Nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích thiết thực của môi trường tự nhiên đối với đời sống, nhiều hộ gia đình ở khu vực đầm Nha Phu, xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã chủ động khôi phục và phát triển rừng ngập mặn nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản của địa phương.
Nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích thiết thực của môi trường tự nhiên đối với đời sống, nhiều hộ gia đình ở khu vực đầm Nha Phu, xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã chủ động khôi phục và phát triển rừng ngập mặn nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản của địa phương.
Phá rừng ngập mặn, môi trường bị hủy hoại
Dọc theo tuyến Quốc lộ 1A, đoạn từ UBND xã Ninh Ích đến chân đèo Rọ Tượng, phóng mắt về hướng biển, mọi người dễ dàng nhìn thấy rừng đước khoảng 10 năm tuổi đang phát triển xanh tốt. Đó chính là khu rừng ngập mặn đầm Nha Phu. Những năm qua, được sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, sự quan tâm của lãnh đạo địa phương cùng với sự tích cực, chủ động của người dân, rừng ngập mặn đầm Nha Phu đã và đang dần khôi phục.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, khu rừng ngập mặn đầm Nha Phu có khoảng 200ha rừng nguyên sinh với hệ sinh thái động, thực vật đa dạng. Rừng ngập mặn đầm Nha Phu đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu tác hại của sóng, bão lụt, điều hòa khí hậu, chống xói mòn, duy trì tính đa dạng sinh học và nguồn dinh dưỡng đảm bảo cho sự sinh sôi và phát triển của các loài thủy sản… Tuy nhiên, từ khi phong trào nuôi tôm công nghiệp phát triển rầm rộ, vì nguồn lợi trước mắt, không ít người dân nơi đây đã đưa các loại phương tiện, máy móc tàn phá khu rừng và biến đầm Nha Phu trở thành một vùng trống. Rừng ngập mặn bị tàn phá đồng nghĩa các lợi ích do rừng mang lại như: môi trường, hệ sinh thái ngặp mặn, nguồn lợi thủy hải sản… cũng mất đi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Nhớ lại ngày ấy, bà Ngô Thị Thu - người có hơn 25 năm sinh sống ở đây kể: “Thấy người ta ồ ạt phá rừng làm đìa nuôi tôm, vợ chồng tôi cũng bắt chước làm. Năm đầu, con tôm trúng mùa, thu hoạch được vài chục triệu đồng. Thời gian sau, các đìa tôm bắt đầu nhiễm phèn, nuôi con gì chết con nấy. Nhiều người tán gia bại sản, phải đi làm thuê, làm mướn…”. Theo ông Võ Đình Long, cán bộ kinh tế xã Ninh Ích, trước đây, khu rừng ngập mặn đầm Nha Phu có cây cối phát triển xanh tốt, mọc san sát nhau ra tận mép quốc lộ (trải dài đến gần 4km). Còn giờ đây, rừng ngập mặn (cây đước) chỉ còn lại diện tích khá nhỏ, bằng 1/10 so với trước.
Nỗ lực phục hồi rừng đước
Nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích thiết thực của rừng ngập mặn đối với môi trường, hệ sinh thái và đời sống người dân, từ năm 2006, được sự tài trợ từ 1 dự án của Nhật, lãnh đạo xã đã vận động nhân dân chủ động trồng mới và khôi phục rừng ngặp mặn ở đầm Nha Phu. “Để khuyến khích người dân trồng mới diện tích rừng đước, xã đã chủ động giao đất, hỗ trợ con giống cho từng hộ gia đình” - ông Long cho biết. Đến nay, khu vực đầm Nha Phu (xã Ninh Ích) đã có khoảng 20ha diện tích rừng đước được khôi phục và trồng mới ở khu vực ven biển và trong các đìa nuôi tôm, cá của người dân. Tuy không thể so sánh như rừng ngặp mặn nguyên sinh trước đây, nhưng từ ngày rừng đước được trồng và phát triển xanh tốt trở lại, môi trường sống cũng như hệ sinh thái ngập mặn đầm Nha Phu đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Vào những mùa mưa bão, người dân ở nơi đây không còn cảm giác lo lắng bị sóng gió, bão lụt, thủy triều gây xói lở bờ đìa. Các loài thủy hải sản trong đầm và ở đìa nuôi tự nhiên của người dân (tôm, cua, cá…) cũng dần được phục hồi, sinh sôi, không còn bị chết hàng loạt. Bà Thu phấn khởi bày tỏ: “Bây giờ nghĩ lại, tôi mới thấy thuận theo tự nhiên là đúng. Tuy không thể làm giàu nhanh chóng nhưng gia đình tôi không còn nơm nớp lo sợ tôm, cá bị chết như trước”. Mặt khác, cũng nhờ khôi phục rừng ngập mặn mà nhiều loài chim, cò đã tìm về trú ẩn, làm cho hệ sinh thái ở đây ngày càng trở nên phong phú…
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, xã Ninh Ích phấn đấu trồng thêm 30ha cây đước, góp phần nâng tổng số diện tích rừng ngập mặn của địa phương lên 50ha. Kế hoạch này nhằm khôi phục lại môi trường sinh thái ngày càng bền vững cho đầm Nha Phu.
AN NHIÊN