Trên hành trình tìm đường giải phóng dân tộc, Bác Hồ đã từng làm báo. Người học làm báo ngay trong hoạt động và thực tiễn đấu tranh. Mục đích làm báo của Bác để phục vụ cho hoạt động cách mạng, đấu tranh giai cấp, xóa bỏ chế độ áp bức bóc lột, giải phóng con người, phục vụ cách mạng.
Trên hành trình tìm đường giải phóng dân tộc, Bác Hồ đã từng làm báo. Người học làm báo ngay trong hoạt động và thực tiễn đấu tranh. Mục đích làm báo của Bác để phục vụ cho hoạt động cách mạng, đấu tranh giai cấp, xóa bỏ chế độ áp bức bóc lột, giải phóng con người, phục vụ cách mạng. Trong hoạt động báo chí, Bác luôn đề cao tính trung thực và chừng mực ở việc thể hiện nội dung tin, bài. Đây cũng là đức tính quý của Bác để những người làm báo hôm nay học tập và làm theo.
Trải qua 87 năm báo chí cách mạng Việt Nam, lớp lớp thế hệ phóng viên, nhà báo của nước nhà đã tích cực đóng góp tiếng nói của mình vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc. Đội ngũ nhà báo Việt Nam không ngừng nỗ lực phấn đấu để học tập và noi theo tác phong, phẩm chất đạo đức làm báo của Bác. Trong cuộc sống hôm nay, các phóng viên, nhà báo vẫn luôn năng động, không quản ngại khó khăn, gian khổ để mang đến cho độc giả những thông tin trung thực nhất về những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Thế nhưng, lẩn khuất đâu đó vẫn còn những người mượn danh nghĩa báo chí để thực hiện nhiều việc làm mang tính vụ lợi cá nhân. Chính vì thế, học tập và làm theo tấm gương đạo đức làm báo cách mạng của Bác càng trở nên cấp thiết.
Vốn là một người lính từng tham gia chiến đấu ở đất lửa Quảng Trị, nhà báo Lê Bá Dương - Trưởng Văn phòng đại diện Báo Văn hóa tại Khánh Hòa luôn nêu cao tinh thần đấu tranh cho sự thực, cho lẽ phải. “Ngay khi còn khoác áo lính, tôi cũng đã từng trải qua nhiều năm hoạt động báo chí. Đó cũng chính là chiếc gạch nối chuyển tiếp phẩm cách của một người lính cầm súng trên mặt trận chiến đấu đối mặt với kẻ thù xâm lược, sang cầm “bút” trên mặt trận thời bình, một mặt trận mong manh ranh giới bạn thù, tốt xấu. Trên mặt trận đó, không chỉ đòi hỏi “người lính” cầm bút phải đủ trí lực, bản lĩnh để chiến đấu không khoan nhượng với tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực, suy đồi đạo đức… vẫn còn đang hiện diện trong đời sống xã hội. Đồng thời luôn phát hiện đưa lên mặt báo những nhân tố tích cực theo định hướng xây dựng và phát triển trong công cuộc đổi mới”. Với tinh thần đó, bản thân ông đã nhiều lần kiên quyết từ chối những khoản tiền của chủ thầu này, giám đốc kia “gửi gắm” để dừng những bài báo phanh phui sự khuất tất trong làm ăn cũng như công trình kém chất lượng của họ. Đối với ông, trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì tấm gương tự học theo cách “đọc, học và làm theo sách báo” của Bác không chỉ là học tập, làm theo gương điển hình được nêu trên báo chí, mà còn có thể áp dụng vào việc đọc, học và làm (viết) theo cách của bài báo. Học tập ở Bác, ông còn học ở sự giản dị trong phương cách làm báo. Từ sự giản dị trong cách nhìn, cách thấy sự kiện đến sự giản dị trong từng câu cú, từ ngữ để đưa đến cho người đọc báo một bài báo phản ánh sự việc bằng triết luận ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, bởi như Bác nói: Viết báo là để phụng sự các tầng lớp nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Với nhà báo Phong Nguyên - phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại Khánh Hòa, anh luôn mong muốn mang đến cho cuộc sống nhiều thông điệp. “Thông điệp đó có cảnh báo về cái xấu, cái ác. Nhưng, để làm được điều đó là khó vô cùng, bởi cái ác, cái xấu là thiên hình vạn trạng. Thông điệp đó có tuyên dương những cái thiện, cái đẹp. Nhưng, để làm được điều đó cũng khó vô cùng. Bởi cái đẹp, cái thiện tựa hoa trong cỏ, lấp lánh mà mong manh. Chúng ta, ai cũng biết rằng, một thông điệp sai, bất luận vì lý do gì, là vô cùng tai hại. Hại cho người và hại cho đời. Cho nên, theo tôi, một trong những tiêu chuẩn quan trọng của nhà báo là sự trung thực”. Đức tính trung thực và chừng mực trong làm báo của Bác, đối với nhà báo Phong Nguyên đó chính là kim chỉ nam cho hoạt động báo chí của bản thân anh. Với anh, trung thực là gốc, là một trong những phẩm chất đạo đức cách mạng luôn phải được trau dồi. Làm báo phải trung thực trong cách tiếp cận, xử lý thông tin, nhưng thông tin cũng phải chừng mực trong liều lượng, trong thể hiện, trong cách khen, chê.
Có thể thấy, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là công việc thường xuyên, hàng ngày và là việc làm lâu dài. Mỗi người làm báo hôm nay luôn cố gắng để làm tròn bổn phận của mình một cách tốt nhất, tất cả vì lợi ích chung. Dù vẫn còn đâu đó những biểu hiện tiêu cực, lệch chuẩn của một số cá nhân, nhưng nhìn toàn cục, đội ngũ phóng viên, nhà báo ở Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng vẫn đang từng ngày nỗ lực phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong hoạt động báo chí, không ngừng trau dồi bản lĩnh “tâm sáng, bút sắc” để hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
NHÂN TÂM