Sáng 18-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi)...
Sáng 18-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi).
Hoạt động xuất bản là hoạt động văn hóa, tư tưởng thông qua việc in và phát hành xuất bản phẩm đến nhiều người. Tuy nhiên, Luật Xuất bản hiện hành còn nhiều bất cập. Đặc biệt là vấn đề quản lý những ấn bản điện tử. Theo một số đại biểu, trong thời đại công nghệ thông tin, việc xuất bản và phát hành các xuất bản phẩm rất dễ dàng. Những xuất bản phẩm với những nội dung không phù hợp sẽ dễ dàng được phát tán một cách nhanh chóng, rộng rãi kèm theo những ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức xã hội, đặc biệt trong việc định hướng tư tưởng, đạo đức cho giới trẻ. Việc có nhiều thiết bị đọc nhờ công nghệ tiên tiến khiến cho việc kiểm soát theo phương thức truyền thống không còn phù hợp. Từ những lý do trên, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm và bảo hộ quyền tác giả ở Điều 5 và bỏ khoản 3 của điều này vì quy định quá chung chung. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung các quy định tại khoản 2 Điều 6 quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản và Điều 7 về chính sách phát triển hoạt động xuất bản in, phát hành xuất bản phẩm, trong đó nên xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý tập trung tất cả các xuất bản phẩm, các nội dung có liên quan như tác giả, nhà xuất bản, số giấy phép…, khi đó nếu chúng ta muốn kiểm tra ấn phẩm nào trên thị trường thì sẽ có đầy đủ thông tin liên quan để kiểm tra, đối chiếu.
Một số đại biểu bày tỏ mối quan ngại về các ấn phẩm được xuất bản lậu đang tràn lan trên thị trường trong nước hiện nay, vấn đề bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm chưa được đảm bảo, gây thiệt hại lớn cho các nhà xuất bản chân chính và thiệt hại trực tiếp cho các tác giả. Đại biểu đề nghị phải bổ sung những quy định chặt chẽ, những chế tài nghiêm khắc xử lý hành vi lợi dụng sự phát triển của công nghệ in ấn, sao chụp, xuất bản ấn phẩm lậu. Mặt khác, việc quản lý xuất bản, in, phát hành phải được quản lý đồng bộ, đặc biệt là khâu phát hành.
Được biết, trong hoạt động in ấn, hiện cả nước chỉ có khoảng 60 cơ sở in Nhà nước sở hữu 100% vốn, còn lại có trên 1.500 cơ sở in, nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hoặc cơ sở tư nhân, có quá nhiều cơ sở in không được cấp phép nên các ấn phẩm đã không được kiểm soát chặt chẽ.
L.H (Tổng hợp)