọng. Hiện toàn tỉnh có 106 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố có rừng và đất lâm nghiệp nhưng chỉ bố trí được 15 trạm quản lý BVR, trong đó chỉ có 73 kiểm lâm viên phụ trách địa bàn. Do lực lượng quá mỏng, một công chức kiểm lâm cùng lúc phải phụ trách địa bàn nhiều xã, diện tích theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp có nơi hơn 10.000ha. Ngoài nhiệm vụ thường xuyên, hầu hết kiểm lâm viên phụ trách địa bàn đang phải kiêm nhiệm nhiều công tác khác trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
Ông Lê Thanh Hóa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa cho biết: “Theo quy định, với gần 50.000ha rừng, Hạt được tiêu chuẩn biên chế 50 kiểm lâm viên trực tiếp làm công tác BVR. Tuy nhiên, hiện tổng số nhân viên của Hạt chỉ có 23 người, bao gồm cả bộ phận tài vụ, văn thư, lái xe và bảo vệ nên lực lượng BVR ở Ninh Hòa quá mỏng. Do đó, trên địa bàn chỉ bố trí được 4 trạm BVR là Ninh Lộc, Ninh Xuân, Ninh Ích, Ninh Phú và 1 tổ cơ động; mỗi trạm chỉ có 3 kiểm lâm viên trực tiếp nắm địa bàn. Thời gian qua, nhờ nỗ lực của Hạt, có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị liên quan như công an, quân đội và các đơn vị chủ rừng nên công tác BVR ở Ninh Hòa đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do lực lượng Kiểm lâm quá mỏng, các chính sách, cơ chế về bảo vệ và phát triển rừng ở cơ sở còn nhiều hạn chế nên công tác BVR ở Ninh Hòa vẫn còn nhiều khó khăn”. Theo ông Hóa, trung bình mỗi tháng, lực lượng Kiểm lâm địa bàn phải có ít nhất 20 ngày ăn ở trong rừng; trung bình mỗi ngày phải đi từ 9-10km đường rừng. Công việc nặng nhọc, nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng nhưng chế độ đãi ngộ chưa tương xứng. Mặt khác, kiểm lâm địa bàn một lúc phải phụ trách địa bàn của 2-3 xã nên hiệu quả công việc không cao. Trong lúc đó, nếu xảy ra tình trạng rừng bị phá, cháy rừng thì lực lượng Kiểm lâm luôn bị quy trách nhiệm.
Khó trong khâu tuyển đầu vào
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Công Khanh, Trưởng phòng Tổ chức, xây dựng lực lượng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Từ năm 2006 đến nay, toàn ngành chỉ tuyển được 29 biên chế, trong đó có 20 công chức có chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành lâm nghiệp. Ngoài số lượng dự tuyển đầu vào hàng năm quá ít, thậm chí không có nguồn tuyển, trình độ chuyên môn của một số bộ phận hợp đồng lao động chuyên môn nghiệp vụ trong ngành không đồng đều nên đối tượng trúng tuyển rất hạn chế. Theo quy định, công chức kiểm lâm phải có trình độ trung cấp lâm nghiệp trở lên, nhưng hiện ngành này đang gặp khó trong khâu đầu vào. Chính vì thế, không riêng Khánh Hòa, lực lượng Kiểm lâm ở hầu hết các địa phương trong cả nước đang thiếu hụt nghiêm trọng. Một thực tế khác, do đặc thù công việc nặng nhọc và nguy hiểm nhưng chế độ đãi ngộ không tương xứng nên đời sống của cán bộ công chức gặp rất nhiều khó khăn”. Theo ông Khanh, ngoài thiếu biên chế, hiện việc tuyển nhân viên hợp đồng lao động trong ngành cũng gặp khó khăn. Bởi đối tượng trong diện hợp đồng chỉ được hưởng lương, phụ cấp khu vực, không được hưởng chế độ ưu đãi nghề, không có thâm niên, không được phụ trách địa bàn. Tuy mang tiếng là kiểm lâm nhưng những lao động này chỉ là lực lượng hỗ trợ, không có quyền sử dụng công cụ hỗ trợ, không được lập biên bản vi phạm…
Thực tế, công tác BVR không chỉ của lực lượng Kiểm lâm mà của toàn xã hội. Tuy nhiên, với vai trò là lực lượng nòng cốt, bài toán nguồn nhân lực cho ngành Kiểm lâm cũng cần sớm có lời giải. Ngoài việc nên thay đổi hình thức thi tuyển bằng xét tuyển công chức, cần có những chính sách, chế độ ưu đãi hợp lý đối với lực lượng chuyên trách làm công tác BVR.
ANH TUẤN