Cuộc sống hiện đại, đa số thế hệ trẻ bây giờ đều thích kiểu mô hình gia đình hạt nhân, chỉ có 2 thế hệ. Trong khi đó, phần lớn người già lại thích mô hình gia đình truyền thống, “tam, tứ đại đồng đường”. Vậy mô hình nào phù hợp nhất với nhịp sống hiện nay?
Ảnh minh họa |
Cuộc sống hiện đại, đa số thế hệ trẻ bây giờ đều thích kiểu mô hình gia đình hạt nhân, chỉ có 2 thế hệ. Trong khi đó, phần lớn người già lại thích mô hình gia đình truyền thống, “tam, tứ đại đồng đường”. Vậy mô hình nào phù hợp nhất với nhịp sống hiện nay?
Trong thực tế, trừ những kiểu gia đình cá biệt như: gia đình đơn thân, gia đình 1 thế hệ, phần lớn gia đình hiện nay chỉ có 2 dạng: gia đình truyền thống (gia đình có từ 3 thế hệ trở lên - tam, tứ đại đồng đường) và gia đình hiện đại (hay còn gọi là gia đình hạt nhân - có 2 thế hệ: cha mẹ và con cái). Mỗi mô hình gia đình có những ưu thế và hạn chế riêng. Tuy nhiên, trong xã hội phát triển, nhất là thời kỳ hội nhập, người ta có xu hướng ngày càng ưa chuộng kiểu gia đình hiện đại. Theo số liệu thống kê, hiện nay có 70% gia đình Việt Nam thuộc dạng gia đình 2 thế hệ, nhưng tình trạng ly hôn, bạo lực gia đình ngày càng tăng tương ứng. Có sự liên quan gì giữa 2 vấn đề này? Phải chăng, nếu không xây dựng gia đình theo mô hình “tam, tứ đại đồng đường” thì dễ sinh bất ổn?
Quá trình hình thành nhân cách của mỗi người phần lớn và chủ yếu chịu sự tác động của 3 thành tố: gia đình - nhà trường - xã hội. Trong đó gia đình là sự khởi đầu, nếu không nói là yếu tố quyết định. Con người từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành không thể tách rời cái nôi gia đình. Vì gia đình chính là nơi hình thành nhân cách, đạo đức trong giai đoạn đầu đời của trẻ (từ khi sinh ra cho đến tuổi vào trường).
Cùng với sự phát triển của xã hội, kiểu gia đình hạt nhân ngày càng tỏ ra chiếm ưu thế do bản chất linh hoạt, dễ thích ứng trước sự biến đổi không ngừng của cuộc sống. Tuy nhiên, là một gia đình mới vừa tạo lập, cha mẹ phải quần quật với những kế mưu sinh, quỹ thời gian dành cho con không nhiều, đồng nghĩa với sự lơi lỏng trong chăm chút, nuôi dạy. Con cái mới vừa tròn 4 tháng tuổi đã phải rời khỏi nhà từ sáng sớm, đến chiều tối mới được cha mẹ đón về, vừa kịp ăn, tắm rửa xong đã ngủ, không còn thời gian để bố mẹ làm gương, yêu thương, ôm ấp, vỗ về. Trong khi đó, trẻ con dần hình thành nhân cách qua sự bắt chước hành vi của người lớn. Vì thế, việc dạy con không chỉ bằng lời nói và càng không nên là roi vọt, mà chỉ có thể bằng tình thương và hình ảnh làm gương của người lớn mới mang lại hiệu quả cao, để lại dấu ấn sâu sắc theo suốt cuộc đời của mỗi người khi đã trưởng thành.
Trong khi đó, kiểu gia đình “tam, tứ đại đồng đường” thể hiện được nhiều nét đẹp. Cha mẹ cứ việc lo “chạy gạo”, con cái sinh ra yên tâm, tin tưởng đã có ông, bà chăm sóc. Người xưa có câu: “Giọt trước rơi đâu, giọt sau rơi đó”. Trong gia đình, đạo đức của ông bà, cha mẹ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ con cháu. Thông thường, khi đã là ông, bà, đã nếm trải mọi kinh nghiệm của cuộc đời, những tích lũy về đối nhân xử thế, đạo lý truyền thống của ông bà nếu được truyền dạy lại cho con cháu sẽ không có sách vở nào sánh kịp, không lời giáo huấn nào sánh bằng. Tuy nhiên, sự ràng buộc về chuẩn mực đạo đức của người già cũng phần nào đã làm mất tự do, tính năng động và sự phát triển của giới trẻ…
Hiện nay, điều đáng quan tâm là lối xây dựng gia đình theo kiểu hiện đại lệch lạc của một bộ phận giới trẻ. Đó là hiện tượng các gia đình trẻ thích sống tự do, thích tự bươn chải, mưu sinh trong vòng nghiệt ngã của cuộc sống mà không cần kinh nghiệm của người đi trước, không thích bị trói buộc, lệ thuộc vào quá nhiều ý kiến của người lớn trong gia đình, có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Các nhà nghiên cứu xã hội cho rằng, đó là một sự thiệt thòi cho giới trẻ ngày nay.
Vậy, với những ưu khuyết điểm của 2 mô hình gia đình: truyền thống và hiện đại, chọn mô hình nào cho phù hợp với cuộc sống ngày nay đang là câu hỏi khó cho giới trẻ sống có trách nhiệm với xã hội, gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên, một điều cốt lõi không thể bỏ qua là dù chọn sống theo kiểu mô hình gia đình nào đi nữa, giới trẻ cần phải hiểu sâu sắc rằng: Giai đoạn hình thành nhân cách đầu đời của con trẻ là rất quan trọng. Vì vậy, bậc bố mẹ hãy cho con trẻ đủ “liều vắc-xin” về đạo đức khi còn trong độ tuổi cắp sách đến trường, để mai này được góp mặt với đời những công dân “không thành danh cũng thành nhân”.
NGÔ HƯƠNG
(Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch)