Thảo luận tại Hội trường về Báo cáo bổ sung về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2011; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2012...
Thảo luận tại Hội trường về Báo cáo bổ sung về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2011; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2012, các đại biểu cơ bản nhất trí với đánh giá đã nêu trong Báo cáo, cũng như trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Nhiều ý kiến đại biểu nhấn mạnh, trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, kết quả vẫn có 15/22 chỉ tiêu đạt và vượt theo Nghị quyết của Quốc hội. Điều đó khẳng định việc điều hành của Chính phủ đã bám sát thực tiễn, đặc biệt là hiệu quả của việc triển khai Nghị quyết 11. Nghị quyết đã có tác động mạnh đến nền kinh tế, làm cho giá cả hàng hóa tăng chậm lại, lạm phát được kiềm chế dưới 10%.
Báo cáo cho thấy thu chi ngân sách đạt kết quả khá, các giải pháp về giảm thiểu tai nạn giao thông bước đầu phát huy hiệu quả, chính sách tiền tệ tín dụng được điều hành chặt chẽ và thận trọng hơn, an sinh xã hội được đảm bảo.
Theo một số đại biểu, kinh tế nước ta đang trải qua giai đoạn rất khó khăn, phát triển thiếu ổn định, sự thăng trầm từ thăng hoa lạm phát, suy giảm kinh tế liên tục diễn ra. Nguyên nhân do nhiều chính sách ban hành trong điều hành kinh tế vĩ mô còn chậm, thiếu nhất quán, thay đổi liên tục, nặng về giải pháp giải quyết tình huống. Việc cải cách tái cơ cấu nền kinh tế chưa theo kịp yêu cầu với công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp nói riêng, tổng thể nền kinh tế nói chung.
Hiệu quả đầu tư của khối doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước được xác định là yếu tố chủ đạo chi phối nền kinh tế vẫn chưa được cải thiện, chiến lược điều hành chính sách tiền tệ tín dụng chưa theo kịp diễn biến của thị trường.
Đại biểu cho rằng, trong thời điểm hiện nay để phát triển kinh tế, chúng ta cần chấp nhận một tỷ lệ lạm phát hợp lý. Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ, bài bản, có tính dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp như Nghị quyết 13 đã đưa ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh, hỗ trợ thị trường cho doanh nghiệp.
Nhiều đại biểu băn khoăn, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% của năm nay, cả nước sẽ phải phấn đấu cật lực mà có thể sẽ vẫn không đạt được. Chúng ta không hy sinh tăng trưởng để kiềm chế lạm phát, nhưng theo đại biểu không nên buông lơi mục tiêu kiềm chế lạm phát, tuyệt đối không nên vì sức ép tăng trưởng mà nới lỏng tài chính tiền tệ.
Một số đại biểu nêu ý kiến, trong tình hình hiện nay, ngành Ngân hàng nên quan tâm đến ý kiến của cử tri. Ngân hàng được lợi, nhân dân và doanh nghiệp cũng phải được lợi, đó không chỉ là đạo lý mà chính là trách nhiệm. Theo đại biểu, hiện nay “thuốc đặc trị” cho ngân hàng chính là sự minh bạch và công tâm.
L.H (Tổng hợp)