06:06, 30/06/2012

Chất vấn nhiều vấn đề cử tri quan tâm

Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V, các đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn một số vấn đề cử tri quan tâm. Báo Khánh Hòa xin trích đăng những nội dung chất vấn được UBND tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh trả lời...

Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V, các đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn một số vấn đề cử tri quan tâm. Báo Khánh Hòa xin trích đăng những nội dung chất vấn được UBND tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh trả lời (một số ý kiến chất vấn trùng lặp với nội dung phỏng vấn trong các số báo trước, Báo Khánh Hòa không đăng lại).


Đại biểu Đoàn Minh Long: Tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh khóa V, UBND tỉnh đã trả lời về việc cho phép người dân trong vùng quy hoạch “treo” được xây dựng, sửa chữa nhà ở, được cấp phép xây dựng tạm thời công trình đến quy mô 1 tầng và có quy định thời hạn. Tuy nhiên, khi cử tri làm đơn xin xây dựng, các cơ quan có thẩm quyền đều hỏi giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) và nhà ở. Vì vậy, người dân không thực hiện được. Xin ông Chủ tịch UBND tỉnh cho ý kiến để cử tri và cơ quan có thẩm quyền cấp phép được rõ hơn, giúp người dân ổn định cuộc sống.

 

 

Ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Theo quy định, người dân sẽ được cấp GCNQSDĐ nếu có một trong các loại giấy tờ theo khoản 1, khoản 2, khoản 5 của Điều 50 Luật Đất đai và được xây dựng tạm thời. Hiện nay, tỉnh cho phép xây dựng tạm thời đến nhà 1 tầng trong các vùng quy hoạch chưa triển khai. Để xin giấy phép xây dựng tạm thời ở các địa phương, người dân chỉ cần giấy tờ chứng minh QSDĐ (theo khoản 1, khoản 2, khoản 5 Điều 50 Luật Đất đai) chứ không phải là GCNQSDĐ. Ở dưới địa phương, nếu người dân không được cấp phép xây dựng, các đại biểu phải hướng dẫn người dân, các cấp chính quyền địa phương phải hướng dẫn cho người dân chứ không thể có chuyện không cấp phép xây dựng tạm thời, vì điều đó sẽ gây khó khăn cho người dân. Cũng cần phải nói thêm, đến khi quy hoạch được triển khai sẽ tiến hành tháo dỡ tất cả các công trình tạm thời mà không phải đền bù. Nếu chúng ta không hạn chế việc xây dựng, người dân xây dựng kiên cố, xây dựng quá mức, đến khi thu hồi để thực hiện quy hoạch thì sẽ tốn kém cho xã hội. Tất cả những quy định này của tỉnh đều dựa vào Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Nghị định 12 của Chính phủ về giấy phép xây dựng tạm thời.

X.T (ghi)


 

Đại biểu Nguyễn Thiện Hùng: Việc cấp GCNQSDĐ ở nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện chậm, kể cả những nơi đã triển khai Dự án VLAP, tình hình cũng chưa được cải thiện đáng kể. Thực trạng đó để lại nhiều khó khăn cho người dân trong việc thực hiện các QSDĐ. Đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân của sự chậm trễ và những giải pháp mà UBND tỉnh đã đề ra nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc? Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh cho dự kiến về thời gian hoàn thành một cách cơ bản việc cấp GCNQSDĐ (không kể trường hợp phát sinh mới)?

Ông Lê Mộng Điệp - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:

Tính đến hết năm 2011, toàn tỉnh đã cấp 256.706 GCNQSDĐ với 74.285ha cho hộ gia đình và cá nhân (đạt khoảng 75% diện tích cần xét cấp GCNQSDĐ). Trong đó, đối với đất sản xuất nông nghiệp giao theo Nghị định số 64 của Chính phủ, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ; phần diện tích còn lại chưa được cấp GCNQSDĐ hiện nay chủ yếu là đất nông nghiệp, không thuộc diện tích đất thực hiện theo Nghị định 64 và đất nông nghiệp không đủ điều kiện cấp GCN (do lấn chiếm và không phù hợp quy hoạch). Riêng tiến độ cấp GCNQSDĐ đô thị còn chậm vì nguồn gốc sử dụng phức tạp và phần lớn không có giấy tờ về QSDĐ.

Việc chậm cấp GCNQSDĐ vừa có nguyên nhân chủ quan, vừa có khó khăn khách quan. Về chủ quan: Các cấp, ngành đều nhận thức đây là chính sách lớn của Nhà nước, nhưng trong tổ chức thực hiện, một số địa phương, nhất là cấp xã, chưa chỉ đạo tập trung. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, do đó thường giao phó nhiệm vụ tổ chức thực hiện cho cán bộ địa chính cấp xã và Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cấp huyện, trong khi khối lượng công việc rất lớn. Một số UBND cấp xã chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật đất đai về cấp GCNQSDĐ nên quá trình thực hiện còn lúng túng, việc kiểm tra, xem xét hồ sơ chậm, nhiều trường hợp không giải quyết, làm chậm tiến độ cấp GCN.

Bên cạnh đó, hệ thống văn phòng đăng ký QSDĐ cấp huyện được thành lập nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ do thiếu cán bộ và các điều kiện hoạt động cần thiết như: cơ sở vật chất, trang thiết bị; một số cán bộ mới được tuyển dụng, còn hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn. Cán bộ địa chính mỗi xã chỉ có 1 người, lại phải kiêm nhiệm rất nhiều việc; mặt khác, tuy đã được đào tạo chuyên môn về quản lý đất đai nhưng nhận thức pháp luật còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, một số do mới được bổ nhiệm nhưng chưa qua đào tạo nên trình độ chuyên môn còn hạn chế.

Về tài chính, khả năng tài chính của nhiều hộ dân còn khó khăn nên không ít trường hợp đã nộp hồ sơ xin cấp GCN và đã được giải quyết, nhưng khi nhận thông báo nộp thuế thì lại rút hồ sơ về hoặc không thực hiện nghĩa vụ tài chính, vì vậy không giải quyết được. Một số hộ dân do chưa có khả năng thực hiện nghĩa vụ của người SDĐ nên không đăng ký cấp GCNQSDĐ. Một số chủ SDĐ (những nơi đất có giá trị thấp, ít người nhận chuyển nhượng) không kê khai đăng ký. Kinh phí cho hoạt động của các văn phòng đăng ký QSDĐ cấp huyện hầu hết là tự chủ và không được ngân sách cấp.

Về nguyên nhân khách quan: Bản đồ địa chính một số địa phương được đo vẽ từ nhiều năm trước, đến nay đã có biến động nhưng chưa được chỉnh lý kịp thời. Do đó, khi cấp GCNQSDĐ phải trích đo độc lập từng thửa đất hoặc phải đo chỉnh lý. Hầu hết các quy hoạch xây dựng đô thị chưa được phê duyệt cắm mốc trên thực địa nên việc xác định diện tích đất thuộc phạm vi quy hoạch xây dựng đường giao thông để ghi vào GCN rất khó khăn. Hệ thống văn bản pháp luật đất đai bổ sung, sửa đổi nhiều, chưa thống nhất, chưa đầy đủ, có những điểm chồng chéo, dẫn đến việc áp dụng pháp luật chưa thống nhất.

Quy định khi lập thủ tục cấp GCNQSDĐ gắn liền với tài sản là nhà, người dân phải nộp tờ khai xây dựng nhà để tính lệ phí trước bạ, phải đo vẽ thêm vị trí nhà lên bản đồ cũng làm chậm tiến độ. Nhiều trường hợp người SDĐ không có giấy tờ về nguồn gốc đất (đặc biệt đối với đất ở) và quá trình SDĐ phức tạp nên việc xem xét, xác minh ở cấp xã mất rất nhiều thời gian.

Một số giải pháp UBND tỉnh đã thực hiện: UBND tỉnh đã chủ trương chỉ đạo tất cả thửa đất đang có người sử dụng đều phải được kê khai đăng ký để xem xét cấp GCNQSDĐ nhằm cơ bản hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ trong năm 2013 và hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, hồ sơ địa chính trước năm 2015. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang thực hiện Dự án VLAP nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2483 quy định về trình tự, thủ tục kê khai đăng ký, xét duyệt, thẩm định hồ sơ cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với Dự án VLAP; chỉ đạo thực hiện triệt để việc lồng ghép trong công tác đo đạc và đăng ký cấp GCN; quy định rõ nhiệm vụ của từng cấp, từng đơn vị trong tổ chức thực hiện cấp GCNQSDĐ.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở TN-MT xây dựng kế hoạch cấp GCN trên địa bàn tỉnh; kế hoạch thực hiện Dự án VLAP; tăng cường kiểm tra và cử cán bộ chuyện môn của Sở trực tiếp theo dõi địa bàn TP. Nha Trang và các đơn vị cấp huyện để kịp thời giải quyết các khó khăn về chuyên môn.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giao cho Sở TN-MT, Ban quản lý Dự án VLAP tổ chức tập huấn công tác tuyên truyền về cấp GCNQSDĐ đến cán bộ xã, huyện trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, cấp xã, huyện tổ chức tuyên truyền nội dung Dự án VLAP sâu rộng đến người SDĐ tại các địa phương triển khai Dự án VLAP. Đã có hơn 80% số hộ gia đình tham dự các buổi tuyên truyền. Ban quản lý Dự án VLAP tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương, Phòng TN-MT tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nội dung Dự án thông qua báo, đài, phát tờ rơi, pa-nô, áp-phích; hợp đồng với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền đến các hội viên; động viên các trường hợp phải nộp tiền SDĐ nhưng khó khăn về tài chính ghi nợ trên GCNQSDĐ.

Sở TN-MT đã tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã, huyện và lực lượng thi công; kịp thời giải đáp các vướng mắc của Phòng N-MT cấp huyện và đơn vị thi công trong công tác đo đạc, cấp GCNQSDĐ. Đến nay, các vướng mắc đã cơ bản có văn bản hướng dẫn giải quyết. Đã giao Sở Xây dựng giải quyết các vướng mắc về xác định diện tích đất quy hoạch xây dựng đường giao thông trong các thị trấn, thị xã, thành phố, khu công nghiệp.

Tỉnh cũng đã cho phép UBND các xã được hợp đồng thêm 1 cán bộ địa chính để giúp UBND xã đẩy nhanh tiến độ xét hồ sơ đăng ký. Đối với cấp huyện, cho phép văn phòng đăng ký QSDĐ được hợp đồng thêm cán bộ để đẩy nhanh tiến độ thẩm tra hồ sơ.

X.T (ghi)