Luật Khiếu nại, tố cáo 1998 và được bổ sung năm 2004, 2005 tuy có tác dụng nhất định nhưng tỏ ra không phù hợp với tình hình mới. Vì được quy định chung khiếu nại và tố cáo nên giá trị pháp lý chưa cao. Qua tổng kết có thể thấy, việc giải quyết tố cáo còn hạn chế. Một nguyên nhân quan trọng là luật cũ chỉ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính, chứ chưa quy định trong lĩnh vực quản lý nhà nước (QLNN) trong khi nhiều văn bản quy định việc giải quyết tố cáo trong lĩnh vực QLNN theo Luật Khiếu nại tố cáo. Mặt khác, luật cũ chưa phân định rõ thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức hay trình tự, thủ tục trong việc giải quyết tố cáo.
Luật Khiếu nại, tố cáo 1998 và được bổ sung năm 2004, 2005 tuy có tác dụng nhất định nhưng tỏ ra không phù hợp với tình hình mới. Vì được quy định chung khiếu nại và tố cáo nên giá trị pháp lý chưa cao. Qua tổng kết có thể thấy, việc giải quyết tố cáo còn hạn chế. Một nguyên nhân quan trọng là luật cũ chỉ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính, chứ chưa quy định trong lĩnh vực quản lý nhà nước (QLNN) trong khi nhiều văn bản quy định việc giải quyết tố cáo trong lĩnh vực QLNN theo Luật Khiếu nại tố cáo. Mặt khác, luật cũ chưa phân định rõ thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức hay trình tự, thủ tục trong việc giải quyết tố cáo.
Nhiều người khi đứng đơn tố cáo thường không biết quyền và nghĩa vụ của mình là gì. Có người sốt ruột cứ hỏi giải quyết đến đâu nhưng vì chưa có quy định cụ thể nên cán bộ giải quyết trả lời sao cũng được. Thậm chí đến khi có kết luận, người tố cáo cũng chẳng hay biết là mình có được thông báo kết quả hay không. Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành vẫn có những quy định bảo vệ cho người tố cáo, xác định trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo vệ cho người tố cáo. Tuy nhiên, những quy định đó chưa được cụ thể và thiếu cơ chế tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, nhiều người không dám tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vì sợ bị trả thù, trù dập, một số người khác thì tố cáo giấu tên, không nêu địa chỉ của mình. Mặt khác, cũng có những trường hợp người tố cáo bị trả thù, trù dập mà người vi phạm không bị xử lý gì. Đó là những cơ sở để Quốc hội ban hành một luật độc lập, Luật Tố cáo.
Ngày 1-7-2012, Luật Tố cáo sẽ chính thức có hiệu lực. Đây sẽ là công cụ quan trọng để phát hiện những hành vi vi phạm, đấu tranh chống tham nhũng, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động QLNN trong tình hình mới. Về cơ bản, Luật Tố cáo kế thừa tính ưu việt của luật cũ nhưng cũng có nhiều quy định mới để hoàn thiện hơn. Điểm mới cơ bản của Luật Tố cáo là mở rộng phạm vi điều chỉnh, đó là quy định rõ 2 nhóm hành vi vi phạm luật. Một là: hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Hai là hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân về QLNN trong các lĩnh vực bao gồm tất cả các hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào trong xã hội, kể cả vi phạm của cán bộ công chức, viên chức ngoài phạm vi nhiệm vụ.
Về vấn đề quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, Luật mới có quy định về bảo vệ bí mật cho người tố cáo, các cơ quan Nhà nước phải có trách nhiệm thực hiện quy định này. Trong trường hợp họ cảm thấy bị đe dọa, trả thù, trù dập thì người giải quyết tố cáo phải có biện pháp để bảo vệ họ. Ngoài ra, người tố cáo còn có quyền được biết kết quả việc thụ lý tố cáo, quyết định chuyển đơn hay kết quả giải quyết tố cáo. Còn đối với người bị tố cáo, họ cũng có quyền được biết kết quả giải quyết tố cáo hay yêu cầu xử lý người tố cáo không đúng.
Lâu nay vẫn có tình trạng đơn thư tố cáo bị chuyển lòng vòng vì không xác định được cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Để hạn chế tình trạng đó, Luật Tố cáo quy định rõ thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và đặc biệt, một quy định hoàn toàn mới là thẩm quyền giải quyết trong quá trình QLNN trong các lĩnh vực. Theo đó, nội dung tố cáo liên quan đến chức năng QLNN của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết.
Việc xác minh nội dung tố cáo là một trong những nội dung cốt lõi của Luật Tố cáo. Trước đây, vì luật cũ chưa quy định rõ ràng nên quá trình xử lý đơn tố cáo khá tùy tiện và không thống nhất. Nhiều nơi khi xử lý đơn tố cáo còn tỏ ra thiếu khách quan, cảm tính vì không bị ràng buộc chặt chẽ. Chính vì thế Luật mới đã quy định rõ các quy trình, thủ tục giải quyết đơn tố cáo cũng như quyền và nghĩa vụ của người xác minh nội dung tố cáo.
Luật Tố cáo có hiệu quả hay không liên quan đến yếu tố xử lý. Đây là khâu cuối cùng nhưng có ý nghĩa quyết định. Trước đây, việc xác minh rõ ràng nhưng nhiều khi cách xử lý còn thiếu thống nhất, mơ hồ giữa các hình thức nên việc xử lý không nghiêm, dẫn đến vi phạm nguyên tắc pháp quyền. Vì thế lần này, Luật đã quy định rõ hình thức xử lý, mức độ nào thì phải xử lý ra sao. Đây được xem là cách thức tốt nhất để bảo đảm đưa Luật vào cuộc sống, bảo đảm phát huy được dân chủ của nhân dân.
LÊ MINH