Hiện nay, tình trạng cho trẻ học trước chương trình lớp 1 đang trở thành phổ biến. Xung quanh vấn đề này, người thì đồng tình, người lại phản đối…
Ảnh minh họa |
Hiện nay, tình trạng cho trẻ học trước chương trình lớp 1 đang trở thành phổ biến. Xung quanh vấn đề này, người thì đồng tình, người lại phản đối…
Đua theo thời cuộc
Thành thông lệ, cứ mỗi dịp vào Hè, các bậc cha mẹ có con chuẩn bị vào cấp tiểu học lại đua nhau đi tìm cơ sở dạy chương trình lớp 1 cho con mình. Đáng nói, việc tìm thầy cho con học trước chương trình không xuất phát từ nhu cầu ham học của trẻ. Tất cả đều do tâm lý của các bậc phụ huynh sợ con em mình thua sút bạn bè. Đã có khá nhiều cha mẹ học sinh thừa nhận, cho các cháu đi học trước chương trình lớp 1 chẳng qua vì đa số các học sinh khác đều đã học đọc học viết khi còn ở lớp cuối của bậc mầm non. Do vậy, nếu không cho con mình đi học trước, sợ sẽ không theo kịp bạn bè khi vào lớp 1. Không ít bậc phụ huynh cho rằng, được học trước, học sinh sẽ có tâm thế vững vàng hơn khi vào lớp 1, không bị bỡ ngỡ hay lo lắng, giáo viên cũng đỡ phải gò từng chữ cho các em. Nắm trước được chương trình lớp 1, khi vào học chính thức, các cháu có thể tập trung đi sâu vào các bài học hơn. Đặc biệt, có phụ huynh cho con học trước để dễ dàng có thứ hạng cao khi học lớp 1. Với tâm lý trên, khi phụ huynh này thấy các phụ huynh khác cho con em học trước thì cũng làm theo.
Đến các trường mầm non vào thời điểm hiện tại, chúng tôi được biết, tuy tới tháng 9-2012 mới khai giảng năm học mới nhưng từ tháng 3 đến nay, ở các lớp 5 tuổi, đã có không ít học sinh được cha mẹ xin cho nghỉ học ở trường để ra ngoài tự túc đi học trước chương trình đầu cấp tiểu học. Ngay từ tháng 4, đã có rất nhiều học sinh 5 tuổi không còn tiếp tục học ở trường mầm non. Mấy năm học gần đây, đến khoảng tháng 5, tháng 6, số học sinh 5 tuổi nghỉ học để đi học trước lớp 1 ở các cơ sở tư nhân chiếm tỉ lệ rất cao. Không chỉ ở thành phố, tại một số trường huyện, nhất là những trường mầm non nằm ở khu vực sát thành phố hoặc những trường ở thị trấn, thị tứ, tình trạng này cũng phổ biến.
Dù từ cấp bộ cho tới cấp sở của ngành Giáo dục liên tục khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên cho con em học trước chương trình lớp 1, nhưng nhiều phụ huynh, vì sợ con mình thua sút bạn bè, nên vẫn ép các cháu học trước. Điều này vô tình tạo áp lực lớn cho trẻ. Nhiều phụ huynh lo xa hơn, cho con rèn chữ ngay khi đang học lớp “chồi”. Các cháu đã học cả ngày ở trường bán trú, tối đến lại phải đi rèn chữ viết, học thêm ở nhà cô, ở các trung tâm, thậm chí học thêm cả ngoại ngữ… Một số phụ huynh còn cho các cháu nghỉ hẳn lớp mẫu giáo để dành thời gian rèn chữ, học trước chương trình lớp 1.
Lợi bất cập hại
Ai cũng biết lớp 1 là móng, cấp 1 là nền, bởi vậy, việc chuẩn bị mọi mặt cho một học sinh vào lớp 1 được coi là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, chuẩn bị những gì cho trẻ, đầu tư như thế nào cho đúng điều trẻ cần khi bước vào lớp 1 lại là vấn đề rất cần trao đổi, định hướng.
Những người đồng tình cho trẻ học trước chương trình đầu cấp tiểu học cho rằng, học sớm là có lợi, còn người phản đối lại bảo có hại. Song, có một điều mà rất nhiều người công nhận, việc bắt học sinh học trước chương trình trong khi các cháu đang ở độ tuổi vui chơi chắc chắn tạo tâm lý không tốt khi các cháu vào học chính thức. Ép trẻ tập trung học khi khả năng của trẻ chưa cho phép sẽ tạo nên áp lực rất lớn. Mặt khác, giai đoạn này, cơ tay của các cháu còn yếu, việc ép các cháu viết nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển hình thể của các cháu sau này… Học trước còn rất dễ tạo nên sự sợ hãi, nỗi ám ảnh của trẻ đối với việc học và về lâu dài, làm mất hứng thú học tập của trẻ, trong khi thời gian học để trưởng thành của trẻ còn rất dài. Đáng lo hơn, khi được học trước, trẻ dễ hình thành sự tự mãn, bởi nếu biết rồi, trẻ không thể thực sự tập trung vào chuyện học. Ngay khi bắt đầu vào học chính thức mà các cháu không thực sự chú ý, nghiêm túc, sẽ hình thành thái độ học tập không tốt. Chưa kể, nếu những điều các em được học trước không đúng phương pháp thì khi rèn lại kỹ năng đúng cực kỳ khó khăn. Khi đó, việc học trước chương trình vô hình trung lại lợi bất cập hại.
Có thể nói, việc cho trẻ vào lớp 1 khi chưa tròn 6 tuổi là hết sức tai hại. Khi chưa tròn 6 tuổi, chắc chắn các yếu tố về thể lực, kĩ năng, tâm lí, ngôn ngữ của trẻ chưa đáp ứng được các yêu cầu vận động, sinh hoạt, học tập, giao tiếp của học sinh lớp 1. Nên nhớ, hầu hết những thành công hay thất bại ở lớp 1 sẽ là những dấu ấn sâu đậm theo suốt cả đời người; vậy nên, cha mẹ đừng để các em gặp khó khăn, thất bại ngay từ các bài học đầu tiên.
NHẬT MINH