08:06, 20/06/2012

Hậu quả của việc khai thác quá mức

Những ngày này, về các xã, phường ven biển ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) như: Ninh Vân, Ninh Phước - nơi được xem là vựa rong mơ...

Những ngày này, về các xã, phường ven biển ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) như: Ninh Vân, Ninh Phước - nơi được xem là vựa rong mơ, chúng tôi không còn thấy cảnh người dân tấp nập phơi rong mơ như trước đây. Còn tại các bãi biển dọc đường Phạm Văn Đồng, phường Vĩnh Hòa, Nha Trang cũng chỉ còn cảnh lác đác người phơi rong mơ. Năm nay, lượng rong mơ khai thác được rất ít đã khiến nhiều hộ dân gặp khó khăn. Đó cũng là hệ quả của việc người dân khai thác quá mức rong mơ còn non những năm gần đây.

dân phơi rong mơ dọc bờ biển Nha Trang.

Người dân xã Ninh Vân khai thác rong mơ lúc được mùa.

Người dân thất thu

Rong mơ có tên khoa học là Sargassum, có dạng thân bụi mọc trên các triền đá, rạn san hô dưới đáy biển. Rong mơ đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa hệ sinh thái, môi trường biển, là nơi trú ẩn và sinh sản của một số loài thủy sản. Khoảng 4 - 5 năm nay, một số thương lái bắt đầu thu mua rong mơ xuất sang Trung Quốc. Khai thác rong mơ đã trở thành một nghề của những người dân nghèo sinh sống ven biển. Giá rong mơ liên tục tăng, đến nay đã là 9 - 10 ngàn đồng/kg rong khô. Vì thế, nhiều người đua nhau khai thác rong mơ.

Rong mơ xuất hiện nhiều vào khoảng tháng 4, 5 hàng năm. Lúc này cũng là thời điểm người dân khai thác rong mơ rầm rộ. Tuy nhiên, năm nay, tại cầu tàu xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa không còn cảnh tấp nập thuyền, ghe chở rong mơ vào ra như những năm trước. Bà Trà Thị Vân Sen - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết: Rong mơ đang là nguồn sống của hàng trăm hộ dân trong xã. Làm nghề này, người dân không cần vốn, thương lái đến tận nhà thu mua, giao tiền, thu nhập ổn định với 200 - 300 ngàn đồng/người/ngày. Thế nhưng năm nay, rong mơ mất mùa. Đến nay, toàn xã chỉ thu được khoảng 200 tấn, bằng 1/3 sản lượng so với năm ngoái, thu nhập chỉ khoảng hơn 100 ngàn đồng/người/ngày. Nguyên nhân là do sản lượng rong mơ cạn kiệt. Anh Trần Văn Phú - một người khai thác rong mơ tại xã Ninh Vân kể: “Do rong mơ được giá nên mấy mùa rong mơ trước, bà con khai thác quá mức. Mỗi khi lặn, ai cũng cắt sát tận gốc, rong non cũng bị cắt, miễn sao thu càng nhiều càng tốt. Rong mơ cũng như cây trên rừng, cắt tận gốc mãi, đến lúc nào đó nó cũng sẽ hết”.

Tình trạng mất mùa rong mơ cũng diễn ra tương tự tại phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang. Ông Nguyễn Văn Phúc - người khai thác rong mơ cho biết: “Mới vào khoảng đầu tháng 3, rong mơ đang còn non nhưng đã có hàng chục ghe (mỗi ghe có đến 3, 4 người) đua nhau lặn để khai thác. Năm ngoái, lặn 1 ngày được 2 tấn, nay chỉ được gần 1 tấn. Nhờ nghề rong mơ mà nhiều người mới có việc làm, thu nhập sống qua ngày. Chính quyền đã tuyên truyền, chúng tôi biết khai thác tận gốc rong mơ còn non, không đúng thời điểm là sai, nhưng gia đình khó khăn, mình không cắt thì người khác cũng cắt. Vì vậy mà bây giờ rong mất mùa, không biết làm gì để có thu nhập”.

Ảnh hưởng đến môi trường

Người dân phơi rong mơ dọc bờ biển Nha Trang.
Người dân phơi rong mơ dọc bờ biển Nha Trang.

Theo Tiến sĩ Lê Như Hậu - Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang (thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam), thư ký đề tài khoa học cấp tỉnh về “Đánh giá hiện trạng và nghiên cứu giải pháp bảo vệ nguồn lợi rong mơ tại Khánh Hòa” cho biết: Sản lượng rong mơ tại Khánh Hòa đang suy giảm nghiêm trọng với tốc độ mỗi năm suy giảm gần một nửa. Rong mơ giảm sản lượng, người khai thác mất thu nhập. Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn là rong mơ có khả năng hấp thụ dinh dưỡng từ chất thải dư thừa ở cửa sông, giảm ô nhiễm môi trường. Nếu thu hoạch hết rong mơ thì phần chất thải đó giữ lại trong môi trường, làm môi trường biển bị ô nhiễm. Hết rong mơ, tôm, cua, cá… cũng không còn nơi trú ngụ, đẻ trứng, mất nguồn thức ăn cho ấu trùng… khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt dần. Còn theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, năm 2010, UBND tỉnh đã có Chỉ thị 07/CT-UBND về việc quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi rong mơ trên địa bàn. Qua đó, yêu cầu các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tiến hành biện pháp quản lý, kiểm tra, yêu cầu người dân khai thác rong mơ đúng thời gian sinh trưởng của rong theo từng khu vực. Đồng thời, Chỉ thị cũng hướng dẫn cụ thể phương pháp, quy trình kỹ thuật để đảm bảo khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi rong mơ. Khi thu hoạch rong phải để lại gốc bám và một đoạn thân dài 10cm, khai thác phải chừa lại 20% trữ lượng rong theo các luống, luống cách luống khoảng 100cm để còn có nơi cư trú và sinh sản cho các loài hải sản. Khai thác xong không được giẫm đạp lên rong, không neo thả tàu thuyền gây hủy diệt… Thế nhưng đến nay, tình trạng khai thác rong non, khai thác không đúng quy cách vẫn diễn ra.

Ông Lê Văn Dũng - Phó Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Chỉ thị về việc khai thác rong mơ đã được quán triệt, tuyên truyền, giáo dục đến tận người dân. Việc kiểm tra, kiểm soát rất khó, cơ quan chức năng không thể lặn xuống biển để kiểm tra, còn trên bờ chặn đường này thì người dân đi đường khác. Thực tế, người dân hiểu được lợi ích của việc khai thác rong mơ đúng quy cách, nhưng vì miếng cơm manh áo, họ đành phải làm liều. Từ trước đến nay, việc thanh tra mới chỉ dừng lại ở nhắc nhở, chưa xử phạt ai trong vấn đề này. Theo tôi, để bảo vệ rong mơ, nên có hướng tổ chức theo diện cộng đồng quản lý; nhưng để thực hiện được cần phải có kinh phí”.

MINH THIẾT