Tại kỳ họp lần này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua Nghị quyết về chế độ tiền thưởng đối với tập thể, cá nhân nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh...
Đại biểu Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Chế độ khen thưởng sẽ là nguồn động viên đối với các diễn viên, nghệ sĩ
Tại kỳ họp lần này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua Nghị quyết về chế độ tiền thưởng đối với tập thể, cá nhân nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh và Đoàn Ca múa nhạc (CMN) Hải Đăng. Từ trước đến nay, tỉnh chưa quy định chế độ khen thưởng dành cho tập thể, cá nhân nghệ sĩ các đơn vị nghệ thuật trong tỉnh. Vì vậy, mỗi khi 2 đơn vị này tham gia các hội diễn, mang thành tích về cho tỉnh, lãnh đạo tỉnh muốn khen thưởng lại bị vướng cơ chế, chính sách. Vì vậy, lần này, UBND tỉnh đã mạnh dạn đề nghị HĐND tỉnh có nghị quyết về chế độ tiền thưởng đối với tập thể, cá nhân nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn CMN Hải Đăng và Nhà hát NTTT tỉnh và đã được HĐND tỉnh thông qua. Tuy mức thưởng không cao, nhưng đây là nguồn động viên lớn đối với các diễn viên, nghệ sĩ của tỉnh, nhất là các nghệ sĩ của Đoàn CMN Hải Đăng và Nhà hát NTTT tỉnh có nhiều đóng góp trong việc đi biểu diễn ở miền núi và huyện đảo Trường Sa. Tôi hy vọng, chính sách này sẽ là tác nhân thúc đẩy các diễn viên, nghệ sĩ của Đoàn CMN Hải Đăng và Nhà hát NTTT tỉnh nỗ lực, có những đóng góp mới cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật Khánh Hòa.
Cũng trong kỳ họp này, UBND tỉnh đã có Tờ trình đề nghị HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết quy định chế độ cho huấn luận viên (HLV), vận động viên (VĐV) thể dục, thể thao. Mục đích của UBND tỉnh là tăng kinh phí trong chế độ tập luyện, thi đấu của HLV, VĐV để phù hợp với thực tế; đồng thời nâng cao tinh thần tập luyện, thi đấu của các VĐV và HLV, giúp VĐV đủ sức tham gia thi đấu các giải quốc gia, quốc tế. Liên quan đến vấn đề này, cũng cần nói thêm, năm 2008, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 08 về chế độ cho HLV, VĐV. Với mặt bằng giá lúc đó, chế độ cho VĐV và HLV là phù hợp. Đến năm 2010, do trượt giá nên HĐND tỉnh cũng đã có nghị quyết sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình chung. Tuy nhiên, tháng 6-2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 32 quy định về một số chế độ chính sách mới dành cho HLV và VĐV. Vì vậy, căn cứ quy định của tỉnh cũng như Quyết định số 32 của Thủ tướng, UBND tỉnh đã có tờ trình để HĐND tỉnh xem xét các chế độ như: bồi dưỡng dinh dưỡng cho HLV và VĐV, chế độ tập luyện, khen thưởng khi đạt thành tích với từng mức cụ thể.
X.T (ghi)
Đại biểu Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa: Giá dịch vụ khám, chữa bệnh hiện đã quá lạc hậu
Tính đến nay, bảng giá thu một phần viện phí theo Thông tư liên tịch số 14 của liên Bộ Y tế, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Vật giá Chính phủ ban hành đã 17 năm (tính từ năm 1995). Giá dịch vụ y tế đã áp dụng quá lâu và lạc hậu so với sự phát triển của xã hội (giá khám bệnh từ 1.000 đến 3.000 đồng). Các bệnh viện (BV) chưa thể chủ động thực hiện tái đầu tư máy móc và trang thiết bị, chưa có kinh phí duy tu, bảo dưỡng máy móc, trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB). Vì vậy, ngành Y tế đã đề xuất cần ban hành bảng giá dịch vụ KCB mới, tạo điều kiện cho các BV có nguồn thu để đầu tư máy móc, trang thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng…, từ đó nâng cao chất lượng KCB cho người dân; giảm sự quá tải cho các BV tuyến trên, hạn chế tình trạng bệnh nhân nằm ghép giường. Việc áp dụng giá dịch vụ y tế mới góp phần thúc đẩy người dân tích cực tham gia mua bảo hiểm y tế (BHYT), để đến năm 2014, toàn tỉnh cơ bản thực hiện BHYT toàn dân. Tuy nhiên, việc ban hành bảng giá dịch vụ KCB cũng sẽ ảnh hưởng đến người bệnh không có thẻ BHYT; khi KCB và điều trị tại các cơ sở y tế công lập sẽ phải chịu phí dịch vụ y tế cao hơn và một số đối tượng cận nghèo, học sinh, sinh viên, công chức, viên chức… sẽ phải tăng mức cùng chi trả.
Theo quy định của Luật KCB, giá thu dịch vụ y tế bao gồm 7 nội dung: Chi phí về hóa chất, vật tư tiêu hao; chi phí về điện, nước và chi phí hậu cần khác; chi phí duy tu, bảo dưỡng, thay thế công cụ, dụng cụ; tiền lương; chi phí khấu hao trang thiết bị trực tiếp; chi phí khấu hao cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phụ trợ khác; chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ khoa học. Nếu tính đủ 7 loại chi phí trên, giá dịch vụ y tế sẽ rất cao, người dân không đủ khả năng chi trả. Vì vậy, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, giá dịch vụ KCB lần này chỉ bao gồm 3 loại: chi phí về hóa chất, vật tư tiêu hao; chi phí về điện, nước và chi phí hậu cần khác; chi phí duy tu, bảo dưỡng, thay thế công cụ, dụng cụ. Có thể nói, giá dịch vụ KCB sắp tới đây sẽ tăng, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giá thực tế. Theo tôi, việc ban hành bảng giá KCB mới là hết sức cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế.
X.T (ghi)
Đại biểu Nguyễn Thanh Lâm - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa: Cần xem lại hiệu quả đầu tư của một số dự án
Trước tiên, cần khẳng định, các dự án mà tỉnh đầu tư trong giai đoạn vừa qua đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đưa Khánh Hòa vào tốp các địa phương có kinh tế phát triển của cả nước. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, cũng cần đánh giá lại hiệu quả của một số dự án. Đơn cử như trên lĩnh vực điện, một số dự án đã không phát huy được hiệu quả như: Khu du lịch (KDL) Bắc bán đảo Cam Ranh, Khu công nghiệp Ninh Thủy, Khu tái định cư (TĐC) Vĩnh Hòa… Cụ thể, Dự án Khu TĐC Vĩnh Hòa, tỉnh đã đầu tư hệ thống điện đầy đủ theo đúng quy mô dự án với trị giá khoảng 16 tỷ đồng (đã nghiệm thu, đóng điện, đưa vào vận hành); nhưng đến nay, do chưa có nhà dân nào xây dựng nên chưa có phụ tải. Tương tự, ở KDL Bắc bán đảo Cam Ranh, ngành Điện đã đầu tư xây dựng đường dây nhánh rẽ và trạm biến áp 110kV với tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng (đã đóng điện, đưa vào vận hành từ năm 2010), nhưng do các dự án ở đây triển khai rất chậm nên đến nay cũng chưa có phụ tải. Điện phải đi trước một bước, nhưng việc các dự án quá chậm khiến Công ty rất thiệt thòi. Do vốn đầu tư dự án phải đi vay nên hàng tháng phải chịu lãi suất rất lớn. Hiện nay, tất cả công trình bằng vốn ngân sách, sớm muộn gì Công ty cũng phải hoàn vốn cho tỉnh, tỉnh cũng đã ưu đãi cho Công ty hoàn vốn chậm, lấy khấu hao để hoàn vốn; tuy nhiên, có những dự án, khi tiếp nhận, tính toán, 20 năm sau vẫn chưa thu hồi được vốn.
Từ thực tế đó, Công ty đã báo cáo, kiến nghị với Sở Công Thương và UBND tỉnh, khi triển khai dự án nên có sự phân kỳ đầu tư (nhất là về điện), không nên đầu tư đồng loạt mà nên đầu tư từng bước, đáp ứng nhu cầu của dự án và người sử dụng dự án để việc sử dụng vốn đầu tư hiệu quả hơn, nhất là ở các dự án khu TĐC.
Hiện nay, chúng tôi rất quan tâm đến việc đảm bảo cung cấp điện, phục vụ tốt nhất cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (đặc biệt là các chương trình, dự án trọng điểm). Để thực hiện được việc này, ngoài thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành hệ thống nguồn lưới điện hiện có, hàng năm, Công ty cũng cần một nguồn vốn rất lớn để đầu tư phát triển hệ thống điện. Trong khi vốn để đầu tư nguồn lưới điện còn nhiều khó khăn thì việc tính toán hiệu quả các công trình đầu tư là rất cần thiết.
Với thực tế trên, tôi cho rằng, tỉnh cần xem xét, đánh giá tổng quát các dự án đầu tư, từ đó tìm ra dự án nào chưa hiệu quả để rút kinh nghiệm, tìm giải pháp khắc phục cho những dự án về sau.
N.L (ghi)
Đại biểu Đào Công Thiên - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa: Phấn đấu đến năm 2015, có hơn 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án XDNTM tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2010 - 2020. Đến nay, có 94 xã đã hoàn thành việc đánh giá hiện trạng để lập đề án XDNTM, trong đó có 68/94 xã có đề án được phê duyệt. Dự kiến đến ngày 31-12-2012, toàn tỉnh sẽ hoàn thành tiêu chí về quy hoạch. UBND tỉnh đang chỉ đạo tập trung điều chỉnh cơ chế chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, ngành nghề nông thôn; chính sách về dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp; kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ làm công tác XDNTM để thực hiện Chương trình.
Hiện nay, khó khăn nhất là nguồn vốn trực tiếp triển khai thực hiện Chương trình còn thấp, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách phân bổ hàng năm. Dự kiến, trong năm 2013, nguồn vốn bố trí cho Chương trình XDNTM chỉ hơn 415 tỷ đồng; giai đoạn 2013 - 2015 là hơn 1.469 tỷ đồng. Để khắc phục tình trạng này, các địa phương cần huy động nhiều nguồn vốn khác nhau, vận động và có cơ chế ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư các công trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và các dự án khác có khả năng thu hồi vốn trực tiếp như: cung cấp điện, nước sạch, gom rác thải, bảo vệ môi trường…; huy động sự đóng góp của nhân dân vào xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nhiều hình thức như: đóng góp sức lao động, vật tư, vật liệu xây dựng, hiến đất… Ngoài ra, trong bố trí đầu tư, cần lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn nông thôn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là triển khai tại 20 xã điểm. Bên cạnh tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các địa phương cần chỉ đạo, hỗ trợ nông dân chuyển dịch cơ cấu, phát triển sản xuất; tăng cường nguồn vốn trực tiếp cho Chương trình trong khả năng của tỉnh.
Tuy quá trình XDNTM trên địa bàn tỉnh mới bắt đầu và gặp không ít khó khăn, nhưng với cách làm khoa học, triển khai bài bản các giải pháp, đặc biệt là quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Khánh Hòa sẽ đạt tỉnh hoàn thành XDNTM đúng tiến độ theo Bộ tiêu chí quốc gia. Cụ thể, đến năm 2015, có hơn 50% số xã đạt chuẩn NTM; năm 2018, các huyện đồng bằng đạt NTM; năm 2020, Khánh Hòa đạt tỉnh hoàn thành XDNTM.
CHÂU AN KHÁNH (ghi)
Đại biểu Nguyễn Lạc - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa: Tăng mức vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để người dân thoát nghèo bền vững
Theo kết quả điều tra năm 2012, toàn tỉnh có 32.913 hộ cận nghèo. Trong đó, số hộ có nhu cầu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là 11.567 hộ (theo báo cáo của ngân hàng). Với mức vay bình quân 20 triệu đồng/hộ, sẽ cần nguồn vốn khoảng 231 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu vay. Tuy nhiên, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, nguồn vốn chưa đáp ứng đủ. Riêng đối với hộ nghèo thuộc giai đoạn 2006 - 2010, tổng số đối tượng được tiếp cận nguồn vốn NHCSXH tính đến ngày 31-5-2012 là 1.572 hộ, tổng vốn vay khoảng 22 tỷ đồng, bình quân mức vay 14 triệu đồng/hộ. So với các địa phương khác, ngoài định mức cho vay thấp, số hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn từ NHCSXH còn thấp, trong khi đó, Khánh Hòa là một trong những địa phương có tổng thu ngân sách cao của cả nước.
Theo quy định của NHCSXH Trung ương, mức cho vay đối với hộ nghèo để đầu tư vào chăn nuôi gia súc; trồng cây công nghiệp; cây ăn quả dài ngày; nuôi trồng thủy sản; ngành nghề truyền thống… tối đa là 30 triệu đồng/hộ. Đối với hộ nghèo vay vốn sản xuất kinh doanh không thuộc các đối tượng trên, khi xem xét cho vay, NHCSXH địa phương căn cứ vào khả năng nguồn vốn, nhu cầu vay và khả năng trả nợ của từng hộ nghèo để xác định mức vay cụ thể, nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, hiện nay, NHCSXH đang cho hộ nghèo vay với mức bình quân 18 triệu đồng/hộ, thấp hơn mức bình quân của cả nước (24 triệu đồng/hộ). Do mức vay thấp nên nguồn vốn đầu tư để phát triển sản xuất, kinh doanh của các hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ thoát nghèo thấp. Thời gian tới, bên cạnh những cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, tỉnh và NHCSXH cần xem xét tăng mức vay và số hộ được vay để người dân thoát nghèo bền vững.
A.T (ghi)
Đại biểu Nguyễn Hòa - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa: Doanh nghiệp gặp khó, quyền lợi của người lao động bấp bênh
Hiện nay, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, một số doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, mức tiêu thụ hàng hóa trên thị trường tăng chậm… Một số DN ở các khu công nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất bằng cách cắt giảm lao động hoặc cho công nhân nghỉ chờ việc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập và quyền lợi của người lao động (NLĐ). Qua khảo sát của tổ chức Công đoàn, mức thu nhập bình quân của NLĐ ở khu vực DN ngoài Nhà nước chỉ đạt từ 2,2 - 2,8 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, tiền lương chỉ chiếm 2/3 tổng thu nhập, còn lại là phụ cấp ăn ca, hỗ trợ tiền xăng xe, nhà trọ, thưởng chuyên cần… Do vậy, thực tế thu nhập của NLĐ trong các DN không được cải thiện theo quy định tăng lương tối thiểu của Chính phủ.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, tính đến 31-5-2012, trên địa bàn tỉnh có 262 đơn vị, DN nợ tiền BHXH 6 tháng trở lên với số tiền hơn 36 tỷ đồng. Điều này đã trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của khoảng 5.000 NLĐ. Khi NLĐ nghỉ ốm đau, thai sản, nghỉ việc, bị thất nghiệp… sẽ không được thanh toán chế độ BHXH, không được chốt sổ BHXH. Để bảo vệ quyền lợi NLĐ, tổ chức Công đoàn đang tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn ở các đơn vị, DN trên địa bàn; kịp thời phát hiện để kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến chế độ tiền lương, thưởng, bảo hiểm, thời gian lao động, công tác an toàn vệ sinh lao động…; phối hợp với các DN nâng cao số lượng, chất lượng của việc ký kết thỏa ước lao động tập thể với nội dung có lợi hơn so với quy định của pháp luật cho NLĐ; đồng thời giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở DN. Ngoài ra, kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp tăng cường thu nợ đọng BHXH của các đơn vị, DN trên địa bàn để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.
ANH TUẤN (ghi)