11:06, 20/06/2012

Nhà báo ơi...

Những ngày này, hướng về kỷ niệm 87 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, cả nước diễn ra rất nhiều hoạt động tôn vinh nghề báo...

Baochi21610.jpg
Ảnh minh họa

Những ngày này, hướng về kỷ niệm 87 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, cả nước diễn ra rất nhiều hoạt động tôn vinh nghề báo. Ngày xưa các cụ có câu “nhân gian bách nghệ”. Ngày nay thời hiện đại, xã hội có bao nhiêu nghề, chịu chả ai đếm cho nổi. Chỉ biết là nghề nào cũng cần thiết cho xã hội. Nhưng có lẽ, nghề báo có được ưu ái hơn khi có rất nhiều hoạt động tôn vinh…

Nghề báo có đặc trưng riêng. Báo chí có thể tạo ra dư luận xã hội, định hướng và dẫn dắt dư luận xã hội, từ đó tạo ra sức ép xã hội khôn lường. Chính vì thế nên phương Tây mới gọi báo chí là “quyền lực thứ tư”. Cũng chính đặc trưng này mà ngày nay, một bộ phận nhỏ nhà báo dễ… ngộ nhận.

Họ chỉ là một số nhỏ, nhưng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đội ngũ đông đảo các nhà báo chân chính. Họ ngộ nhận vì cứ nghĩ nghề báo là nghề quan trọng nhất, và mình là nhà báo nên mình là người quan trọng nhất, mình có quyền làm đủ thứ việc. Cũng không loại trừ có người không hề ngộ nhận mà lợi dụng đặc trưng nghề báo để trục lợi.

Thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều thông tin các vụ việc lợi dụng danh nghĩa nhà báo hoặc giả danh nhà báo tống tiền bị bắt. Chỉ một tấm “cạc” in nhăng nhít đủ chức danh, họ cũng dễ dàng ép ai đó chi tiền, vì “nếu không chi sẽ đăng báo”(!)

Đáng sợ hơn, nhiều bài viết về tranh chấp đất đai, nhà cửa chỉ thoáng đọc qua, người ta đã thấy rõ động cơ người viết. Không biết thông tin loại này hấp dẫn thế nào mà có cả tạp chí, vốn chuyên cho nghiên cứu cũng tham gia. Hơn thế, có tờ báo chuyên về một lĩnh vực đời sống tinh thần rất cao siêu, nhưng lại dành hẳn một chuyên mục dành cho những bài về tranh chấp đất đai… Nghĩ cũng lạ! Chỉ có điều khi phóng viên viết mảng này bị khởi tố thì không lạ!

Những năm gần đây, báo mạng phát triển “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”. Đội ngũ làm báo mạng mới thực sự đáng “kính nể”(!). Thông tin gì cũng có thể lên mạng được, ưu tiên những thông tin khơi gợi bản năng con người. Có những thông tin đọc lên chả thấy gì nhưng phải giật tít cho kêu, cố liên quan gì đó đến sex, miễn câu khách là được. Khái niệm đạo đức nghề nghiệp đối với phần đông những người này là điều xa xỉ. Đến nỗi có người phải kêu lên, bây giờ không dám gọi là báo lá cải nữa mà phải gọi là báo lá… ngón.

Nghề nào trong xã hội cũng đòi hỏi có lương tâm chức nghiệp. Riêng với nghề báo, xin mượn lời cụ Nguyễn Du ngày xưa “chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.

Nhân ngày của giới báo chí, lan man đôi dòng.

Nhà báo ơi…

THỦY NGÂN