09:06, 03/06/2012

Dạy nghề cho nông dân: Cần đi vào thực chất

Thời gian qua, thực hiện Chương trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực để thực hiện mục tiêu, kế hoạch đề ra...

Thời gian qua, thực hiện Chương trình Đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực để thực hiện mục tiêu, kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, hiệu quả sau đào tạo chưa cao, nhiều người được ĐTN vẫn chưa phát huy được kiến thức đã học… Tình hình đó đòi hỏi công tác ĐTN phải đổi mới và ngày càng đi vào thực chất. 

Bộc lộ nhiều khiếm khuyết

Những năm qua, thực hiện Chương trình ĐTN cho lao động nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Hội Nông dân (HND) tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo thông qua công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động người học; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề; xây dựng chương trình, giáo trình; xây dựng mô hình đào tạo; giám sát việc thực hiện chính sách, chế độ đối với người học… HND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình; phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai kế hoạch đào tạo; tổ chức tuyên truyền, vận động đối tượng; tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình các nghề mới; kiểm tra, đánh giá chất lượng và cấp chứng chỉ nghề cho học viên… 


Một lớp chăm sóc hoa, cây cảnh do Hội Nông dân tỉnh tổ chức.
Một lớp chăm sóc hoa, cây cảnh do Hội Nông dân tỉnh tổ chức.

 

Việc ĐTN cho nông dân thời gian qua đã mang lại một số hiệu quả, đặc biệt là nâng tỷ lệ ĐTN cho lao động nông thôn (trước đây tỷ lệ này còn rất thấp). Tuy nhiên, việc ĐTN cho nông dân cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết, cần đổi mới. Nhiều người coi việc học nghề như là lớp bồi dưỡng, tập huấn dài ngày; vì vậy, sau khi học nghề xong lại bỏ bê, thiếu quan tâm kết quả đã được đào tạo, không có chí hướng phấn đấu vươn lên trong nghề; đó là chưa kể một số nông dân còn xuề xòa, thiếu kỷ luật, làm theo lối mòn. Bên cạnh đó, chương trình vẫn còn thiếu sự hỗ trợ sau đào tạo như: tìm kiếm nhu cầu công việc, giúp đỡ nguồn vốn, tư vấn khởi nghiệp, các giải pháp thực tế… cho người đã học nghề. Chương trình cũng chưa đánh giá hết những tác động tâm lý tiêu cực của người học nghề, chưa tư vấn kỹ lưỡng để giúp người học có tâm thế vững vàng sau đào tạo…

Cần đổi mới

Nhằm khắc phục những tồn tại nói trên, năm 2012, công tác ĐTN cho nông dân có một số chuyển biến mới. Bà Trần Thị Kim Liên - Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: “Rút kinh nghiệm việc ĐTN thời gian qua, năm 2012, công tác này có một số đổi mới. Sau khi hoàn tất công việc mở lớp, chúng tôi dành thời gian để tư vấn cho học viên, tuyên truyền về chính sách, chế độ, quyền lợi, trách nhiệm của người học. Đồng thời xác định nhu cầu, tính bức thiết của nghề, từ đó có giải pháp phù hợp”. Chính vì thế, từ đầu năm đến nay, HND đã từ chối đào tạo một số lớp không bảo đảm các điều kiện đặt ra. Những lớp được xác định là có hiệu quả vẫn phải được xem xét lại để tìm kiếm nhu cầu đích thực. Điển hình như lớp trồng, chăm sóc hoa, cây cảnh ở xã Vạn Hưng (Vạn Ninh) sau khi được tư vấn, chốt danh sách chỉ còn 7 - 9 người (trước đó có 15 người, chủ yếu là thành viên của tổ liên kết đang hoạt động có hiệu quả). Năm 2012, HND tỉnh tập trung dạy nghề nông nghiệp là chính, không đào tạo dàn trải như những năm trước. Tuy nhiên, hiện nay, công tác ĐTN đang gặp khó khăn, đặc biệt là đội ngũ giáo viên đứng lớp. Việc ĐTN cho nông dân cần những giáo viên có kinh nghiệm về nông, lâm, ngư nghiệp (có khi phải huy động cả những nghệ nhân, những người am hiểu về cây trồng, vật nuôi…), nhưng những người này lại chưa được Nhà nước công nhận. Thời gian qua, HND tỉnh động viên một số nông dân có kinh nghiệm, giỏi nghề đi học lớp sư phạm cấp tốc để được cấp chứng chỉ sư phạm của Trường Cao đẳng Nghề. Tuy nhiên hiện nay, nhà trường vẫn chưa triển khai chương trình này…

Công tác ĐTN cho nông dân đòi hỏi phải có đặc thù riêng và đi vào thực chất. Có như vậy, kết quả đào tạo mới được phát huy.

H.A